Diễn đàn VNF

Gói hỗ trợ lãi suất từ 10.000 - 20.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp: 'Cần phải đúng và trúng'

(VNF) - PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, cho rằng gói hỗ trợ cho doanh doanh nghiệp từ 10.000 - 20.000 tỷ đồng đang được Bộ Tài chính xây dựng cần phải xác định được đối tượng hỗ trợ là ai, cách thức thế nào và thời gian hỗ trợ trong  bao lâu.

Gói hỗ trợ lãi suất từ 10.000 - 20.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp: 'Cần phải đúng và trúng'

Gói hỗ trợ lãi suất từ 10.000 - 20.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp: 'Cần đúng và trúng'

Mới đây, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, cho biết Bộ Tài chính đang tính toán gói kích cầu, kích thích kinh tế theo hướng đề xuất đưa ra một số chính sách tài khóa.

Cụ thể, gói kích cầu như là hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp ở một số ngành nghề nhất định và một số công trình trọng điểm, có thể từ 10.000 - 20.000 tỷ đồng. Hai là phát hành công trái, trái phiếu, ngoại tệ trong nước.

Cũng theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, để tăng thu cho ngân sách sẽ tập trung vào tăng thu trong nền tảng số, tức là tập trung vào thu thuế ở các nền tảng số mà lâu nay còn dư địa như bán hàng online, các nền tảng xuyên biên giới.

Cùng với đó, đẩy mạnh các hoạt động chống chuyển giá trốn thuế. Thực hiện thắt chặt chi tiêu, như giảm 10% chi thường xuyên, tiết kiệm 5% chi công tác phí, hội nghị. Hiện tổng các gói đang được thiết kế.

Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, ông Nguyễn Phú Cường cho rằng cần lưu ý các gói chính sách, kích thích kinh tế mà Chính phủ xây dựng phải đủ lớn để phục hồi nền kinh tế. Các gói kích thích kinh tế phải vừa liên quan chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, biện pháp triển khai thực hiện gắn với tình hình hiện nay.

"Gói chính sách cần phục vụ, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp để ứng phó với tình hình dịch bệnh như việc trợ cấp, sản xuất, tiêu dùng, hỗ trợ công nhân", ông Nguyễn Phú Cường cho hay.

Thiết kế gói hỗ trợ lãi suất có thể từ 10.000 - 20.000 tỷ đồng để hỗ trợ doanh nghiệp  

Trao đổi với VietnamFinance, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, cho rằng đã là các gói hỗ trợ cho doanh doanh nghiệp thì dứt khoát nó phải hỗ trợ cho doanh nghiệp, đây là điều đương nhiên. Tuy nhiên, các gói hỗ trợ 10.000 -20.000 tỷ đồng thì điều quan trọng nhất là đó là xác định được đối tượng hỗ trợ là ai, cách thức hỗ trợ thế nào và thời gian hỗ trợ trong  bao lâu.

“Nếu xác định được càng chi li, càng cụ thể thì việc hỗ trợ cho doanh nghiệp càng dễ dàng. Khi đó, doanh nghiệp họ sẽ biết được rằng họ nằm ở diện hỗ trợ nào, cần phải làm những thủ tục gì, giấy tờ ra sao, văn bản như thế nào,… thì khi đó gói hỗ trợ này mới phát huy được tính hiệu quả”, chuyên gia kinh tế PGS. TS Đinh Trọng Thịnh cho biết.

“Lâu nay, chúng ta cũng đã có rất nhiều gói hỗ trợ như: gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng (năm 2020) và gói 26.000 tỷ (năm 2021) dành cho người khó khăn vì dịch Covid-19, hay gói 30.000 tỷ đồng (bảo hiểm xã hội),… nhưng trên thực tế thì việc giải ngân tương đối thấp, vì vậy, các đối tượng cụ thể, cách thức, phương thức hỗ trợ, thời gian hỗ trợ, các thủ tục giấy tờ, các yêu cầu để thực hiện hỗ trợ thì đó mới là quan trọng nhất”, vị chuyên gia này nói.

“Đối với việc phát hành trái phiếu, ngoại tệ trong nước cần phải xem xét một cách thận trọng, bởi vì chúng ta đã có một thời gian đấu tranh rất lâu dài thì chúng ta mới giảm được ngoại tệ hoá nền kinh tế. Cùng với đó, một số vấn đề đặt ra hiện nay nếu phát hành trái phiếu đó là lãi suất bao nhiêu để thu hút, ai sẽ là người bỏ ra và liệu rằng có thành công hay không”, ông Thịnh nói.

Cũng theo vị chuyên gia này, so với việc ngoại tệ hoá thì trong thời gian qua đồng Việt Nam (VND) tương đối ổn định, lạm phát ở mức vừa phải nên đại đa số người dân tin tưởng vào đồng VND, chính vì vậy, liệu rằng việc phát hành ngoại tệ ở thời điểm này có hay không, vấn đề này cần phải cân nhắc thật kỹ càng.

PGS. TS Đinh Trọng Thịnh đánh giá gói hỗ trợ lần này thực sự cần thiết cho năm 2022, bởi rõ ràng rằng các doanh nghiệp hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn, cần một thời gian để dần hồi phục và thời gian đó không chỉ một vài tháng mà cần có thời gian dài bởi vì đây là khoản vay.

“Vì vậy, gói hỗ trợ này cần phải tính toán thời gian sao cho thật hợp lý chứ không phải chỉ trong dăm ba tháng”, ông Thịnh nói.

Xem thêm: Doanh nghiệp TP. HCM được hưởng gói hỗ trợ tín dụng 70.000 tỷ đồng

Tin mới lên