Tài chính

Góc nhìn chứng khoán: Tiền không vào

(VNF) - Chứng khoán Mỹ đêm qua tăng hơn 1%, đầu phiên VN-Index tăng vọt 0,94%, nhưng những yếu tố đó không hấp dẫn được dòng tiền vào nữa.

Góc nhìn chứng khoán: Tiền không vào

Dòng tiền lớn đã rút khỏi thị trường rất rõ qua giao dịch tại nhóm VN30.

Không có gì bất ngờ, hàng loạt trụ đầu phiên hôm nay được đẩy tăng giá và kéo mạnh VN-Index lên. Có thể kể tới VHM tăng 1,46%, VCB tăng 1,19%, GAS tăng 1,1%, VIC tăng 1,07%, BID tăng 2,25%...

Điểm yếu duy nhất có thể nhìn thấy rõ là nhà đầu tư ôm tiền mặt đã không bị cuốn vào nhịp tăng này. Nói đúng hơn, giá tăng là cơ hội để những người muốn bán ra lựa được điểm bán tốt hơn. Tất cả các cổ phiếu tăng giá đầu phiên sau đó đã chìm nghỉm.

Duy nhất SAB còn lại đi ngược xu hướng chung, càng về cuối phiên tăng càng khỏe và giữ cho VN-Index giảm rất ít. Tuy chưa đến mức tạo hiện tượng “xanh vỏ đỏ lòng” nhưng mức giảm nhẹ 2,6 điểm của chỉ số hôm nay có công rất lớn từ SAB tăng 3% và NVL tăng 4,87%.

Số cổ phiếu giảm giá nhiều gấp đôi số tăng giá thì nguy cơ nhà đầu tư thua lỗ là rất cao hôm nay. Mức lỗ hầu hết là nhiều hơn điểm số thể hiện. Đặc biệt là nhóm đầu cơ giảm sàn và giảm trên 5% rất nhiều.

Điểm mấu chốt vẫn là không có dòng tiền lớn vào thị trường. Một số giao dịch thỏa thuận lớn có thể khiến thanh khoản hơi nhiễu trong phiên, nhưng nhìn vào giá trị khớp lệnh của rổ VN30 là rõ nhất. Tiền lớn thường thể hiện tại các blue-chips này. Ngoài HPG giao dịch tương đối mạnh, tất cả đều rất kém.

Giá trị giao dịch tại VN30 hôm nay rơi xuống mức thấp nhất kể từ giữa tháng 1/2020 với 1.257,8 tỷ đồng khớp lệnh là tín hiệu xấu. Rổ này bao gồm các blue-chips chất lượng nhất sàn HSX mà hầu hết các quỹ sẽ nắm giữ. Hiện tại đã gần hết quý 2, thời điểm mà các tổ chức đầu tư thường nâng đỡ thị trường để chốt NAV. Thế nhưng thanh khoản giảm sốc như vậy nghĩa là các tổ chức cũng không giao dịch nữa.

Tổng giá trị giao dịch khớp lệnh của cả hai sàn hôm hay cũng rơi xuống dưới ngưỡng 4.000 tỷ đồng, một con số báo động. Thực tế này góp phần khẳng định những phiên giao dịch vượt 8.000 tỷ đồng cách đây 3 tuần thực chất là giai đoạn phân phối: Các nhà đầu tư lớn đã xả cổ phiếu ra thị trường và rút tiền mặt về. Lượng tiền này sau đó được giữ lại thay vì quay vòng mua. Thị trường hiện chỉ còn các nhà đầu tư nhỏ lẻ chơi với nhau, cổ phiếu xanh đỏ tùy vào nhu cầu cắt lỗ hay chốt lời của nhóm này nên thanh khoản chỉ duy trì mức rất thấp.

VN-Index giảm trở lại trong phiên cuối tuần càng làm giảm cơ hội tăng vượt đỉnh gần nhất 872,94 điểm của ngày 22/6 chứ chưa nói vượt được đỉnh cao nhất đầu tháng 6 ở 905,65 điểm ngày 8/6. Trong khi đó thanh khoản giảm mạnh do dòng tiền rút đi lại làm tăng rủi ro điều chỉnh tiếp. Như vậy về mặt kỹ thuật, xu hướng giảm ngắn hạn vẫn đang tiếp diễn.

Do có sự nâng đỡ từ các cổ phiếu vốn hóa lớn thay nhau hàng ngày nên mức điều chỉnh ở chỉ số VN-Index có khả năng không mạnh. Tuy nhiên nhà đầu tư cần quan tâm hơn đến chính cổ phiếu mình nắm giữ vì mức biến động giá chắc chắn sẽ lớn hơn chỉ số nhiều lần. Điều này đã từng xảy ra và sẽ còn tiếp tục như vậy. Giai đoạn chỉ số zíc zắc giảm chậm thường nguy hiểm nhất vì có hôm tăng hôm giảm nhưng cổ phiếu có thể giảm liên tục.

Đặc biệt với các mã đầu cơ có thanh khoản lớn thời gian qua, khối lượng cổ phiếu mắc kẹt rất lớn trong khi giá hầu hết đã tạo đỉnh và các nhịp hồi ngắn vừa qua đều kết thúc rất nhanh. Với mức lợi nhuận khá lớn ở chiều nên, tâm lý chịu đựng sẽ được “gia cố” thêm với tâm lý cùng lắm chỉ là giảm lãi. Đó là cách suy nghĩa phổ biến trong cờ bạc chứ không phải đầu tư.

Tin mới lên