GDP Trung Quốc tăng 5,3%, đồng Yên chạm mức thấp nhất 3 thập kỷ
Linh Anh -
16/04/2024 16:31 (GMT+7)
(VNF) - Trong khi Trung Quốc đón nhận tin tức tích cực về nền kinh tế, với dữ liệu mới nhất về mức tăng trưởng GDP 5,3% trong quý I/2024, thì tại một nền kinh tế lớn khác tại châu Á là Nhật Bản lại chứng kiến đồng tiền quốc gia giảm xuống mức thấp kỷ lục trong vòng 3 thập kỷ.
Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng mạnh hơn dự kiến
Theo dữ liệu do chính phủ Trung Quốc công bố ngày 16/4, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc tăng 5,3% trong quý I/2024 so với cùng kỳ năm ngoái, vượt xa kỳ vọng của các nhà phân tích là 4,6% và mạnh hơn hơn một chút so với mức tăng trưởng 5,2% trong 3 tháng trước đó.
Ông Harry Murphy Cruise, chuyên gia kinh tế tại Moody's Analytics, cho biết: “Con số tăng trưởng mạnh mẽ trong quý đầu tiên giúp Trung Quốc gần hơn với mục tiêu khoảng 5% trong năm nay”.
"Sản xuất công nghiệp cũng được hỗ trợ trong quý, nhưng dữ liệu tháng 3 yếu kém là nguyên nhân gây ra một số lo ngại. Điều đáng lo ngại tương tự là các hộ gia đình Trung Quốc tiếp tục đóng hầu bao của mình", ông Harry nói thêm.
Theo đó, nền kinh tế Bắc Kinh đã có một khởi đầu vững chắc trong năm nay, nhưng dữ liệu khá kém trong tháng 3 về các lĩnh vực xuất khẩu, lạm phát tiêu dùng, giá sản xuất đã kéo thành tích chung chậm lại.
Thật vậy, dữ liệu về sản lượng nhà máy và doanh số bán lẻ được công bố cùng với báo cáo GDP đã nhấn mạnh sự yếu kém dai dẳng của nhu cầu trong nước.
Theo dữ liệu do Cục Thống kê Trung Quốc công bố, sản lượng công nghiệp trong tháng 3 tăng 4,5% so với một năm trước đó, không đạt chỉ tiêu so với mức tăng dự báo là 6% và mức tăng 7% trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 2.
Tăng trưởng doanh số bán lẻ, thước đo tiêu dùng, tăng 3,1% so với cùng kỳ trong tháng 3, so với mức tăng dự báo là 4,6% và chậm lại so với mức tăng 5,5% trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 2.
Đầu tư tài sản cố định tăng trưởng 4,5% hàng năm trong 3 tháng đầu năm 2024, so với kỳ vọng tăng 4,1%.
Hơn nữa, cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản tiếp tục là lực cản lớn đối với nền kinh tế Trung Quốc vì nó ảnh hưởng đến niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng, kế hoạch đầu tư, quyết định tuyển dụng và giá cổ phiếu.
Dữ liệu tháng 3 nêu bật mức độ sâu sắc của những rắc rối trong lĩnh vực này, với niềm tin và nhu cầu của nhà đầu tư vẫn ở mức thấp.
Giá nhà mới của Trung Quốc đã giảm với tốc độ nhanh nhất trong hơn 8 năm vào tháng trước do vấn đề nợ nần của các nhà phát triển bất động sản làm ảnh hưởng đến nhu cầu.
Đầu tư bất động sản giảm 16,8% so với cùng kỳ trong tháng 3, tệ hơn mức giảm 9,0% trong tháng 1 và tháng 2, trong khi doanh số bán hàng giảm 23,7%, so với mức giảm 20,5% trong hai tháng đầu năm.
Dữ liệu này càng làm tăng thêm tâm lý vốn đã tiêu cực đè nặng lên chứng khoán châu Á và tiền tệ của các thị trường mới nổi. Đồng NDT giảm sau khi dữ liệu được công bố, đồng thời chứng khoán Trung Quốc sụt giảm.
Đồng Yên giảm xuống mức thấp nhất trong 34 năm
Tại một nền kinh tế khác của châu Á là Nhật Bản, đồng tiền quốc gia cũng đang giảm xuống mức thấp kỷ lục mà chưa có sự can thiệp nào từ ngân hàng trung ương.
Theo đó, trong phiên giao dịch 15/4, đồng Yên đã giảm xuống mức trên 154 Yên/USD, mức thấp chưa từng thấy kể từ tháng 6/1990.
Sự sụt giảm của đồng Yên diễn ra trong bối cảnh đồng USD tăng mạnh sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tuần trước công bố dữ liệu kinh tế cho thấy lạm phát tăng trong tháng 3, đẩy thời gian dự kiến của đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên từ tháng 6 sang tháng 9 và căng thẳng leo thang ở Trung Đông.
Trước động thái mới nhất từ đồng Yên, Bộ trưởng tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki cho biết: “Chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ những diễn biến mới nhất. Chúng tôi sẵn sàng thực hiện mọi biện pháp có thể để ứng phó với tình huống này nếu cần thiết”.
Phát ngôn của ông Suzuki được đưa ra ngày 16/4, trước khi ông lên đường tới Washington để tham dự các sự kiện thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và các cuộc họp với các giám đốc tài chính của G-7.
Trước đó, ông Suzuki đã cảnh báo BOJ sẽ thực hiện hành động “táo bạo” nếu cần, gợi ý trực tiếp nhất về khả năng can thiệp vào thị trường ngoại hối, cụm từ mà ông đã sử dụng vào tháng trước khi đồng tiền này tiến gần đến mốc 152 Yên/USD.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone