Bất động sản

‘Giấc mộng Nam Kha’ năm 2023 của CEO Group

(VNF) – Năm 2023, Công ty Cổ phần Tập đoàn C.E.O (HNX: CEO) đặt kế hoạch doanh thu 3.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 315 tỷ đồng. Thế nhưng, kết năm 2023, kế hoạch tham vọng này chỉ là một “giấc mộng Nam Kha”, khi công ty chỉ hoàn thành được 46% mục tiêu doanh thu và 38% mục tiêu lợi nhuận.

‘Giấc mộng Nam Kha’ năm 2023 của CEO Group

‘Giấc mộng Nam Kha’ năm 2023 của CEO Group

Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2023 đã cho thấy một bức tranh kinh doanh không mấy khá khẩm của CEO.

Cụ thể, quý IV/2023, doanh thu thuần chỉ đạt 451 tỷ đồng, giảm tới 70% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân là mảng kinh doanh bất động sản giảm 78%, chỉ đạt 303 tỷ đồng.

Do doanh thu giảm, lợi nhuận gộp cũng giảm 75%, chỉ đạt 131 tỷ đồng, tương ứng biên lợi nhuận gộp đạt 29%.

Trừ đi các loại chi phí, CEO có lợi nhuận trước thuế 62 tỷ đồng, giảm 78% và lợi nhuận sau thuế 29 tỷ đồng, giảm 85% so với cùng kỳ năm trước.

Tình hình không tốt trong quý IV đã ảnh hưởng mạnh tới kết quả chung cục 2023. Theo đó, doanh thu thuần cả năm chỉ đạt 1.393 tỷ đồng, giảm 45% so với năm trước. Xét trong vòng 8 năm trở lại đây, doanh thu 2023 chỉ lớn hơn 2 năm đại dịch 2020 – 2021.

Lợi nhuận gộp giảm tương ứng với đà đi xuống của doanh thu, giảm 52%, chỉ đạt 433 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp đạt 31%.

Trong năm 2023, nguồn thu của CEO được bổ sung thêm 41 tỷ đồng từ hoạt động tài chính. Tuy nhiên, với việc để chi phí quản lý lên tới 101 tỷ đồng, tăng 3,5%, CEO chỉ có thể kết thúc năm 2023 với lợi nhuận trước thuế 195 tỷ đồng, giảm 59% so với năm trước.

Khấu trừ thuế, lợi nhuận còn 119 tỷ đồng, giảm 61% so với năm trước. Tương tự như doanh thu, trong vòng 9 năm trở lại đây, lợi nhuận năm 2023 cũng chỉ lớn hơn 2 năm đại dịch 2020 – 2021.

Được biết năm 2023, CEO đặt mục tiêu doanh thu 3.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 315 tỷ đồng. Như vậy, công ty mới chỉ hoàn thành 46% mục tiêu doanh thu và 38% mục tiêu lợi nhuận.

Còn nhớ khi đặt ra kế hoạch năm 2023, CEO đã nêu ra các cơ sở để ước tính doanh thu như sau: doanh thu cho thuê tòa tháp CEO 50 tỷ đồng, doanh thu từ dự án Sonasea Villas & Resort 1-2 700 tỷ đồng, doanh thu từ dự án Sonasea Vân Đồn Harbor City 1.700 tỷ đồng, doanh thu từ dự án CEOHomes Hana Garden 200 tỷ đồng và doanh thu từ dịch vụ thương mại khác 350 tỷ đồng.

Trừ đi chi phí: tháp CEO 20 tỷ đồng, Sonasea Villas & Resort 1-2 680 tỷ đồng, Sonasea Vân Đồn Harbor City 1.400 tỷ đồng, CEOHomes Hana Garden 160 tỷ đồng, dịch vụ thương mại 335 tỷ đồng, CEO Group ước tính lãi trước thuế sẽ đạt 405 tỷ đồng và lãi sau thuế đạt 315 tỷ đồng.

Tại bài viết “Những dấu hỏi đối với tham vọng của CEO Group”, VietnamFinance đã chỉ ra các cơ sở của kế hoạch kinh doanh 2023 là không chắc chắn, bởi các dự án lớn vẫn đang trong quá trình chuẩn bị, còn việc khai thác kinh doanh tại thị trường Phú Quốc là cực kì khó khăn. Việc ước tính doanh thu từ các cơ sở không chắc chắn như vậy, nếu không muốn nói là “hái hoa trong gương, mò trăng đáy nước” thì cũng là một dạng “đếm cua trong lỗ”.

Bởi vậy, việc CEO “vỡ kế hoạch” kinh doanh năm 2023 cũng không phải là điều quá ngạc nhiên.

Dầu vậy, bù đắp cho sự ảm đạm trong bức tranh kinh doanh thì bức tranh tài sản của CEO khá tươi sáng.

Tại ngày 31/12/2023, tổng tài sản của CEO đạt 9.421 tỷ đồng, tăng 33% so với đầu năm. Cơ cấu tài sản ghi nhận sự gia tăng của các khoản phải thu, tăng 22%, đạt 1.534 tỷ đồng, chiếm 16,2% tài sản. Dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi tăng 28% lên 64 tỷ đồng.

Khoản chi phí xây dựng cơ bản dở dang dài hạn cũng tăng 27% trong năm 2023, lên 1.540 tỷ đồng, chiếm 16,3% tài sản.

Trong khi đó, hàng tồn kho giảm 13%, còn 1.272 tỷ đồng, chiếm 13,5% tài sản.

Điều đáng chú ý hơn cả là quy mô tiền của CEO khá lớn, lên tới 3.695 tỷ đồng, tương đương 39,2% tài sản, gồm: tiền và tương đương tiền 1.163 tỷ đồng, tăng 2,8 lần; đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn 1.532 tỷ đồng, tăng 4 lần. Có được điều này là do năm qua, CEO đã tăng vốn thành công.

Về nguồn vốn, nợ phải trả của CEO tại ngày kết năm 2023 đạt 3.186 tỷ đồng, giảm 4,6% so với đầu năm. Điểm tích cực là khoản người mua trả tiền trước ngắn hạn đạt 1.100 tỷ đồng, tăng 2,5 lần, trong khi khoản nợ vay giảm 29%, còn 821 tỷ đồng.

Với vốn chủ sở hữu 6.234 tỷ đồng, tăng 1,67 lần so với đầu năm, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu chỉ là 0,51 lần.

Về dòng tiền, dòng tiền kinh doanh năm 2023 của CEO khá xấu khi âm 72 tỷ đồng – một biểu hiện cho thấy lợi nhuận của công ty chỉ nằm trên sổ sách chứ không thu được tiền về.

Do có được lượng tiền rất lớn từ tăng vốn (tiền thu về từ phát hành cổ phiếu lên tới 2.573 tỷ đồng), CEO giảm quy mô dòng tiền vay mượn tới 79% so với năm trước, chỉ còn 558 tỷ đồng. Đồng thời, công ty đẩy mạnh chi cho vay, mua công cụ nợ của đơn vị khác và mua sắm tài sản, khiến dòng tiền đầu tư âm 1.368 tỷ đồng.

Tin mới lên