Tiêu điểm

GS Nguyễn Đức Khương: 'Tăng cường tính minh bạch giữa các cơ quan chính phủ và doanh nghiệp'

(VNF) - “Để có thêm nhiều doanh nghiệp không ngừng lớn mạnh và “ra biển lớn” thì không chỉ cần sự hỗ trợ của chính phủ, hành lang pháp lý an toàn và thuận lợi, mà còn là nỗ lực của từng doanh nghiệp trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cập nhật mô hình kinh doanh, và tăng cường đầu tư vào hoạt động nghiên cứu - phát triển”.

GS Nguyễn Đức Khương, Chủ tịch AVSE Global và Giám đốc điều hành EMLV Business School (Paris, Pháp) đã bày tỏ quan điểm để thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của cộng đồng doanh nhân Việt Nan.

Trao đổi với Đầu tư tài chính – VietnamFinance nhân dịp Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, GS Nguyễn Đức Khương đánh giá, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đang ngày một đa dạng, tham gia vào tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, đồng hành cùng cả nước trong hành trình tái thiết sau chiến tranh và tiến đến thịnh vượng. Sau gần 40 năm Đổi Mới, chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với những quy chuẩn, quy chế dần được hoàn thiện, hiện đại hoá, thì doanh nghiệp cũng có sự chuyển mình tốt, chủ động và linh hoạt ứng phó với các bối cảnh kinh tế khác nhau.

Nếu như năm 2015, cả nước chỉ có khoảng 442.400 doanh nghiệp, thì tính đến ngày 30/9/2023, số liệu của Tổng cục thống kê cho thấy toàn quốc có 881.229 doanh nghiệp đang kinh doanh. Chính phủ cũng đã xác định mục tiêu 1,5 triệu doanh nghiệp trong năm 2024, đóng góp khoảng 65-70% GDP cả nước. Đây là một mục tiêu lớn, song cũng không phải là không khả thi.

Về chất lượng, nhiều doanh nghiệp đã và đang đổi mới phương thức quản trị, mô hình kinh doanh, tăng tính sáng tạo, để đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị trường trong và ngoài nước. Hiện đã có những doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn đã hợp tác với các đối tác trên toàn cầu, chủ động thâm nhập vào thị trường quốc tế.

Tiêu biểu có thể kể đến như Vinamilk đầu tư vào ngành sữa ở Mỹ, Lào, Campuchia, Philippines; tập đoàn VinGroup với thương hiệu ô tô VinFast đã mở cửa hàng và xưởng dịch vụ tại Mỹ, Canada, Đức, Pháp, Hà Lan. Doanh nghiệp nông sản của Việt Nam cũng đang dần bước vào thị trường thế giới ở phân khúc cao với những mặt hàng tiêu biểu như gạo, cà phê, rau quả, hạt điều. Một số ngân hàng đã và đang mở rộng thị phần ra nước ngoài thông qua mở chi nhánh, ngân hàng 100% vốn, ví dụ như BIDV với văn phòng ở Campuchia, Lào, Nga, Cộng hoà Séc,..

Doanh nghiệp Việt Nam cũng đang có những bước tiến mới trong cập nhật xu thế của thế giới và chuẩn bị cho những thách thức của thời đại. Trong đó, quan trọng nhất là tìm hiểu và áp dụng hệ thống chỉ tiêu đánh giá trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (Corporate Social Responsibility – CRS). Điều này phục vụ mục tiêu phát triển bền vững của nền kinh tế, và đáp ứng yêu cầu của các đối tác ở các quốc gia phát triển như Mỹ, EU.

Tiếp đến là một số doanh nghiệp đã chú trọng hơn tới vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu. Vinamilk là công ty sữa đầu tiên tại Việt Nam có nhà máy và trang trại đạt chứng nhận trung hoà carbon hay Tập đoàn Gia Định cũng đã hợp tác với Tập đoàn SEP (Hàn Quốc) để xây dựng cụm công nghiệp “Net-zero” đầu tiên của Việt Nam tại Bình Dương. Chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ số (AI, Big data, Robotics…) đang diễn ra ở hầu hết các loại hình doanh nghiệp và ở nhiều mức độ khác nhau. Việt Nam hiện có trên 64.000 doanh nghiệp công nghệ số, tăng 5.600 doanh nghiệp so với năm 2020 và có gần 1.000 sản phẩm, dịch vụ CNTT-TT mang thương hiệu Việt.

GS Nguyễn Đức Khương

 

- Trong sự phát triển và lớn mạnh của cộng đồng doanh nghiệp, ông đánh giá thế nào về sự đồng hành và hỗ trợ của Chính phủ?

Đối với quá trình phát triển của doanh nghiệp, vai trò của Chính phủ là đặc biệt quan trọng. Chính phủ vừa định hướng, vừa đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp, cùng vượt qua những giai đoạn kinh tế khó khăn. Sự cam kết của Chính phủ thể hiện ở nhiều góc độ khác nhau.

Những thay đổi tích cực trong chính sách pháp luật lớn liên quan đến doanh nghiệp từ những năm 1990 trở lại đây đã mở ra không gian phát triển ngày một thuận lợi hơn cho doanh nghiệp. Các cơ chế “xin cho”, thủ thục hành chính rườm ra trong thành lập và vận hành doanh nghiệp dần dần biết mất. Các Luật Doanh nghiệp năm 2005, 2014, và hiện hành là Luật Doanh nghiệp 2020 cũng thể hiện sự chuyển biến trong tư duy của nhà lập pháp, phù hợp hơn với cơ chế thị trường, tạo điều kiện tốt hơn cho doanh nghiệp cũng như cơ quan quản lý, đồng thời bảo vệ quyền lợi chính đáng của các chủ thể trên thị trường. Đối với đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp, Luật Đầu tư 2020 so với Luật năm 2014 cũng đã có những quy định mới góp phần nâng cao tính minh bạch và thúc đẩy đầu tư ra nước ngoài.

