'Google, Amazon, Facebook, Apple kiếm hàng tỷ USD tại Việt Nam nhưng chưa đóng thuế'

Ngọc Lưu - 06/11/2020 17:11 (GMT+7)

(VNF) - Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết 4 công ty lớn là Google, Amazon, Facebook và Apple đã phát sinh doanh thu tại Việt Nam hàng tỷ USD nhưng chưa đóng thuế.

VNF
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.

Tin giả chủ yếu ở Facebook và YouTube

Tiếp tục phiên chất vấn Quốc hội vào chiều 6/11, liên quan đến câu hỏi của đại biểu Vũ Thị Thủy về vấn đề tin giả trên mạng xã hội, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết tin giả ở Việt Nam chủ yếu xảy ra trên các nền tảng xuyên biên giới như Facebook và YouTube.

"Việt Nam là nước cỏ chủ quyền trên không gian mạng nên các nền tảng xuyên biên giới buộc phải tuân thủ pháp luật Việt Nam. Thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông làm rất quyết liệt, như ban hành quy định về xử lý vi phạm hành chính trên mạng xã hội", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã vận hành trung tâm giám sát an toàn không gian mạng quốc gia với khả năng xử lý mỗi ngày khoảng 300 triệu tin để phân tích, đánh giá, phân loại. Bên cạnh đó, Bộ còn hình thành các đường dây nóng tiếp nhận phản ánh về tin giả, xấu độc.

Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã làm việc với các nền tảng xuyên biên giới, đặc biệt là Facebook và YouTube để yêu cầu gỡ bỏ thông tin xấu độc. Đến nay, tỷ lệ gỡ bỏ thông tin này đã tăng lên. Số lượng gỡ bỏ thông tin xấu độc của Facebook năm 2020 tăng 30 lần so với năm 2017; số video xấu độc trên YouTube được gỡ bỏ trong năm năm 2020 tăng 8 lần so với năm 2017; số trang giả mạo gỡ bỏ trong năm 2020 cũng tăng 8 lần so với năm 2017.

Trong năm 2021, Bộ trưởng Hùng cho biết sẽ tiếp tục sửa các quy định liên quan đến mạng xã hội và tin giả. Bên cạnh đó, Bộ sẽ ban hành bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng. Đặc biệt, Bộ cũng sẽ yêu cầu định danh người dùng mạng xã hội, coi đây là giải pháp căn cơ, để người sử dụng không còn nghĩ rằng lên mạng xã hội là vô danh để rồi vô trách nhiệm.

Người đứng đầu Bộ Thông tin và Truyề thông cũng nhấn mạnh quan điểm yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới buộc phải tuân thủ luật pháp Việt Nam. Bộ cũng phối hợp với Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước để yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới đóng thuế, kiểm soát dòng tiền thanh toán.

"Hiện nay, 4 công ty lớn như Google, Amazon, Facebook và Apple phát sinh doanh thu tại Việt Nam hàng tỷ USD, nhưng chưa đóng thuế", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Nhiều nền tảng xuyên biên giới có doanh thu hàng tỷ USD nhưng chưa đóng thuế.

Ông Hùng cũng đề xuất Quốc hội thay đổi xử phạt có tính răn đe. Cụ thể, quy định pháp luật liên quan hiện mới xử phạt mang tính răn đe, chưa xử phạt dựa trên doanh thu. Nếu phạt 100 triệu đồng (khoảng 5.000 USD) với cá nhân, doanh nghiệp nhỏ là số tiền lớn, nhưng với doanh nghiệp hàng chục tỷ USD thì lại là số tiền quá nhỏ.

"Các nước đã áp dụng mức phạt trên doanh thu với các công ty xuyên biên giới, chẳng hạn 4% doanh thu. Với mức này, Facebook sẽ bị phạt khoảng 1 tỷ USD", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng lấy ví dụ.

Bộ Thông tin và Truyền thông thỏa thuận với YouTube

Liên quan đến vấn đề kiểm soát các video xấu độc trên YouTube, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết hiện có 120.000 người Việt Nam đăng ký làm video trên nền tảng này, trong đó 15.000 kênh thu tiền quảng cáo, 350 kênh có hàng triệu người theo dõi.

Cũng theo lời Bộ trưởng, thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã nâng tỷ lệ tháo gỡ video xấu độc, thực thi pháp luật với YouTube từ 50% lên đến 90% và cố gắng nâng lên con số 100% trong thời gian tới. Sang năm 2021, Bộ cũng sẽ phát triển bộ công cụ để phát hiện các video có nội dung xấu độc.

Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã đạt được thỏa thuận với YouTube, khi cơ quan chức năng Việt Nam thông báo một kênh vi phạm pháp luật thì nền tảng này sẽ dừng việc ăn chia tiền quảng cáo. Bên cạnh đó, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Công an xử lý nghiêm một số cá nhân sản xuất các nội dung xấu độc, tinh thần xử lý nghiêm.

Bộ trưởng Thông tin Truyền thông đề nghị người dân, tổ chức khi phát hiện video xấu, độc cần báo ngay qua đường dây nóng của Cục Phát thanh truyền hình thông tin điện tử và các sở để xử lý. Thời gian tới, việc xử lý người đăng tải nội dung xấu, độc lên các trang mạng xã hội sẽ làm nghiêm.

Ngoài ra, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng sẽ phối hợp các bộ ngàng khác như Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để ra hướng dẫn thế nào là video vi phạm thuần phong mỹ tục. Đồng thời sẽ nâng cấp các đường dây nóng thành trung tâm phát hiện video xấu độc.

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.