Ngân hàng

Giữ NIM ở mức cao, ngân hàng niêm yết có thể đạt tăng trưởng lợi nhuận 2 chữ số trong năm 2020

(VNF) - FiinGroup dự báo các ngân hàng niêm yết sẽ đạt mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế 10,2% trong năm 2020. Mức tăng trưởng lợi nhuận được duy trì nhờ sự tăng trưởng của cả 3 mảng thu nhập chính là thu nhập lãi thuần, lãi thuần từ dịch vụ và lãi thuần từ đầu tư chứng khoán. Riêng với hoạt động tín dụng trong quý IV/2020, biên lãi ròng (NIM) của các ngân hàng vẫn sẽ ở mức cao như quý III/2020 do lãi suất huy động tiếp tục giảm.

Giữ NIM ở mức cao, ngân hàng niêm yết có thể đạt tăng trưởng lợi nhuận 2 chữ số trong năm 2020

Giữ NIM ở mức cao, ngân hàng niêm yết có thể đạt tăng trưởng lợi nhuận 2 chữ số trong năm 2020

Tóm lược về tình hình kinh doanh quý III và 3 quý năm 2020 của các doanh nghiệp niêm yết trong báo cáo FiinPro Digest #6 công bố mới đây, FiinGroup cho hay: khối doanh nghiệp phi tài chính duy trì sự phục hồi tốt ngoại trừ một số ngành bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch bệnh, trong khi đó, khối ngân hàng vẫn ghi nhận tăng trưởng cao trong quý III/2020 và 9 tháng năm 2020.

Cụ thể, trong quý III/2020, khối doanh nghiệp phi tài chính ghi nhận mức giảm 8,8% lợi nhuận sau thuế và giảm 8,4% doanh thu thuần so với cùng kỳ năm trước. Đây là quý chứng kiến sự hồi phục rõ rệt (theo hình chữ V) so với hai quý liền kề trước đó khi lợi nhuận sau thuế (LNST) giảm 28,7% trong quý II/2020 và 58,2% trong quý I/2020.

Sự hồi phục diễn ra ở các ngành lớn bao gồm Tài nguyên Cơ bản, Bất động sản, Công nghệ thông tin và cả các ngành mang tính tiêu dùng bao gồm Bán lẻ, Thực phẩm & Đồ uống, Ô tô & Phụ tùng.

Sự suy giảm chủ yếu đến từ sự hồi phục chậm ở các ngành có sự ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid-19 như ngành Dầu khí, Du lịch và Giải trí. Nếu không tính đến hai ngành này thì 14/16 ngành còn lại có doanh thu thuần và LNST tăng lần lượt 6,2% và 8,5% so với cùng kỳ năm trước.

FiinGroup đánh giá chất lượng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết phi tài chính vẫn chưa cải thiện tương ứng.

Dữ liệu cho thấy lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh cốt lõi vẫn chưa hồi phục tương ứng với lợi nhuận sau thuế do nhiều doanh nghiệp có nguồn thu từ hoạt động tài chính. Cụ thể, trong khi LNST giảm 8,8% thì lợi nhuận trước thuế và lãi vay (EBIT) giảm mạnh hơn ở mức 20,1% và lợi nhuận trước thuế, khấu hao và lãi vay (EBITDA) giảm 17,7%.

Tuy nhiên, điểm tích cực là năng lực trả lãi vay của khối doanh nghiệp đã cải thiện đáng kể. Hệ số chi trả lãi vay (ICR) đã tăng trở lại lên mức 3,76x, gần về mức 4-5x so với giai đoạn đoạn 2017-2019 sau khi đã giảm mạnh hai quý đầu năm 2020.

Khác so với khối doanh nghiệp phi tài chính, khối ngân hàng vẫn ghi nhận sự tăng trưởng rất tốt trong quý III/2020 với tổng thu nhập hoạt động tăng 10,8% và và LNST tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước.

Chi tiết hơn, thu nhập hoạt động của ngân hàng tăng ở tất cả các mảng hoạt động chính bao gồm thu nhập lãi thuần (tăng 9,4%), hoạt động dịch vụ (tăng 31,4%) và các hoạt động còn lại (tăng 2,7%).

