Góc nhìn chứng khoán: 'Đánh úp' đội Short, cơ sở lợi to

Song Tử - 16/07/2020 16:37 (GMT+7)

(VNF) - Một lần nữa thị trường lại cho thấy có tác động lớn trên thị trường cơ sở để hưởng lợi trên thị trường phái sinh khi ngày đáo hạn, các chỉ số được bẻ ngược tăng trong đợt ATC.

VNF
VN30-Index "dặt dẹo" cả phiên nhưng bùng nổ tăng lúc đóng cửa

Các phiên đáo hạn phái sinh ngày càng khó lường vì tỷ trọng quá mất cân đối giữa các cổ phiếu có trọng số vốn hóa lớn đối với VN30-Index và VN-Index. Hôm nay các vị thế Long đã hưởng lợi rất lớn trong khi vị thế Short thua lỗ nặng.

Suốt cả phiên giao dịch trước đợt ATC, thị trường bò ngang uể oải với mức tăng chưa tới 1 điểm ở VN-Index và 1,09 điểm ở VN30-Index. Tại ngày đáo hạn, các vị thế nắm giữ hợp đồng tương lai chỉ số sẽ lấy giá thanh toán là điểm số của VN30-Index. Do đó điểm số này càng cao, vị thế Long càng có lợi.

Rất khó để dự đoán liệu trong đợt đóng cửa, VN30-Index sẽ đi theo hướng nào vì khi quyết định tác động lên chỉ số theo một hướng phải phụ thuộc vào nhóm thực hiện đang nắm giữ vị thế Long hay Short. Vào phiên hôm nay, hợp đồng tháng 7 vẫn có tới 21.026 vị thế đang được mở.

Tại thời điểm cuối tháng 6, đầu tháng 7, mức chênh lệch giữa giá hợp đồng F1 (đáo hạn hôm nay) và chỉ số VN30-Index là -18 điểm. Nếu như các vị thế Long được mở tại thời điểm này (hơn 25.000 hợp đồng mở được ghi nhận tại ngày 1/7) thì việc VN30-Index đóng cửa cao nhất tính cho cả nhịp tăng từ đầu tháng 7 sẽ giúp toàn bộ vị thế có lãi tối đa.

Trong đợt ATC, nhiều cổ phiếu chi phối VN30-Index đã có động tác kéo giá lên bằng khối lượng mua lớn giờ chót. Điển hình như VJC tăng từ 107.800 đồng lên 112.000 đồng (+3,9%); VIC tăng từ 90.700 đồng lên 93.000 đồng (+2,54%); VNM từ 116.600 đồng lên 117.500 đồng (+0,77%); TCB từ 20.550 đồng lên 21.000 đồng (+2,19%); VHM từ 81.000 đồng lên 81.500 đồng (+0,62%); MSN từ 56.300 đồng lên 57.000 đồng (+1,24%)...

Lực mua dồn vào một thời điểm đã đẩy giá lên rất mạnh và rất nhiều cổ phiếu được “tiêm lệnh” vào phút chót. Một số mã có tỷ trọng giao dịch lớn trong đợt ATC là VJC (42% giá trị giao dịch cả phiên), TCB là 60,2%, VPB (33%), VRE (25%), VHM (22%), MSN (24%)...

Nhờ lực kéo này VN30-Index tăng thêm gần 8,6 điểm lúc đóng cửa so với điểm số cuối cùng của đợt khớp lệnh liên tục. Nghĩa là nhà đầu tư giữ vị thế Long đã có thêm từng đó điểm cho giá thanh toán ngày đáo hạn. Mức lời gia tăng này được tính bằng điểm số nhân với 100.000 đồng và nhân với số lượng hợp đồng nắm giữ.

Nhờ có điểm đáo hạn phái sinh nên khá nhiều cổ phiếu được đẩy giá lên nhằm gia tăng lợi nhuận nên thị trường cơ sở được hưởng lợi rất lớn. Ngoài việc hàng loạt cổ phiếu đột ngột tăng giá giúp nhà đầu tư nắm giữ các cổ phiếu này có lãi, VN-Index cũng bất ngờ tăng vọt 0,8% so với tham chiếu, dù trong phiên mức tăng không đáng kể.

Tuy vậy cũng chỉ có các blue-chips là hưởng lợi rõ ràng hơn vì VN30-Index chỉ tính với rổ hữu hạn. Sàn HSX vẫn có số cổ phiếu giảm giá nhiều hơn số tăng. Mặt khác, việc đẩy giá tăng hôm nay cũng không khiến các blue-chips bứt phá một cách rõ rệt. VN-Index tăng mang tính kỹ thuật trong ngày đáo hạn phái sinh thường không phản ánh được sức mạnh hay xu hướng rõ ràng. Yếu tố thời điểm như hôm nay có thể so sánh với sự nhiễu loạn của các phiên quỹ ETF thực hiện tái cơ cấu. Cung cầu tại một thời điểm không phản ánh được nhu cầu mua thật sự mà có thể chỉ nhằm chốt lời phái sinh hiệu quả tối đa mà thôi.

Cùng chuyên mục
Tin khác