Giao thông tuần qua: Thủ tướng duyệt dự án sân bay Long Thành, gói thầu cao tốc Bắc-Nam 1.200 tỷ có chủ

Chí Bình - 14/11/2020 12:38 (GMT+7)

(VNF) - Thủ tướng phê duyệt dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1 hơn 109.000 tỷ đồng; liên danh Trường Sơn - Phương Thành - Trường Thịnh trúng gói thầu hơn 1.200 tỷ làm cao tốc Bắc - Nam; thông xe đường Vành đai 2 trên cao đoạn ngã tư Sở - ngã tư Vọng... là những tin tức giao thông đáng chú ý trong tuần qua.

VNF
Liên danh Trường Sơn - Phương Thành - Trường Thịnh trúng gói thầu hơn 1.200 tỷ làm cao tốc Bắc - Nam. (Ảnh minh hoạ)

Liên danh Trường Sơn - Phương Thành - Trường Thịnh trúng gói thầu hơn 1.200 tỷ làm cao tốc Bắc - Nam

Bộ Giao thông Vận tải vừa ban hành quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu XL-13 thi công xây dựng đoạn Km307+600 - Km318+000 (bao gồm khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công), dự án thành phần đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông, đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45.

Theo quyết định này, đơn vị trúng thầu là là liên danh Tổng công ty xây dựng Trường Sơn - Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành - Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Thịnh. Giá trúng thầu là 1.256 tỷ đồng với thời gian thực hiện hợp đồng là 24 tháng.

Dự án cao tốc Bắc- Nam đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 có tổng cộng 5 gói thầu xây lắp. Đến nay, Bộ Giao thông Vận tải đã hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu xây lắp cho 4 gói thấu (XL-10, XL-11, XL-12, XL-13).

Với gói thầu cuối cùng là XL-14, do các nhà thầu dự thầu không đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu nên sẽ phải tổ chức đấu thầu lại và dự kiến sẽ hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu vào cuối tháng 12/2020.

Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 đi qua địa phận 2 tỉnh là Ninh Bình, Thanh Hóa với chiều dài toàn tuyến khoảng 63,37km.

Tổng mức đầu tư giai đoạn phân kỳ là 12.111 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng và thiết bị 7.684 tỷ đồng. Dự án do Ban Quản lý dự án Thăng Long tổ chức thực hiện và quản lý. (Xem thêm)

Thủ tướng phê duyệt dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1 hơn 109.000 tỷ

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ban hành quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.

Theo đó, dự án xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư 109.111,7 tỷ đồng, tương đương 4,664 tỷ USD với mục tiêu xây dựng 1 cảng hàng không quốc tế cấp 4F tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai gồm 1 đường cất hạ cánh, 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm trên diện tích sàn 373.000 m2; 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm.

Thời gian thực hiện dự án là từ 2020 đến 2025.

Dự án được chia thành 4 dự án thành phần. Trong đó, dự án thành phần 1 là các công trình trụ sở cơ quan quản lý nhà nước được Thủ tướng giao các cơ quan quản lý nhà nước liên quan (Hải quan, Công an, Công an cửa khẩu, Cảng vụ, Kiểm dịch y tế) bố trí nguồn vốn thực hiện. Trường hợp không có khả năng bố trí vốn, các cơ quan quản lý nhà nước lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức PPP, loại hợp đồng BTL hoặc BLT.

Dự án thành phần 2 là các công trình phục vụ quản lý bay, chủ đầu tư được Thủ tướng giao cho Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam làm chủ đầu tư.

Dự án thành phần 3 là các công trình thiết yếu trong cảng, bao gồm: nhà ga hành khách, hạ tầng hàng không, hệ thống cấp nước, xử lý nước thải; nhà ga hàng hóa số 1, nhà để xe; hệ thống giao thông kết nối tuyến số 1 và số 2… sẽ do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư.

Dự án thành phần 4 bao gồm các công trình khác… sẽ thực hiện bởi các nhà đầu tư, chủ đầu tư do Bộ Giao thông Vận tải chủ trì lựa chọn.

Thủ tướng yêu cầu các dự án thành phần 2, 3, 4 sẽ chỉ được sử dụng vốn của nhà đầu tư, không sử dụng bảo lãnh Chính phủ. (Xem thêm)

Thông xe đường Vành đai 2 trên cao đoạn ngã tư Sở - ngã tư Vọng

Sáng 9/11, đường Vành đai 2 trên cao đoạn Ngã tư Sở - Ngã tư Vọng đã được thông xe, đưa vào sử dụng.

Sau hơn 2 năm thi công (từ tháng 4/2018), phần đường trên cao đoạn ngã tư Vọng - ngã tư Sở đã hoàn thành với các hạng mục chính gồm, cầu chính (mặt cắt ngang tuyến đường bộ trên cao B = 19,00m) và cầu dẫn (B = 7,00m).

Cùng với việc xây dựng đoạn đường trên cao, phần nền đường dưới thấp đoạn Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng cũng đã được duy tu, nâng cấp, đảm bảo quá trình lưu thông an toàn, thuận lợi của người dân, hướng tới mục tiêu hạn chế ùn tắc giao thông kéo dài nhiều năm trên tuyến đường Trường Chinh.