Biên lãi ròng (NIM) của 21 ngân hàng niêm yết tăng 9,7 điểm cơ bản (bps) so với quý II/2020 lên 0,89%. Đây là mức NIM cao nhất tính theo quý và cũng là mức tăng lớn nhất kể từ quý I/2018 – giai đoạn tăng trưởng mạnh của ngành ngân hàng.

Để có được mức NIM cao này, các ngân hàng vẫn duy trì mức lãi suất cho vay bình quân ở mức cao, bình quân 9,2% từ mức 9% trong quý II/2020.

Xét về tín dụng, tín dụng cá nhân ở một số ngân hàng có dấu hiệu hồi phục trở lại trong quý III/2020 đã góp phần vào việc tăng lợi nhuận, đặc biệt là các ngân hàng có tỷ trọng tín dụng bán lẻ cao như VIB và MBB.

Tỷ lệ nợ xấu tiếp tục tăng so với thời điểm cuối năm 2019 và hai quý liền kề trước đó. Dữ liệu cho thấy, tỷ lệ nợ xấu của 18 ngân hàng niêm yết tiếp tục xu hướng tăng từ 1,44% cuối quý IV/2019 lên 1,8% cuối quý III/2020, chủ yếu do gia tăng nợ Nhóm 3 (tăng 78,1%) và nợ Nhóm 4 (tăng 48,2%).

NIM tăng mạnh trong quý III/2020 cho thấy lãi suất cho vay chưa giảm tương ứng với mức giảm lãi suất huy động. Nguồn: FiinGroup

Dự báo về kết quả kinh doanh quý cuối năm và cả năm nay, FiinGroup cho rằng doanh thu của khối phi tài chính sẽ giảm 3,2% trong quý IV/2020, chưa về mặt bằng cùng kỳ năm 2019 nhưng khẳng định mô hình hồi phục khá mạnh mẽ kể từ mức đáy (giảm 18,9%) trong quý II/2020.

Lũy kế cả năm, doanh thu dự kiến giảm 8,2%.

Về lợi nhuận, FiinGroup dự báo lợi nhuận sau thuế sẽ giảm 11,4% trong quý IV/2020 và cả năm 2020 dự kiến kết thúc giảm 21,4%.

Chi tiết theo từng ngành, FiinGroup dự báo doanh thu bất động sản sẽ dẫn dắt sự hồi phục trong quý IV này với mức tăng trưởng dự kiến là 22,4% do quý cuối năm thường là cao điểm bán hàng và bàn giao dự án và thực tế số dư tiền khách hàng mua nhà trà trước vẫn cao ở mức kỷ lục.

Hai ngành hàng tiêu dùng là Bán lẻ và Thực phẩm & Đồ uống được dự báo tăng trưởng doanh thu trong quý IV nhờ cầu tiếp tục cải thiện; trong khi đó tăng trưởng của Hàng & Dịch vụ Công nghiệp sẽ chủ yếu đến từ sự cải thiện về doanh thu của nhóm Cảng biển nhờ kim ngạch xuất nhập khẩu duy trì tăng trưởng và tăng trưởng của nhóm Máy công nghiệp và Thiết bị điện....

Đối với khối ngân hàng, FiinGroup dự báo các ngân hàng niêm yết sẽ đạt mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế 10,2% trong năm 2020.

Mức tăng trưởng lợi nhuận được duy trì nhờ sự tăng trưởng của cả 3 mảng thu nhập chính là thu nhập lãi thuần, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ và lãi thuần từ mảng đầu tư chứng khoán.

Riêng với hoạt động tín dụng trong quý IV/2020, công ty dữ liệu này dự báo NIM của các ngân hàng vẫn sẽ ở mức cao như quý III/2020 vừa qua do lãi suất huy động tiếp tục giảm.

