Bất động sản

Giá nhà quá đắt: Khó hy vọng mua căn hộ Thủ đô, sống lại xu thế ‘bỏ phố về quê’

(VNF) - Giá bất động sản, đặc biệt là nhà ở, đất ở liên tục tăng và cao hơn so với thu nhập trung bình của giới trẻ. Điều này khiến cho nhiều bạn trẻ có thu nhập thấp tại các đô thị càng khó khăn hơn trong việc tiếp cận nhà ở.

Giá nhà quá đắt: Khó hy vọng mua căn hộ Thủ đô, sống lại xu thế ‘bỏ phố về quê’

Giá nhà tăng cao, nhiều bạn trẻ tính ‘bỏ phố về quê’ (ảnh minh họa)

Xu hướng nhiều bạn trẻ muốn rời phố

Theo thống kê của nhiều đơn vị nghiên cứu thị trường bất động sản, căn hộ bình dân có mức giá khoảng 25 triệu đồng/m2 không còn tồn tại ở các đô thị lớn như Hà Nội và TP. HCM. Khảo sát của VietnamFinance cho thấy mức giá căn hộ dao động 40-50 triệu đồng/m2 gần như chỉ có tại vùng ven.

Chị Huyền Lê (28 tuổi, sống tại Hà Nội), cho biết vợ chồng chị đang dự tính về quê sinh sống, bởi ở quê giờ phát triển không kém vùng ven ở thành phố lớn. Với nghề nghiệp làm hành chính văn phòng, chị cho rằng công việc không phải đặc thù, dễ dàng xin việc hơn.

“Hiện tại thu nhập vợ chồng không vượt trội, tầm trung bình 30 triệu đồng mỗi tháng, chỉ đủ sống mà không có dư. Với thu nhập hiện nay, gia đình tôi không thể gom góp mua được nhà khi giá đang rất cao, hơn 2 tỷ đồng cũng không mua nổi căn 2 phòng ngủ ngoại ô. Chưa kể, chi phí học hành của con cái ở thành phố cũng cao, không khí ngày càng ô nhiễm. Do đó, tôi tính với chồng về quê sống để đỡ áp lực về kinh tế”, chị chia sẻ.

Trong khi đó, chị L.H (30 tuổi), nhân viên kinh doanh một công ty ở Hà Nội, đã về quê mua một lô đất vào cuối năm ngoái để chuẩn bị cho kế hoạch “rời phố về quê”. Theo chị L.H, bỏ một số tiền lớn mua đất ở Thủ đô là gánh nặng với vợ chồng chị khi số tiền kiếm được chỉ để trả lãi với gốc, rất áp lực và không có tiền để đầu tư sinh lời ở lĩnh vực khác.

Hiện tại, chị L.H đang góp cổ phần ở công ty, hàng tháng có một khoản tiền cố định để nuôi con. Chị cho biết đầu năm nay được giao quản lý một vài chính nhánh cho công ty, khi xây dựng ổn dự định sẽ về mở văn phòng chi nhánh ở miền Trung. “Lúc đó, vợ chồng sẽ về quê vừa làm, vừa chăm sóc con cái, cuộc sống sẽ đỡ áp lực hơn so với việc bám trụ ở Hà Nội khi mà thu nhập không đủ chi tiêu cuộc sống”, chị nói.

Một trường hợp khác là chị Trần Ngọc (29 tuổi), sau 7 năm học tập và làm việc tại TP. HCM đã quyết định từ bỏ công việc một nhân viên văn phòng để về Kon Tum sinh sống. “Nay theo chồng về quê, núi non trùng điệp, sáng ra đi làm, hôm nào mưa là thấy được cả mây, chiều về chạy đua với ông mặt trời đỏ xem ai về sau núi trước, không khí thì trong lành, mát mẻ, khác xa cảnh tắc đường, khói bụi ở Sài thành”, chị bày tỏ và cho biết với mức thu nhập 15 triệu đồng/tháng sẽ không biết đến bao giờ mua được nhà tại đô thị lớn như TP. HCM cho nên cả 2 quyết định về quê sinh sống.

