Công nghệ

FPT thành lập công ty thứ 8, quyết 'đánh lớn' vào chuyển đổi số

(VNF) - Theo ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng giám đốc Tập đoàn FPT, để cung cấp và kích hoạt tính năng mới cho khách hàng chuyển đổi số thành công, FPT đã thành lập công ty thứ 8 với tên gọi là FPT Smart Cloud.

FPT thành lập công ty thứ 8, quyết 'đánh lớn' vào chuyển đổi số

Chủ tịch FPT Trương Gia Bình.

Thà quyết định sai còn hơn không quyết

Phát biểu tại sự kiện FPT Techday 2020, tổ chức ngày 19/11, ông Nguyễn Văn Khoa đã trình bày về câu chuyện tác động của đại dịch Covid-19 đối với tâm thế của doanh nghiệp, trong đó có FPT. Tập đoàn này phải đối mặt nhiều bài toán để làm sao duy trì kinh doanh liên tục, bảo vệ người lao động và giữ cam kết với khách hàng tại Việt Nam cũng như trên toàn cầu.

Theo ông Khoa, thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, FPT đã chuyển toàn bộ mô hình quản trị sang chỉ huy, đây là một trong những ưu tiên cao nhất của tập đoàn. Các nhà quản lý FPT trước đây chủ yếu bàn bạc và ra quyết định, nhưng trong Covid-19, FPT đã kích hoạt chế độ "thời chiến" và thành lập một trung tâm chỉ huy để đưa ra quyết định nhanh, có khi chỉ trong 24h.

"Chúng tôi xác định thà quyết định sai còn hơn không quyết", Tổng giám đốc Tập đoàn FPT nói.

Cũng theo ông Khoa, trong Covid-19, FPT đã khuyến khích các mô hình bán hàng, giải quyết câu chuyện bán chéo. Đặc biệt, FPT đã lập ra ban chỉ huy bán hàng chung tương tự như trong quân đội với tốc độ nhanh nhất. Đồng thời cũng đã kết nối, quy hoạch các giải pháp, tự xây dựng nhiều hệ thống bên trong để vận hàng hàng nghìn nhân viên.

Nói về câu chuyện chuyển đổi số, ông Nguyễn Văn Khoa cho rằng điều quan trọng là phải có một phương pháp luận. Việc xây dựng phương pháp luận đã khó, việc tìm người và kiếm tiền để đầu tư cho chuyển đổi số hoàn toàn không dễ dàng.

Đáng chú ý, để giúp các doanh nghiệp chuyển đổi số, FPT đã thành lập công ty thứ 8 với tên gọi là FPT Smart Cloud. Tổng giám đốc Tập đoàn FPT khẳng định công ty này quy tụ tất cả sức mạnh công nghệ của FPT để cung cấp và kích hoạt tính năng mới cho khách hàng chuyển đổi số thành công.

Nhấn mạnh công ty này sẽ mang đến giá trị vượt trội về hạ tầng và dịch vụ tiêu chuẩn quốc tế, tận dụng lợi thế địa phương để mang đến giải pháp về hạ tầng và dịch vụ điện toán đám mây tối ưu, lãnh đạo FPT cam kết dữ liệu được lưu trữ tại Việt Nam với những tiêu chuẩn bảo mật hàng đầu. Ngoài ra, công ty này mang đến phương án đầu tư thông minh nhằm tối ưu chi phí và hiệu quả từ từng đồng vốn mà doanh nghiệp chi ra.

"Công ty sẽ mang đến one-stop ecosystem để khách hàng có thể tận dụng sức mạnh công nghệ của FPT để phục vụ cho quá trình chuyển đổi số cũng như tăng trưởng bền vững của doanh nghiệp", lãnh đạo FPT nhấn mạnh.

Chuyển đổi số là lời giải cho doanh nghiệp

Cũng tại sự kiện FPT Techday 2020, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình nhấn mạnh đây là điểm gặp gỡ của 3 "nhà", gồm: nhà nước, nhà doanh nghiệp và nhà công nghệ. 

Theo ông Bình, tại buổi thăm FPT Hòa Lạc ngày 18/11, Bí thư Thành ủy TP. HCM Nguyễn Thiện Nhân đã nhấn mạnh sự cần thiết của sự gặp gỡ giữa 3 "nhà" này.

"Cuộc gặp mặt này là cần thiết bởi TP. HCM đang phải quản lý ngày càng đông dân cư. Quy mô kinh tế của TP. HCM năm ngoái bằng cả nước năm 2007 và không được tăng biên chế. Bên cạnh đó, Chính phủ yêu cầu TP. HCM cung cấp dịch vụ công để người dân tốn ít thời gian hơn, ít chi phí hơn. Đó là bài toán lớn và vấn đề mà các nhà quản lý tại TP HCM đang đối mặt", ông Trương Gia Bình phân tích.

Chủ tịch FPT cho rằng khác biệt lớn nhất hiện nay diễn ra ở người tiêu dùng. Chưa bao giờ chúng ta đối diện người tiêu dùng khó tính như vậy. Nếu trước đây người tiêu dùng rất đơn giản tin tưởng vào thương hiệu. Ngày nay người tiêu dùng không trung thành với thương hiệu một cách dễ dàng nữa.

"Họ không còn kiên nhẫn, không sẵn sàng chờ đợi. Họ muốn ra cửa là có xe đưa đi ngay, một cú click chuột là có phở tại bàn. Họ chỉ click khi họ tin tưởng sản phẩm này là tốt nhất và rẻ nhất", ông Bình nói.

Cũng theo lãnh đạo FPT, vào thời Covid-19, doanh nghiệp không được tiếp xúc trực tiếp với khách hàng mà phải hướng đến không chạm, không tiếp xúc. Kế đến, người tiêu dùng không thích dùng chung. Mọi sản phẩm dịch vụ cần được cá nhân hóa theo nhu cầu riêng của từng khách hàng.

Chính vì vậy, doanh nghiệp phải nỗ lực cung cấp sản phẩm dịch vụ vừa nhanh, vừa nhiều, vừa rẻ. Làm được nhiều hơn với chi phí thấp hơn là yêu cầu hàng đầu và chuyển đổi số là một lời giải.

"Nếu doanh nghiệp này không làm thì doanh nghiệp khác làm và khi đối thủ có lợi thế cạnh tranh, doanh nghiệp lọt vào thế khó buộc phải thay đổi", Chủ tịch FPT Trương Gia Bình nhấn mạnh.

Tin mới lên