Tài chính quốc tế

Trung Quốc hạ lãi suất cơ bản để 'tiếp máu' cho thị trường bất động sản

(VNF) - Lần đầu tiên kể từ tháng 6/2023, Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBoC) đã cắt giảm lãi suất cơ bản cho vay chuẩn (LPR) kỳ hạn 5 năm, mở rộng nỗ lực của Bắc Kinh nhằm vực dậy thị trường bất động sản “đang thiếu máu” của đất nước.

Trung Quốc hạ lãi suất cơ bản để 'tiếp máu' cho thị trường bất động sản

PBoC đã hạ lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 5 năm lần đầu tiên kể từ tháng 6/2023.

Theo đó, PBoC giữ nguyên lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn một năm (mức cố định cho hầu hết các khoản vay hộ gia đình và doanh nghiệp ở Trung Quốc) không đổi ở mức 3,45%. Lãi suất cho vay 5 năm chuẩn (mức cố định cho hầu hết các khoản thế chấp) đã giảm 25 điểm cơ bản xuống còn 3,95%.

Theo Bloomberg, đây là mức giảm lớn nhất kể từ khi lãi suất này được áp dụng vào năm 2019, và thấp hơn mức dự đoán trước đó của giới chuyên gia.

Động thái nói trên của PBoC là nhằm khuyến khích các ngân hàng thương mại cấp nhiều tín dụng hơn với mức lãi suất hấp dẫn hơn. Quyết định này của Trung Quốc trái ngược với phần lớn các nền kinh tế lớn khác, nơi lãi suất được tăng lên để kiềm chế lạm phát.

Ông Louise Loo, chuyên gia kinh tế trưởng tại Oxford Economics, cho biết: “Động thái này của PBoC tiếp tục ưu tiên nới lỏng có mục tiêu và mong muốn tăng cường hỗ trợ cho lĩnh vực bất động sản”.

“Nhưng vấn đề bất động sản của Trung Quốc cuối cùng không gắn liền với các khoản thế chấp. Động thái hôm nay có thể thúc đẩy nhu cầu cận biên, nhưng cần phải được thực hiện và xem xét trong bối cảnh có nhiều biện pháp hơn để quản lý quá trình điều chỉnh tài sản không thể tránh khỏi”, ông Loo nói thêm.

Sự mất niềm tin sâu sắc vào bất động sản, nguồn tài sản chính của nhiều gia đình Trung Quốc, là một vấn đề ngày càng gia tăng đối với các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc, những người đang tìm mọi cách để vực dậy ngành công nghiệp đang suy yếu này. Tuy nhiên, cho tới nay các biện pháp hầu như không có tác dụng.

Cuối năm 2023, Trung Quốc ghi nhận mức sụt giảm giá nhà kỷ lục kể từ năm 2015. Tổng doanh số bán nhà cũng giảm đến 33,3% trong tháng đầu năm 2024.

Số liệu thống kê công bố mới đây cho thấy Trung Quốc đang đứng trước khả năng rơi vào một thời kỳ giảm phát mà tình trạng giá cả giảm sút càng kéo dài bao nhiêu sẽ càng khó đảo ngược bấy nhiêu.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1 của Trung Quốc giảm 0,8% so với cùng kỳ năm trước, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 9/2009 và sâu hơn nhiều so với mức dự báo giảm 0,5% mà giới chuyên gia kinh tế đưa ra trước đó.

Trong đó, lạm phát lõi chỉ tăng 0,4% so với cùng kỳ năm ngoái, so với mức tăng 0,6% ghi nhận trong tháng 12/2023. Giá dịch vụ tăng 0,5%, bằng một nửa mức tăng của tháng trước. Không chỉ giá tiêu dùng giảm, chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) giảm 2,5% trong tháng 1 so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu tháng giảm thứ 16 liên tiếp của giá hàng hoá tại cổng nhà máy.

Theo Cục Quản lý Ngoại hối Nhà nước Trung Quốc, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc đạt 33 tỷ USD vào năm 2023, giảm khoảng 80% so với năm 2022. Tổng vốn FDI đã giảm năm thứ hai liên tiếp và chỉ bằng chưa đến 10% so với mức đỉnh 344 tỷ USD được ghi nhận vào năm 2021.

Xem thêm >> Mỹ cảnh báo sẽ ‘động thủ’ nếu Trung Quốc ồ ạt phá giá, xả hàng ra toàn cầu

Tin mới lên