Trong khi đó, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ và các hoạt động còn lãi vẫn tăng trưởng so với quý III/2020, trong khi hiệu quả hoạt động cũng tăng trong quý cuối của năm như những năm trước. Ngoài ra, các ngân hàng sẽ cân đối kết quả kinh doanh với việc trích lập dự phòng trong quý IV/2020 để phần nào dự trù cho tương lai khi Thông tư 01/2020/TT-NHNN hết hiệu lực.

Dự báo các ngân hàng niêm yết sẽ đạt mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế 10,2% trong năm 2020. Nguồn: FiinGroup

Năm 2021, FiinGroup bày tỏ quan điểm tích cực đối với ngành bất động sản khi lượng tiền người mua nhà trả trước của khách hàng cuối quý III/2020 tại nhiều doanh nghiệp tăng cao ở mức kỷ lục 5 năm qua. Điều này cho thấy những doanh nghiệp này có cơ sở ghi nhận doanh thu cao trong năm 2021.

Bên cạnh đó, phân khúc nhà ở trung cấp có triển vọng tăng trưởng tốt nhờ nhu cầu tăng. Ngoài ra, Nghị quyết 164/NQ-CP được kỳ vọng tháo gỡ “nút thắt” pháp lý liên quan đến thủ tục chấp thuận đầu tư dự án bất động sản, giúp tái khởi động nhiều dự án bị tạm dừng trong thời gian vừa qua.

Trong khi đó, bất động sản khu công nghiệp được dự báo tiếp tục hưởng lợi từ sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư trực tiếp không ngừng tăng trưởng vào Việt Nam.

Ngành Thực phẩm & Đồ uống cũng được FiinGroup đánh giá cao, trong đó, phân khúc Chăn nuôi & Thủy sản sẽ dẫn dắt tăng trưởng ngành trong năm 2021 nhờ nhu cầu trong và ngoài nước về thực phẩm chế biến sẵn và đóng gói tiếp tục tăng. Trong khi đó, ưu đãi thuế theo hiệp định EVFTA sẽ giúp các doanh nghiệp trong ngành cải thiện biên lợi nhuận và đẩy mạnh xuất khẩu.

Ngành Tiện ích, đặc biệt là Thủy điện và Nhiệt điện (than và dầu), có triển vọng tăng trưởng trong năm 2021 khả quan nhờ nhu cầu tiêu thụ điện tăng mạnh trong khi Điện khí tiếp tục gặp khó do thiếu hụt nguồn cung khí LNG.

Ngành Tài nguyên cơ bản, nhất là xuất khẩu phôi thép sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng chính của ngành năm 2021 trong bối cảnh tiêu thụ thép trong nước dự kiến ở mức thấp.

Riêng đối với ngành ngân hàng, FiinGroup cho biết điểm nhấn năm 2020 là tăng trưởng thu nhập dịch vụ của khối ngân hàng, mặc dù thu nhập chứng khoán đã có dấu hiệu chững lại trong quý III/2020 bởi mặt bằng lãi suất đã không thể giảm hơn nữa do đã ở mức thấp kỷ lục. Công ty dữ liệu này cho rằng đây vẫn là điểm nhấn của lợi nhuận ngành ngân hàng trong năm 2021 tới đây.

"Nhiều ý kiến cho rằng mặt lãi suất có thể sớm quay lại đảo chiều tăng trong năm 2021 nhưng ít nhất trong bối cảnh quốc tế thì quan điểm chung của giới phân tích quốc tế thì các chính phủ sẽ vẫn duy trì mặt bằng lãi suất thấp nhằm khôi phục kinh tế sau khi có vắc xin nhằm lấy lại đà tăng trưởng", FiinGroup nhấn mạnh.

FiinGroup cho rằng yếu tố rủi ro đáng kể nhất đối với ngành ngân hàng là nợ xấu đang có xu hướng tăng trở lại. Sự đi xuống về lợi nhuận và năng lực trả lãi của các ngành bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và các yếu tố bên ngoài như ngành Dầu khí, Đi lại và Du lịch (bao gồm Hàng không) là phép thử lớn đối với ngành ngân hàng trong năm 2021 tới đây.

Tin mới lên