Giữ chân ‘đại bàng’ trước tác động thuế tối thiểu toàn cầu

Phương Minh - Quang Huy - 01/08/2023 10:12 (GMT+7)

Việt Nam xem thuế là lợi thế thu hút vốn đầu tư nước ngoài nên việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu đang đặt ra nhiều thách thức trong tương lai.

VNF
Thuế tối thiểu toàn cầu là một trong những thách thức thuhútvốn FDI tại Việt Nam. Ảnh: Q.HUY

Theo các chuyên gia, nếu áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, Việt Nam (VN) có cơ hội thu được mỗi năm một số tiền không nhỏ trong khoản thuế ước tính 150 tỷ USD từ việc thu thêm phần thuế chênh lệch. Thế nhưng việc áp dụng thuế này cũng đặt ra nhiều thách thức, nhất là việc thu hút các doanh nghiệp (DN) đầu tư nước ngoài (FDI) mở rộng quy mô tại VN.

Thách thức mới

Là một trong những “đại bàng” FDI tại VN, ông Choi Joo Ho, Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung VN, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đầu tư tại VN. Cụ thể, Samsung khởi động nhà máy đầu tiên tại Bắc Ninh vào năm 2008 và giờ đây thương hiệu này đã mở rộng đầu tư khắp VN với tổng giá trị đầu tư hơn 20 tỷ USD.

“Hơn 50% điện thoại di động Samsung được bán trên toàn thế giới là sản xuất tại VN. Các tập đoàn công nghệ toàn cầu đang nghiêm túc dõi theo VN - một cứ điểm trọng tâm của điện thoại di động và việc tìm hiểu biến đổi chính sách công nghiệp của VN đã trở thành việc làm hằng ngày của họ” - ông Choi Joo Ho chia sẻ.

Sức hấp dẫn của VN với các tập đoàn đa quốc gia là rất lớn. Thế nhưng ông Choi Joo Ho cũng không giấu được sự lo ngại về việc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đã áp dụng cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu với các DN đa quốc gia đạt doanh thu ở quy mô 750 triệu euro. Hiện có hơn 100 DN quy mô toàn cầu đang đầu tư tại VN cũng sẽ chịu ảnh hưởng từ thuế tối thiểu toàn cầu. Điều này sẽ tác động đến thu hút FDI của VN.

Cùng góc nhìn, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho biết khi thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng, các tập đoàn đa quốc gia khi đầu tư tại nước ngoài mà có quy mô doanh thu 750 triệu euro phải trả khoản thuế thu nhập tối thiểu là 15%.

Điều này có nghĩa rằng nếu như DN đầu tư ở quốc gia có thuế thu nhập nộp thấp hơn 15% thì theo quy định phải nộp phần thiếu hụt cho đủ tại quốc gia nơi đặt trụ sở chính. Do đó, những lợi ích về ưu đãi thuế mà các DN FDI được hưởng sẽ mất đi hiệu quả thực tế.

Trong khi hiện VN đang áp dụng chính sách miễn, giảm thuế suất hoặc khấu trừ thuế trong thu hút FDI nên khi thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng, phần ưu đãi thuế của DN FDI được hưởng sẽ không còn hoặc giảm đáng kể.

“Sự thay đổi cơ chế đánh thuế sẽ khiến cho VN và các DN FDI gặp phải xáo trộn lớn. Chưa kể một khi thấy lợi ích giảm, các nhà đầu tư có xu hướng tìm đến các nước khác mà họ kỳ vọng hưởng lợi từ việc giảm, miễn thuế suất hoặc khấu trừ thuế” - ông Hiếu phân tích.

"Chúng tôi đề xuất VN cần có các gói hỗ trợ nếu như chính sách thuế tối thiểu toàn cầu được thông qua nhằm đảm bảo DN FDI kinh doanh hiệu quả trong bối cảnh cạnh tranh cao và kinh tế toàn cầu còn nhiều khó khăn. Đồng thời, cần các biện pháp thiết thực và hiệu quả để đảm bảo lợi ích cho các DN một khi ưu đãi thuế giảm", ông Dominik Meichle, Tổng Giám đốc Tập đoàn Bosch Việt Nam nói.