Theo thiết kế, ô tô sẽ được lưu thông với vận tốc tới 80 km/h trên đoạn tuyến đầu tiên của đường Vành đai 2 trên cao. Để bảo đảm an toàn cho các phương tiện, tại hai đầu đường Vành đai 2 trên cao (đầu Ngã tư Sở và Ngã tư Vọng) đã được thiết lập dải phân cách an toàn với biển mũi tên chỉ hướng phản quang.

Trước đó, vào tháng 4/2018, UBND TP. Hà Nội khởi công dự án xây dựng tuyến đường bộ trên cao dọc đường vành đai 2, đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến ngã tư Sở, kết hợp với mở rộng đoạn đường từ Vĩnh Tuy đến ngã tư Vọng.

Đây là dự án theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) do tập đoàn Vingroup làm nhà đầu tư. Dự án sẽ xây mới hoàn toàn tuyến đường bộ trên cao bằng cầu cạn từ cầu Vĩnh Tuy đến ngã tư Sở, có chiều dài 5,1km, rộng 19m. (Xem thêm)

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: 'Sẽ tập trung kiểm đếm, đo đạc, lập sổ đỏ cho các sân bay'

Trả lời chất vấn Quốc hội ngày 11/10 về vấn đề xã hội hóa các cảng hàng không, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể khẳng định chủ trương này đang được thực hiện rất tốt. Các dịch vụ mặt đất từ bãi đỗ tàu bay, đến sửa chữa tàu bay, cung cấp xăng dầu, suất ăn đều do các doanh nghiệp tham gia theo quy định của pháp luật.

“Với tất cả dịch vụ này, các doanh nghiệp phù hợp đều có thể tham gia thực hiện trong khu vực sân bay”, ông Thể nói.

Tuy nhiên, sau thực tế đầu tư đề xuất xã hội hóa nhà ga hàng không ở 2 cảng hàng không Đà Nẵng và Cam Ranh, Bộ trưởng Thể cho biết đã nhận thấy một số vấn đề khiếm khuyết. Do đó, Bộ đang kiểm điểm nội bộ, thực hiện kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, điều chỉnh một số nội dung, trong đó có nội dung quan trọng về cấp sổ đỏ cho các cảng hàng không.

“Vấn đề cấp sổ đỏ cho cảng hàng không lại liên quan đến quân sự vì tất cả cảng hàng không trước đây do quân đội quản lý, sau đó chuyển dần qua dân sự”, Bộ trưởng Thể lý giải.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho biết một sân bay gồm 3 loại đất là đất quốc phòng, đất chuyên dụng cho hàng không và đất dùng chung giữa quân đội và hàng không.

"Bộ Giao thông Vận tải sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng, xin kinh phí từ Bộ Tài chính và tập trung công tác kiểm đếm, đo đạc, lập sổ đỏ cho các sân bay, sau đó sẽ tiếp tục xem xét đề xuất của nhà đầu tư liên quan việc xây dựng nhà ga theo hướng xã hội hóa", ông Thể nói. (Xem thêm)

Tại sao đường cao tốc ở phía Bắc lại nhiều hơn các tỉnh phía Nam?

Trả lời chất vấn Quốc hội ngày 11/10 liên quan đến vấn đề đường cao tốc ở phía Bắc đang được xây dựng nhiều hơn so với các tỉnh phía Nam, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết theo chức năng quản lý nhà nước thì vấn đề làm đường cao tốc thuộc Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ đóng vai trò cân đối nguồn lực.

Mặc dù vậy, theo ông Dũng, việc đầu tư cao tốc phụ thuộc rất nhiều vấn đề như quy hoạch, nguồn lực, giải pháp mặt bằng, hiệu quả dự án…

Nguyên nhân đường cao tốc ở phía Bắc nhiều hơn các tỉnh phía Nam theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng có thể là do khoảng cách địa lý xa hơn, nhu cầu làm cao tốc cấp bách hơn. Ngoài ra, chi phí giải phóng mặt bằng, thu hút đầu tư từ xã hội thực hiện BOT dễ hơn.

Ngược lại, ở phía Nam thì khoảng cách địa lý giữa các địa phương có thể gần nhau hơn, có thể sử dụng quốc lộ, tỉnh lộ, hoặc sông rạch… Trong khi đó, việc thu hút đầu tư khó hơn do nền móng yếu hơn, chi phí cao hơn, giải phóng mặt bằng cũng cao hơn. Do đó có thể là chưa tập trung ưu tiên giai đoạn vừa qua và cũng có thể là do quy hoạch đã đề ra.

"Tuy vậy, điều quan trọng là giải pháp thời gian sắp tới thì Chính phủ đã tập trung đầu tư cho giao thông Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2021-2025 là rất cao. Trong đó, đến năm 2025 sẽ nối cao tốc từ TP. HCM đến Cà Mau.

Hiện Bộ Giao thông Vận tải đang làm tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và chuẩn bị khởi công tuyến Mỹ Thuận - Cần Thơ, sắp tới sẽ hoàn thành hồ sơ thủ tục tuyến Cà Mau - Bạc Liệu và tuyến Bạc Liêu Cần Thơ", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói. (Xem thêm)

Cùng chuyên mục
Tin khác