Tài chính

Góc nhìn chứng khoán: Không 'bục' đáy, thị trường phát tín hiệu tích cực

(VNF) - Từ giảm mạnh chuyển sang phục hồi và cuối cùng là tăng khá tốt, thị trường hôm nay phát đi nhiều tín hiệu tích cực trong diễn biến kiểm định đáy kỹ thuật.

Góc nhìn chứng khoán: Không 'bục' đáy, thị trường phát tín hiệu tích cực

Thị trường đã có diễn biến đảo chiều phục hồi gần giống với phiên tạo đáy ngày 3/2 do nhà đầu tư lặp lại hành động cũ.

Nhà đầu tư có thể đã phải lo lắng tột cùng trước phiên giao dịch khi thị trường chứng khoán Mỹ đêm trước có một ngày lao dốc kỷ lục. Cả 3 chỉ số chứng khoán quan trọng là S&P 500, DJA và Nasdaq đồng loạt giảm trên 3%. Với mức giảm khủng khiếp như vậy, nếu VN-Index bốc hơi 30 điểm trong phiên hôm nay cũng không có gì lạ.

Rất may là thị trường bước vào phiên giao dịch có nhiều yếu tố hỗ trợ kịp thời. Đầu tiên là việc Ngân hàng nhà nước đưa ra tín hiệu có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp giảm ảnh hưởng của dịch Covid-19. Dù giải pháp chưa được cụ thể nhưng cơ bản vẫn là nới lỏng cho vay. Đây là điều thị trường đang chờ đợi.

Thứ hai là ngay khi thị trường Nhật, Hàn mở cửa, các chỉ số tương lai của thị trường chứng khoán Mỹ đồng loạt tăng vọt. Các hợp đồng tương lai tăng giá tức là có khả năng cao phiên giao dịch đêm nay chứng khoán Mỹ sẽ phục hồi. Chứng khoán Hàn Quốc cũng quay đầu tăng hơn 1%. Các yếu tố này hỗ trợ tâm lý đáng kể.

Thứ ba là nhịp sụt giảm hiện tại thực chất vẫn chỉ là điều chỉnh thông thường, kiểm định đáy cũ của VN-Index. Về mặt kỹ thuật chỉ số này cũng như nhiều cổ phiếu có một đáy thấp nhất vào hôm 3/2. Kể cả không có biến động đột ngột nào thì khả năng thị trường điều chỉnh kiểm định đáy cũng vẫn nằm trong dự kiến của các nhà phân tích kỹ thuật. Do đó trừ trường hợp mức giảm quá lớn dẫn tới VN-Index phá đáy cũ, cơ hội phục hồi là cao.

Diễn biến hôm nay đúng như vậy. VN-Index giảm mạnh đầu phiên và rơi xuống 893 điểm trong khi đáy ngày 3/2 của chỉ số này xấp xỉ 892 điểm. Đối với nhà đầu tư theo trường phái phân tích kỹ thuật, nếu VN-Index giảm thấp hơn mức 892 thì sẽ bị coi là thủng đáy và có nguy cơ giảm sâu hơn nữa. Ngược lại, nếu VN-Index không giảm thấp hơn thì có thể quay đầu tăng.

Và thị trường đã tăng, khi VN-Index không “bục” đáy. Có thể cảm nhận rõ sự hào hứng của nhà đầu tư trong buổi chiều khi khả năng giữ đáy thành công rất cao. Hàng loạt cổ phiếu sau khi giảm mạnh đầu phiên đã quay lại tăng “bốc đầu”. CTG phi thẳng lên giá kịch trần, hàng loạt cổ ngân hàng khác cũng tăng theo như BID tăng 5,4%, TCB tăng 3,26%, VPB tăng 5,6%...

Nhờ lực cầu bắt đáy đồng loạt mà cổ phiếu đã tăng giá áp đảo về cuối phiên. VN-Index cũng tăng vượt tham chiếu hơn 6 điểm dù đầu phiên giảm gần 10 điểm. Kiểu diễn biến này không mới. Gần nhất chính là phiên tạo đáy ngày 3/2 khi VN-Index có lúc giảm 4,78% rồi đóng cửa chỉ giảm chưa tới 1%. Nhà đầu tư có lẽ đã nhớ bài học trong quá khứ gần và hành động gần giống như vậy.

Vậy thị trường đã điều chỉnh xong trong phiên hôm nay? Rất khó để xác nhận điều này vì xu hướng của thị trường là một quá trình chứ không phải một phiên. Ngay như sau phiên tạo đáy và đảo chiều mạnh mẽ hôm 3/2, thị trường vẫn chỉ diễn biến cầm chừng kéo dài nhiều tuần sau. Yếu tố cung cầu ở một thời điểm có thể định hình giao dịch, nhưng thị trường vẫn đang bị yếu tố cơ bản chi phối chính. Đó là tình hình dịch bệnh chưa có chuyển biến căn bản và các tác động cụ thể của nó vẫn còn là ẩn số, ít nhất cho tới khi có các số liệu chứng minh.

Tin mới lên