Ảnh hưởng việc mở rộng quy mô doanh nghiệp

TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, cũng cho biết với những quốc gia chủ yếu tiếp nhận đầu tư nước ngoài, áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu sẽ làm giảm việc thu hút FDI, cũng như làm xáo trộn dòng vốn này trong ngắn hạn. Vì các tập đoàn đa quốc gia có thể quay lại các nước phát triển khi các ưu đãi thuế đã không còn. Ngoài ra, chuỗi cung ứng cũng thay đổi vì các DN FDI phải tính toán lại thuế quan các nước muốn đến đầu tư.

TS Nguyễn Thái Chuyên, giảng viên kinh doanh quốc tế, ĐH RMIT Việt Nam, cho biết lợi ích thuế tối thiểu toàn cầu có thể thấy rõ là Nhà nước sẽ có thêm nguồn thu từ thuế và ngoài ra có thể hạn chế tình trạng trốn thuế, tránh thuế hoặc chuyển giá của những công ty đa quốc gia tại VN.

Tuy nhiên, theo ông Chuyên, VN là nước chủ yếu tiếp nhận đầu tư thì khi ưu đãi thuế không được áp dụng, VN mất lợi thế cạnh tranh thu hút FDI và có thể ảnh hưởng đến kế hoạch mở rộng quy mô của các dự án đầu tư nước ngoài.

“VN vẫn có thể thu hút mạnh mẽ dòng vốn FDI nếu thuế tối thiểu toàn cầu áp dụng vì ưu đãi thuế chỉ là một phần trong quyết định đầu tư của DN FDI. VN cần chính sách hỗ trợ DN tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng.

Cụ thể như hỗ trợ nguồn nhân lực, tiếp cận vốn, đất đai, đặc biệt kết nối DN FDI và trong nước để DN nội địa có nhiều cơ hội tiếp cận công nghệ sản xuất, quản lý của FDI đó. Từ đó gắn kết sâu sắc hơn với các nhà đầu tư chiến lược trong giai đoạn mới” - TS Chuyên khuyến nghị.

Sẽ có giải pháp rõ ràng

Ông Đỗ Văn Sử, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), cho biết VN đang xây dựng lộ trình áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu cũng như có tính đến phương án đàm phán song phương với các quốc gia có nhiều đầu tư nước ngoài tại VN.

“Cần thiết hơn thì có những thương lượng đàm phán để kéo dài lộ trình áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu để Chính phủ và các DN có thời gian để chuẩn bị” - ông Sử cho hay.

Theo ông Sử, trong thời gian tới, Cục Đầu tư nước ngoài chắc chắn sẽ có giải pháp rõ ràng, cụ thể để không ảnh hưởng tiêu cực tới dòng vốn đầu tư. Đồng thời cục cũng đưa ra ba mục tiêu chính về chính sách thuế tối thiểu toàn cầu cho VN.

Thứ nhất là giữ chân các nhà đầu tư hiện hữu, thứ hai là đủ sức hấp dẫn để thu hút thêm các nhà đầu tư mới, cuối cùng đảm bảo sự công bằng bình đẳng giữa các DN của các thành phần kinh tế.

Các DN FDI đã có kế hoạch đầu tư trước khi thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng. Ảnh: Q.HUY

 

Đừng quên các doanh nghiệp FDI nhỏ

VN cũng không nên bỏ qua những DN FDI nhỏ vì ngay cả những DN FDI có doanh thu thấp hơn quy định vẫn có thể liên đới. Lý do là bởi họ nằm trong chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia có mức doanh thu chịu thuế tối thiểu toàn cầu.

Do đó, VN phải tính toán lại việc chính sách thuế này càng sớm càng tốt, vì ngay bây giờ các DN FDI đã có kế hoạch quyết định đầu tư hay mở rộng quy mô trước khi thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng.

Thực tế, các bộ, ngành VN đã và đang có những nỗ lực xây dựng các chính sách thuế tối thiểu nội địa bổ sung để giữ chân “đại bàng” trên cơ sở cân nhắc thận trọng nhiều yếu tố.

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế
của Quốc hội

 

 

Theo PLO
Cùng chuyên mục
Tin khác