Thị trường

Giá vàng trong nước đã tăng 500.000 đồng/lượng tuần qua

(VNF) - Giá vàng trong nước hiện đang trụ vững trên ngưỡng 58 triệu đồng/lượng. Các tiệm vàng đã bắt nhịp mua bán trở lại.

Giá vàng trong nước đã tăng 500.000 đồng/lượng tuần qua

Tuẩn tới, không có chuyên gia nào dự báo giá vàng sẽ giảm

Hôm nay (23/10), vàng miếng thương hiệu quốc gia SJC được Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết mua vào - bán ra trong khoảng 57,55 –  58,25 triệu đồng/lượng. Giá vàng thế giới hôm nay đang ở mức 1.792,5 USD/ounce.

So với hôm qua, giá vàng trong nước đã tăng thêm 50.000 đồng mỗi lượng. Nếu tính từ đầu tuần, giá vàng SJC đã tăng khoảng 500.000 đồng/lượng và đang ở vùng đỉnh cao nhất kể từ đầu năm đến nay.

Giá vàng trang sức, giá vàng nhẫn 24K các loại tăng mạnh hơn, lên mức 51,15 triệu đồng/lượng mua vào, 51,85 triệu đồng/lượng bán ra, tăng 150.000 đồng/lượng so với sáng hôm qua.

Khoảng cách chênh lệch giá mua vào - bán ra của vàng SJC được giữ ở mức 700.000 đồng/lượng, không thay đổi trong suốt tuần qua.

Khoảng cách chênh lệch giá vàng thế giới và vàng trong nước hôm nay cũng biến động theo giá vàng. Quy đổi theo tỷ giá niêm yết, giá vàng thế giới đang thấp hơn giá vàng SJC hơn 9 triệu đồng/lượng.

Ở các tiệm vàng khu vực TP. HCM và các tỉnh phía Nam, nhịp mua bán đang quay trở lại. Theo các chủ tiệm vàng, nhiều cá nhân có thói quen giữ vàng (tiểu thương, hộ gia đình) đã bắt đầu đến bán vàng, lấy vốn buôn bán nhỏ, khởi động cho kinh doanh mùa Tết.

Giá vàng thế giới hiện đang thấp hơn khoảng 7,0% (133 USD/ounce) so với đầu năm 2021. 

Đêm qua, giá vàng mất 33 USD/ounce, từ 1.813 USD/ounce xuống còn 1.780 USD/ounce lúc 0 giờ ngày 23/10. Ở mức giá này, những người bán khống bắt đầu mua vào. Giá vàng giành lại 13 USD/ounce và đến 4 giờ cùng ngày, đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần tại 1.793 USD/ounce.

Giá vàng thế giới đêm qua biến động rất mạnh khi thị trường lo ngại lạm phát toàn cầu gia tăng, "sức khỏe" của đồng USD suy yếu nhưng sau đó bất ngờ hồi phục trở lại.

Theo giới phân tích, giá năng lượng ngày càng nóng lên, nhất là giá dầu thô, than đá, khí đốt… tăng cao khiến giới đầu tư tài chính suy đoán lạm phát toàn cầu sẽ đi lên, có thể làm cho nhiều đồng tiền mạnh suy yếu, trong đó có USD.

So với giá vàng cuối tuần trước ở mức 1.769,9 USD/ounce, giá vàng thế giới đã tăng đến 33 USD/ounce trong vòng 1 tuần qua.

Tình hình lạm phát cao sẽ tiếp tục kéo dài đến năm 2022. Vàng thường được coi là hàng rào chống lạm phát, mặc dù việc cắt giảm các gói kích thích kinh tế và tăng lãi suất đã đẩy lợi suất trái phiếu Chính phủ lên cao, làm giảm sức hấp dẫn của vàng.

Các chuyên gia phân tích của ngân hàng đầu tư đa quốc gia UBS (Thụy Sỹ) nhận định rằng sự gia tăng trong các dự đoán về lạm phát và sự "hạ nhiệt" các dự đoán về tăng trưởng  có thể là yếu tố hỗ trợ giá vàng trong một, hai tháng tới.

Tuần này, trong 15 nhà phân tích Phố Wall tham gia cuộc khảo sát thị trường vàng của Kitco News, 13 người (tương đương 87%) kỳ vọng giá vàng tăng; 2 nhà phân tích còn lại (13%) cho ý kiến trung lập về vàng; không ai dự báo giá vàng sẽ giảm.

Trong khi đó, với 598 phiếu bầu trong cuộc thăm dò trực tuyến trên Phố Main, 360 người được hỏi (tương đương 60%) dự báo giá vàng sẽ tăng vào tuần tới; 134 người khác (22%) dự báo giảm; trong khi 104 người (17%) cho ý kiến trung lập.

Tuần này cũng đánh dấu tuần tăng thứ hai liên tiếp, giá vàng tăng 1,63% so với tuần trước.

Chủ tịch của Darin Newsom Analytics, dự báo giá vàng cao hơn trong tuần tới; tuy nhiên, điều đó phụ thuộc lớn vào USD và nếu USD Index ở mức 93,50 được giữ vững, vàng có thể đạt đỉnh sớm trong tuần tới.

Từ khoá: vàng, giá vàng, vàng miếng,
Tin mới lên