Fed khởi xướng 'làn sóng' tăng lãi suất giữa các ngân hàng trung ương toàn cầu
Quỳnh Anh -
23/09/2022 17:47 (GMT+7)
(VNF) - Sau động thái tăng lãi suất cơ bản từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hôm 21/9, hàng loạt ngân hàng trung ương trên khắp thế giới cũng lần lượt ra quyết định thay đổi lãi suất, thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa để đối phó với lạm phát tăng cao.
Ngày 21/9, sau cuộc họp kéo dài 2 ngày, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã công bố quyết định tăng lãi suất cho vay cơ bản thêm 0,75 điểm %. Các mức lãi suất tại Mỹ sau đợt điều chỉnh mới, sẽ dao động trong biên độ từ 3,0% đến 3,25%, mức cao nhất kể từ năm 2008.
Đây là lần thứ 5 liên tiếp Fed tăng lãi suất cơ bản, và lần thứ 3 liên tiếp chỉ định mức tăng lên 0,75 điểm %, thể hiện quyết tâm đánh bại lạm phát.
Ngay sau động thái của Fed, hàng loạt ngân hàng trung ương từ châu Âu tới châu Á cũng đã đưa ra những quyết định mới liên quan tới lãi suất.
Một trong những đơn vị đầu tiên nâng lãi suất là ngân hàng Trung ương Thụy Điển, với mức tăng lãi suất chủ chốt thêm 1 điểm phần trăm. Ngân hàng đã tăng lãi suất chính sách lên 1,75% và cho biết sẽ tiếp tục thắt chặt trong 6 tháng tới khi cố gắng đưa lạm phát trở lại mục tiêu 2%.
Ngày 22/9, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đã công bố lần tăng lãi suất thứ 7 trong vòng chưa đầy một năm, lặp lại mức tăng 0,5 điểm % vào tháng trước, đưa lãi suất từ 1,75% lên 2,25%.
"Nếu triển vọng cho thấy áp lực lạm phát dai dẳng hơn, ủy ban chính sách tiền tệ sẽ đưa ra phản ứng mạnh mẽ nếu cần", theo tuyên bố của ngân hàng này.
Cùng ngày, Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ đã chính thức đặt dấu chấm hết cho kỷ nguyên lãi suất âm tại châu Âu bằng mức tăng 0,75 điểm %, đưa lãi suất lên mức 0,5%. Đây là lần tăng lãi suất thứ hai của Thụy Sĩ trong vòng 15 năm qua.
Tương tự, Ngân hàng Trung ương Na Uy thông báo tăng lãi suất từ 1,75% lên 2,25%.
Khu vực Trung Đông cũng chứng kiến mức tăng từ các Ngân hàng Trung ương Arab Saudi, Các tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE), Qatar, Bahrain, Kuwait.
Theo đó, ngân hàng trung ương Arab Saudi và UAE, Qatar đều tăng lãi suất thêm 0,75 điểm %, trong khi Ngân hàng Trung ương Bahrain nâng lãi suất chính sách với tiền gửi kỳ hạn 1 tuần lên 4%. Ngân hàng Kuwait tăng lãi suất chiết khấu chính thêm 0,25 điểm % lên 3%. Oman, thành viên còn lại của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh gồm 6 quốc gia, cho biết sẽ có động thái tương tự trong thời gian tới.
Ngân hàng Dự trữ Nam Phi đã nâng lãi suất tiêu chuẩn lên 0,75 điểm % lần thứ 2 liên tiếp và nhấn mạnh sẵn sàng hành động khẩn cấp để kiềm chế lạm phát.
Tại châu Á, ngày 22/9, ngân hàng trung ương Philippines và Indonesia đồng loạt mức nâng lãi suất thêm 0,5 điểm %. Với mức tăng này, lãi suất cơ bản tại hai quốc gia đều tăng lên mức 4,25%.
Trái lại, một số quốc gia vẫn giữ nguyên mức lãi suất, như Ai Cập, Nhật Bản, Brazil, hoặc thậm chí là giảm lãi suất như Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, số các quốc gia này không nhiều.
Tiến sĩ Chua Hak Bin, chuyên gia kinh tế tại Tập đoàn Ngân hàng Đầu tư Maybank ở Singapore, cho biết: “Việc thắt chặt chính sách tiền tệ từ các ngân hàng trung ương còn lâu mới kết thúc. Tuy nhiên, tỷ lệ lãi suất tăng càng cao thì nguy cơ khiến nền kinh tế tăng trưởng chậm lại càng lớn”.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.