Việt Nam đang là thành viên của nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương (VKFTA, VJEPA,…) và đa phương (AFTA, CPTPP, EVFTA,…). Tính đến tháng 6/2023, Việt Nam đã ký kết 17 FTA và đang đàm phán 4 FTA. Các FTA này không chỉ thu hút FDI vào Việt Nam, mà còn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường ra nước ngoài. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng thiết lập quan hệ đối tác, đối tác chiến lược và đối tác chiến lược toàn diện với 5 quốc gia trên thế giới, trong đó gần đây nhất là với Mỹ.

Chính phủ có những quan tâm sát đến tình hình doanh nghiệp trong những giai đoạn khó khăn. Ví dụ như trong đại dịch Covid-19 vừa rồi, Chính phủ đã ban hành các chính sách thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và hỗ trợ thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tái khởi động nền kinh tế. Ngân hàng nhà nước cũng có các giải pháp hỗ trợ lãi suất kịp thời. Kết quả chung là Việt Nam được đánh giá như một điểm sáng trong ứng phó với tác động tiêu cực từ bên ngoài, đảm bảo được an sinh xã hội, và năm trong nhóm có tốc độ tăng trưởng cao nhất.

- Nhưng dường như những cải cách thể chế vẫn không đủ mạnh để có thể trợ lực tốt hơn cho doanh nghiệp, thưa ông?

Tôi hiểu rằng, ở Việt Nam, còn nhiều ý kiến cho rằng hệ thống pháp lý về kinh doanh hiện tại chưa đủ tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp. Những lo ngại này cũng có cơ sở khi nhìn vào xếp hạng của Việt Nam trong báo cáo Môi trường Kinh doanh năm 2020 của Ngân hàng Thế giới: nước ta xếp ở vị trí thứ 70 trên 190 quốc gia. Điều này cũng liên quan trực tiếp đến những bất cập, sự chồng chéo trong chính sách, và tốc độ thực thi chính sách đưa đến những khó khăn và phức tạp mà nhiều doanh nghiệp thường phải đối mặt.

Một điểm quan trọng mà tôi thấy cần lưu ý đó là việc đánh giá và giải quyết vấn đề này đòi hỏi sự hiểu biết sâu rộng về bối cảnh chính sách và pháp lý của đất nước. Chặng đường phía trước tất nhiên còn dài. Quan trọng là luôn học hỏi để tiến lên và chúng ta rất. cần thay đổi cách tiếp cận về thể chế theo hướng toàn diện hơn.

- Cụ thể, chúng ta sẽ phải thay đổi cách tiếp cận như thế nào?

Đầu tiên là rà soát các chính sách và quy định đã ban hành để nỗ lực giảm thiểu sự chồng chéo và thiếu nhất quán về chính sách, gây nhầm lẫn hay hiểu biết không chính xác từ phía doanh nghiệp. Tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục hành chính đối với hoạt động kinh doanh, ứng dụng nhiều hơn nữa các nền tảng kỹ thuật số và hệ thống trực tuyến để thực hiện các thủ tục này nhanh hơn, hiệu quả hơn về chi phí.

Tăng cường tính minh bạch và truyền thông thông qua lập các kênh thông tin rõ ràng, minh bạch giữa các cơ quan chính phủ và doanh nghiệp. Điều này sẽ đảm bảo rằng các doanh nghiệp biết về các chính sách hỗ trợ dành cho họ và các thủ tục để tiếp cận chúng. Cần cập nhật và thông báo thường xuyên về những thay đổi trong chính sách và quy định cũng cần được cung cấp.

Tiếp đến là cải thiện khả năng tiếp cận tài chính cho các doanh nghiệp Việt Nam. Đây vẫn là một thách thức lớn vì đa số doanh nghiệp ở nước ta là doanh nghiệp vừa, nhỏ và rất nhỏ. Phát triển một hệ thống tài chính mạnh mẽ và toàn diện nhằm cung cấp khả năng tiếp cận tín dụng dễ dàng hơn cho các doanh nghiệp sẽ góp phần giải quyết bài toán này. Đó có thể là chương trình cho vay chuyên biệt (ví dụ cho đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển, hay công nghệ mới) và thúc đẩy các mô hình tài chính thay thế, chẳng hạn như đầu tư vốn mạo hiểm và huy động vốn từ cộng đồng.

Và tất nhiên là không thể không đầu tư vào giáo dục và phát triển kỹ năng. Chính phủ nên đầu tư vào các chương trình và sáng kiến đào tạo nghề nhằm trang bị cho các cá nhân những kỹ năng cần thiết để thích ứng với bối cảnh kinh doanh đang thay đổi. Điều này không chỉ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp mà còn góp phần vào sự phát triển kinh tế chung của đất nước. Kiến thức liên ngành, đa chức năng, và kỹ năng mềm sẽ là những kết hợp không thể thiếu cho người lao động và nhà quản lý trong tầm nhìn 2030

Trân trọng cảm ơng ông!

Tin mới lên