Bất động sản

Giao thông tuần qua: Tháng 12/2020 sẽ vận hành thử đường sắt Cát Linh - Hà Đông và xây sân bay Long Thành

(VNF) - Trong tháng 12 sắp tới, dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông sẽ được vận hành thử nghiệm còn sân bay quốc tế Long Thành cũng dự kiến sẽ được khởi công... Đây là những tin tức giao thông đáng chú ý trong tuần qua.

Giao thông tuần qua: Tháng 12/2020 sẽ vận hành thử đường sắt Cát Linh - Hà Đông và xây sân bay Long Thành

Vận hành thử đường sắt Cát Linh - Hà Đông trong tháng 12/2020.

Hà Nội nghiên cứu đầu tư kéo dài đường vành đai 2 trên cao từ Ngã tư Sở đến Cầu Giấy

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP. Hà Nội, dự án mở rộng đường vành đai 2 từ Ngã tư Sở đến Cầu Giấy đã được Sở GTVT Hà Nội đưa vào danh mục đề xuất triển khai trong giai đoạn 2021 - 2025. 

Hiện dự án đang được đơn vị tư vấn nghiên cứu, hoàn thiện để báo cáo Sở Giao thông vận tải.

Trước đó, từ đầu tháng 11/2020, đường vành đai 2 trên cao, đoạn Ngã tư Sở - Ngã tư Vọng đã được đưa vào khai thác gồm:cầu chính mặt với cắt ngang tuyến đường bộ trên cao là 19m và cầu dẫn rộng 7m.

Theo Sở GTVT Hà Nội, bên cạnh tuyến vành đai 2 cả trên cao và dưới thấp từ Ngã tư Sở đến cầu Vĩnh Tuy, trong quy hoạch, tuyến đường vành đai 2 còn có hệ thống đường trên cao kéo dài đến Cầu Giấy.

Ngoài đường trên cao dọc tuyến vành đai 2 còn có đường trên cao dọc tuyến vành đai 3 và đường trên cao kết nối vành đai 2 và vành đai 3. Hệ thống hạ tầng giao thông khung khi hoàn thành theo quy hoạch sẽ giải quyết đáng kể tình trạng ùn tắc giao thông của Thủ đô.

Được biết, đường vành đai 2 là tuyến giao thông nội đô khép kín của Hà Nội. Tuyến đường có tổng chiều dài hơn 43km, chạy qua địa bàn các quận Long Biên, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Đống Đa, Ba Đình, Cầu Giấy, Tây Hồ và huyện Đông Anh.

Hiện nay, cùng với đoạn đường trên cao dọc đường Trường Chinh đã được đưa vào khai thác, đường vành đai 2 trên cao, đoạn Vĩnh Tuy - Ngã tư Vọng và đường vành đai 2 (phần đi bằng) đoạn Vĩnh Tuy - chợ Mơ - Ngã tư Vọng cũng đang triển khai thi công. (Xem thêm)

Đồng loạt khởi công 3 gói thầu cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - QL 45

Ngày 19/11, Bộ GTVT đã chính thức khởi công 3 gói thầu quan trọng gồm 10-XL, gói thầu số 12-XL, 13-XL trên cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - QL 45. Tổng kinh phí các gói thầu này khoảng 3.200 tỷ đồng, thời gian thi công trong 2 năm.

Dự án sau khi hoàn thành sẽ rút ngắn hành trình từ tỉnh Ninh Bình đến Thanh Hóa và mở ra cơ hội đầu tư vào khu vực miền Bắc và miền Trung; tạo điều kiện thúc đẩy nhanh sự hình thành và phát triển các khu công nghiệp, du lịch dọc tuyến, của Ninh Bình, Thanh Hóa.

Trước đó, vào ngày 30/9, Thủ tướng Chính phủ đã phát lệnh khởi công dự án cao tốc Mai Sơn – Quốc lộ 45 với gói thầu được chọn khởi công là Gói thầu số 11-XL. Đến nay, sau hơn một tháng thi công gói thầu đã triển khai đảm bảo tiến độ, kế hoạch đề ra.

Bên cạnh đó, dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 đã được các địa phương quan tâm, tập trung triển khai công tác GPMB với quyết tâm cao, trong đó phải kể đến kết quả thực hiện rất hiệu quả của tỉnh Ninh Bình và Thanh Hóa; đến nay công tác GPMB cơ bản hoàn thành đạt khoảng 87%, sẵn sàng bàn giao cho các nhà thầu huy động thiết bị máy móc, nhân lực để triển khai thi công ngay. (Xem thêm)

Vận hành thử đường sắt Cát Linh - Hà Đông trong tháng 12/2020

Theo dự kiến, chậm nhất là 21/11, sẽ có 7 chuyên gia tư vấn Pháp (ACT) bay sang Việt Nam để đánh giá độc lập an toàn hệ thống đường sắt đô thị (ĐSĐT) Cát Linh - Hà Đông.

Hiện tổng giám đốc liên danh ACT đã có mặt tại dự án. Dự kiến, trong tháng 12/2020, dự án có thể vận hành thử.

Riêng với tổng thầu EPC (Công ty TNHH Tập đoàn cục 6 đường sắt Trung Quốc) hiện có 100 cán bộ đã có mặt tại Hà Nội. Dự kiến trong 3 ngày tới sẽ có hơn 30 người sẽ hoàn thành cách ly để theo dõi y tế phòng dịch Covid-19.