Việc mua nhà ở các đô thị lớn sẽ càng khó

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA) đánh giá thị trường bất động sản tiếp tục bị mất cân đối, lệch về phân khúc nhà ở cao cấp. Từ năm 2020 đến nay, nhà ở cao cấp luôn chiếm tỷ lệ áp đảo lên đến 70 - 80% sản phẩm nhà ở trên thị trường, phần còn lại là nhà ở trung cấp và hầu như không còn nhà ở bình dân.

Chủ tịch HoREA nhận định giá nhà tăng liên tục từ năm 2017 đến nay và vẫn neo cao, vượt ngoài khả năng tài chính của người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị, thậm chí cả cán bộ, công chức, viên chức… Với căn hộ bình dân có giá 2-3 tỷ đồng, người có thu nhập trung bình thấp, có tiền để dành được khoảng 100 triệu đồng/năm cũng phải mất khoảng 25 năm mới có thể mua được nhà.

Ông cho hay hiện nhu cầu nhà ở đáp ứng nhu cầu thực của xã hội vẫn rất lớn, nhất là nhu cầu loại nhà ở có giá vừa túi tiền, nhà ở xã hội.

Do đó nếu doanh nghiệp địa ốc và người mua nhà tiếp cận thuận lợi thị trường vốn, tín dụng và tháo gỡ được các vướng mắc pháp lý cho khoảng 1.000 dự án bất động sản trong cả nước và doanh nghiệp nỗ lực tái cấu trúc, tái cơ cấu sản phẩm nhà ở hướng về nhu cầu thực, kéo giảm giá nhà về mức hợp lý, thị trường bất động sản có triển vọng phục hồi, tăng trưởng trở lại từ nửa cuối năm 2024.

Phó tổng giám đốc Batdongsan.com.vn ông Nguyễn Quốc Anh cũng nhận định việc mua nhà ở các đô thị lớn Việt Nam sẽ ngày càng khó khăn. Do đó, các bạn trẻ cần có kế hoạch tích lũy, gia tăng thu nhập để sớm mua được nhà thay vì chờ đợi giá giảm sâu.

“Giá bất động sản Việt Nam sẽ khó có xu hướng giảm và khoảng cách giữa giá nhà với thu nhập bình quân của người dân sẽ ngày càng tăng lên”, ông Nguyễn Quốc Anh dự báo.

Chia sẻ về việc nhiều bạn trẻ dự tính “bỏ phố về quê”, chuyên gia bất động sản Nguyễn Quang Hòa cho rằng giá nhà cao là một trong những lý do hàng đầu khiến nhiều bạn trẻ hiện có xu hướng này. Theo ông, giá căn hộ ở vùng ven thành phố thấp nhất cũng phải 1,5 - 2,5 tỷ đồng một căn, như vậy với những bạn mới ra trường để mua được cũng không phải dễ khi mức lương trung bình chỉ khoảng 10-15 triệu đồng/tháng.

Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng không vì vậy mà chúng ta không có cách. Theo ông, thời điểm này khi giá bất động sản cao thay vì chưa đủ tiền để mua thì giải pháp hợp lý nhất là thuê căn hộ để ở. Trên thị trường hiện nay, giá căn hộ cho thuê ở khu vực đô thị ở mức khá thấp, có những căn cho thuê chỉ 5 triệu đồng/tháng, rất phù hợp với các bạn trẻ.

Cũng theo vị chuyên gia, bất động sản là một tài sản lớn, để mua được bất động sản thường độ tuổi từ 28 trở lên mới đủ khả năng, còn độ tuổi chín muồi nhất là 30-32 tuổi. Các bạn trẻ trên nên căn nhắc kĩ càng khi lựa chọn giữa việc về quê hay bám trụ lại ở thành phố.

>> Xem thêm: Giá căn hộ lên cao, có nên chốt lời thời điểm này?

Tin mới lên