Tài chính quốc tế

Lo Mỹ trừng phạt, loạt ngân hàng nhà nước Trung Quốc ‘quay lưng’ với Nga

(VNF) - Ba trong số bốn ngân hàng nhà nước lớn của Trung Quốc đã tạm dừng giao dịch với các tổ chức tài chính Nga bị trừng phạt, hãng tin Izvestia của Nga đưa tin ngày 21/2.

Chia sẻ với Izvestia, ông Alexey Poroshin, tổng giám đốc công ty tư vấn và đầu tư First Group, cho hay Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC), Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc và Ngân hàng Trung Quốc đã ngừng giao dịch với các khách hàng Nga kể từ đầu năm 2024.

Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC) đã ngừng giao dịch với các khách hàng Nga kể từ đầu năm 2024.

Cũng theo ông Poroshin, ba ngân hàng Trung Quốc đã thông báo cho khách hàng Nga của họ về động thái này vào tháng 1.

Trước đó 1 tháng, Liên minh châu Âu (EU) áp đặt gói trừng phạt thứ 12 đối với Nga. Cũng trong thời gian này, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký một sắc lệnh hành pháp cho phép “các biện pháp trừng phạt thứ cấp nhằm vào các tổ chức tài chính” hợp tác với các doanh nghiệp liên quan đến tổ hợp công nghiệp quân sự của Nga. 

Các hạn chế mới cho phép Washington nhắm mục tiêu vào các tổ chức đang cung cấp hàng hóa và dịch vụ tài chính cho Nga và tạo điều kiện cho các giao dịch xuyên biên giới. Các ngân hàng bị trừng phạt sẽ bị từ chối truy cập vào hệ thống tài chính Mỹ. 

Các ngân hàng Trung Quốc đang thắt chặt kiểm tra việc tuân thủ với các doanh nghiệp Nga vì họ lo ngại bị cuốn vào chính sách trừng phạt ngày càng thắt chặt của phương Tây đối với Nga liên quan đến việc nước này tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine.

Ông Poroshin nói với Izvestia rằng các ngân hàng Trung Quốc hiện không sẵn lòng hợp tác kinh doanh với các công ty bị trừng phạt vì cán cân thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc lớn hơn nhiều so với Trung Quốc và Nga.

Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC), Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc và Ngân hàng Trung Quốc đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận từ Business Insider.

Phương Tây đã tăng cường các biện pháp trừng phạt chống lại Nga khi nền kinh tế của nước này tỏ ra kiên cường ngay cả khi chiến sự đã kéo dài 2 năm kéo theo các hạn chế thương mại sâu rộng. Điều này một phần là do Nga đã chuyển hướng thương mại sang phía đông, đặc biệt là với Trung Quốc và Ấn Độ.

Đặc biệt, các công ty Nga giao dịch quốc tế đã trở nên phụ thuộc nhiều hơn vào các tổ chức Trung Quốc và đồng nhân dân tệ của Trung Quốc kể từ khi một số ngân hàng Nga rút khỏi hệ thống nhắn tin tài chính toàn cầu SWIFT .

Trong năm đầu tiên Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, các ngân hàng lớn của Trung Quốc đã cho Moscow vay hàng tỷ USD khi các ngân hàng phương Tây ngừng hoạt động tại nước này.

Các lệnh trừng phạt đã tước đi khả năng tiếp cận của ngân hàng trung ương Nga với khoảng một nửa dự trữ quốc tế của nước này, khiến họ chỉ sở hữu vàng và nhân dân tệ.

Vì vậy, phương Tây hiện đang cố gắng tìm cách phá vỡ nền kinh tế Nga bằng cách nhắm vào các công ty quốc tế vẫn đang kinh doanh với nước này.

Điện Kremlin đã thừa nhận các vấn đề với các giao dịch ngân hàng Trung Quốc. Người phát ngôn của Điện Kremlin Dmitry Peskov hồi đầu tháng này nói rằng chính quyền đang "làm việc" để giải quyết chúng với Bắc Kinh.

Xem thêm >> Mỹ cảnh báo sẽ ‘động thủ’ nếu Trung Quốc ồ ạt phá giá, xả hàng ra toàn cầu

Tin mới lên