Hiện tại, các nhân sự của tổng thầu đang làm việc tại dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đang tập trung thực hiện công tác khắc phục những chi tiết còn tồn tại được nêu ra trong hồ sơ nghiệm thu các hạng mục thành phần. Trong đó có hoàn thiện hệ thống phòng cháy chữa cháy theo yêu cầu của cơ quan cấp chứng nhận về phòng cháy, chữa cháy, làm hồ sơ hoàn công…

"Dự kiến sẽ bắt đầu vận hành thử toàn bộ hệ thống trong tuần đầu tháng 12/2020, thời gian vận hành 20 ngày”, đại diện đơn vị quản lý dự án thông tin. Trong quá trình vận hành thử hệ thống, trường hợp hạng mục kỹ thuật chưa đạt yêu cầu thiết kế, Ban Quản lý dự án yêu cầu tổng thầu tiếp tục khắc phục.

Sau khi kết thúc giai đoạn vận hành thử và nghiệm thu, theo Ban Quản lý dự án đường sắt, để dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đưa vào khai thác vận hành chính thức, còn phải trải qua các khâu: đánh giá và cấp chứng nhận an toàn hệ thống (do Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp), nghiệm thu nhà nước, đề nghị cấp chứng chỉ hoàn thành công trình, bàn giao nguyên trạng dự án cho Hà Nội và UBND TP. Hà Nội có quyết định đưa hệ thống đường sắt trên vào khai thác, vận hành. (Xem thêm)

'Sẽ khởi công sân bay Long Thành trong tháng 12/2020'

"Ngày 11/11, Chính phủ đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1. Ngay sau đó, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã hoàn thiện các thủ tục, phương án để sẵn sàng khởi công trong tháng 12/2020", ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch HĐQT ACV cho biết.

Ông Thanh cũng cho biết thêm, vào tháng 9/2019, khi Chính phủ trình Quốc hội thông qua báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án, ACV đã triển khai xây dựng phương án thực hiện. Trong đó trọng tâm là kế hoạch, tiến độ thực hiện; cân đối nguồn vốn, kế hoạch giải ngân; hoàn thiện Ban Quản lý dự án.

Hiện ACV với vai trò làm chủ đầu tư sẽ thực thiện 3 dự án thành phần gồm: các công trình thiết yếu cảng hàng không như khu bay, nhà ga, các công trình hạ tầng chung, bảo đảm an ninh, an toàn hàng không, hệ thống giao thông kết nối; tổng mức đầu tư trên 99.000 tỷ đồng sử dụng nguồn vốn của ACV, không sử dụng bảo lãnh chính phủ.

Nói về nguồn vốn trên, phía ACV cho biết hiện ACV đang có 29.225 tỷ đồng tiền mặt và dòng tiền tích lũy trong giai đoạn 2020 - 2025 dành riêng cho dự án là 6.877 tỷ đồng. Số còn lại dự kiến được ACV huy động dưới nhiều hình thức như vay thương mại, phát hành trái phiếu doanh nghiệp thị trường trong nước và quốc tế...

Về tiến độ dự án, ông Thanh cho biết, hiện phần đất cần thiết của giai đoạn 1 đã được UBND tỉnh Đồng Nai thực hiện và bàn giao cho Bộ GTVT. Cùng với nguồn vốn sẵn có nên ACV tự tin sẽ khởi công trong tháng 12/2020 và hoàn thành vào tháng 12/2025. (Xem thêm)

Vietstar Airlines xin nghiên cứu đầu tư mở rộng sân bay Tuy Hòa

Công ty Cổ phần Hàng không lưỡng dụng Ngôi sao Việt (Vietstar Airlines) vừa có văn bản gửi Bộ GTVT xin được đầu tư dự án mở rộng, nâng cấp cảng hàng không Tuy Hòa – Phú Yên.

Cụ thể, Vietstar Airlines đề nghị Bộ GTVT, lãnh đạo tỉnh Phú Yên cho phép đơn vị này được huy động các đơn vị tư vấn nước ngoài tham gia lập quy hoạch tổng thể, thiết kế chi tiết và đầu tư mở rộng, nâng cấp cảng hàng không Tuy Hòa thành cảng hàng không quốc tế.

Vietstar Airlines do ông Phạm Trịnh Phương làm chủ tịch là đơn vị sở hữu một số hangar tại sân bay Tân Sơn Nhất cung cấp dịch vụ bảo dưỡng tàu bay cho các hãng hàng không trong nước.

Vietstar Airlines cũng đang nắm trong tay giấy phép kinh doanh hàng không chung. Doanh nghiệp này còn khá nổi tiếng trong thời gian vừa qua với đề xuất xây dựng nhà ga hành khách lưỡng dụng tại sân bay Tân Sơn Nhất công suất 10 triệu hành khách/năm.

Vào tháng 2/2020, Cục Hàng không Việt Nam đã đề nghị Bộ GTVT phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch và dự toán điều chỉnh quy hoạch cảng hàng không Tuy Hòa với chi phí khoảng 2,5 tỷ đồng.

Cảng hàng không Tuy Hòa sẽ được điều chỉnh quy hoạch để đến năm 2030 đạt công suất 3 triệu hành khách/năm; đón được các tàu bay B747, B777; A321/320 hoặc tương đương. (Xem thêm)

Tin mới lên