Tiêu điểm

Hà Nội: Hoàn thành các chỉ tiêu 'cao điểm 90 ngày đêm' triển khai Luật Cư trú 2020

(VNF) - Theo Luật Cư trú 2020 quy định từ ngày 1/1/2023, toàn bộ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú bằng giấy sẽ không còn giá trị sử dụng. Do đó, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã cấp sẽ chỉ còn được sử dụng đến ngày 31/12/2022.

Hà Nội: Hoàn thành các chỉ tiêu 'cao điểm 90 ngày đêm' triển khai Luật Cư trú 2020

Hà Nội quyết tâm hoàn thành các chỉ tiêu 'cao điểm 90 ngày đêm' triển khai Luật Cư trú 2020.

Để chuẩn bị cho việc này, từ ngày 2/10, Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Cục Cảnh sát QLHC về TTXH - Bộ Công an) đã phát động “Cao điểm 90 ngày đêm” đảm bảo hoàn thành những chỉ tiêu triển khai Luật Cư trú năm 2020 về việc bãi bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú trong các thủ tục hành chính.

Ngay sau đó, Công an thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch 269/KH-CAHN-PV01-PC06 mở cao điểm 90 ngày đêm triển khai các giải pháp đảm bảo hoàn thành những chỉ tiêu phục vụ triển khai quy định của Luật Cư trú năm 2020. 

Tại hội nghị triển khai Kế hoạch 269, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky, Phó giám đốc Công an thành phố Hà Nội, đã nêu quan điểm "vừa chạy, vừa xếp hàng", đòi hỏi mỗi cán bộ chiến sỹ luôn phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, xếp sang một bên những chuyện cá nhân, toàn tâm toàn ý thực hiện nhiệm vụ. Khi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú hết giá trị sử dụng, bước vào giai đoạn mới hoàn toàn sử dụng công nghệ số, Chính phủ đã nhiều lần khẳng định đó là một bước tiến quan trọng hướng tới quốc gia số.

"Đưa ứng dụng công nghệ vào cuộc sống là điều cần thiết trong cuộc sống hiện đại, nhưng để số hóa hoàn toàn thông tin cá nhân là một điều không đơn giản. Khó khăn, vướng mắc chủ yếu liên quan đến công nghệ bởi hệ thống chưa thực sự hoàn chỉnh, đang được bổ sung, cập nhật mới mỗi ngày", ông Nguyễn Hồng Ky nói.

Trong khi đó, Thiếu tá Đinh Phúc Thành, Phó trưởng Công an quận Nam Từ Liêm chia sẻ, trong quá trình cấp Căn cước công dân (CCCD) gắn chíp, xác thực định danh điện tử, thỉnh thoảng xuất hiện lỗi như máy không quét được vân tay; không cho lưu đối với một số trường hợp; công dân có dữ liệu trên hệ thống, nhưng khi khai thác thì lại báo lỗi dẫn đến hồ sơ phải nhập thủ công.

Việc làm sạch dữ liệu gặp khó khăn do nhiều trường hợp là nhân khẩu đã chuyển đi nhưng không rõ địa chỉ, chủ hộ đã chết, hộ gia đình chưa thống nhất được ai làm chủ hộ… "Tất cả những việc này có thể ảnh hưởng đến công tác hoàn thiện hồ sơ và cấp tài khoản định danh cho công dân sau này", Thiếu tá Đinh Phúc Thành cho biết.

Ở góc độ người thực hiện nhiệm vụ, Trung tá Nguyễn Thị Hoa, Đội trưởng Đội Cảnh sát QLHC về TTXH (Công an quận Long Biên) chia sẻ: "Ở thời điểm hiện tại, các trường hợp chưa thu nhận hồ sơ cấp CCCD gắn chíp, xác thực định danh điện tử đều là những "ca khó" và chúng tôi phải đến tận nhà để thu nhận. Khác với các cao điểm trước, cao điểm "90 ngày đêm" của Cục Cảnh sát QLHC về TTXH và của Công an thành phố chủ yếu do cán bộ chiến sĩ lực lượng Cảnh sát QLHC về TTXH tự thực hiện, trong khi còn rất nhiều nhiệm vụ chuyên môn khác cần phải làm".

Theo Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky, trước khi triển khai cao điểm "90 ngày đêm", Công an thành phố đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo để bảo đảm dữ liệu dân cư "đúng, đủ, sạch, sống", cấp CCCD gắn chíp, cấp định danh điện tử, cũng như triển khai các dịch vụ công trực tuyến như: Mệnh lệnh số 01 về cấp CCCD; Kế hoạch số 476/KH-CAHN-PV01-PC06 về làm sạch thông tin công dân; Kế hoạch số 30/KH-CAHN-PV01-PC06 về triển khai các dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực đăng ký cư trú; Kế hoạch số 31/KH-CAHN-PV01-PC06 về nâng cao hiệu quả công tác quản lý tạm trú.

Kế hoạch 269/KH-CAHN-PV01-PC06 về mở đợt "cao điểm 90 ngày đêm" nhằm nâng cao nhận thức, xác định cụ thể vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu công an các cấp trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu bảo đảm dữ liệu dân cư "đúng, đủ, sạch, sống"; cấp CCCD, cấp định danh điện tử, dịch vụ công trực tuyến để chuẩn bị các điều kiện bảo đảm cho việc triển khai thực hiện hiệu quả, kịp thời Luật Cư trú năm 2020 khi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú hết giá trị sử dụng và tăng cường triển khai thực hiện Đề án 06.

Trong hoàn cảnh khó khăn, sau 15 ngày đầu thực hiện đợt cao điểm 90 ngày đêm của Cục Cảnh sát QLHC về TTXH, Hà Nội đã có một số chỉ tiêu được ghi nhận, là đơn vị có chuyển biến tốt về cập nhật CMND 9 số; Điều chỉnh hộ không có chủ hộ; Xóa trùng thông tin trong và ngoài tỉnh.

"Công an các đơn vị đã tổ chức thực hiện tương đối nghiêm túc các chỉ đạo của Giám đốc Công an Thành phố và Bộ Công an giao, đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận trong bối cảnh cao điểm nối tiếp cao điểm", Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky ghi nhận.

Để hoàn thành các chỉ tiêu "cao điểm 90 ngày đêm", Công an Thành phố yêu cầu các đơn vị tập trung nguồn lực, có giải pháp cụ thể phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị, chủ động phát huy hiệu quả hoạt động của Tổ công tác 06 tại cơ sở để "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng nhân khẩu" vừa phục vụ công tác cấp, kích hoạt tài khoản định danh điện tử, vừa rà soát tình trạng sót lọt thông tin công dân, vừa đảm bảo công tác quản lý cư trú, nhất là đăng ký tạm trú, vừa phục vụ hoàn thành chỉ tiêu cấp CCCD gắn chíp do Bộ Công an giao xong trước 20/12/2022.

"Chúng ta phải xác định thực hiện Kế hoạch 269/KH-CAHN-PV01-PC06 là nhiệm vụ chính trị đặc biệt, nếu thực hiện tốt sẽ tạo dư luận xã hội rất tốt. Do đó, giao đồng chí trưởng Công an các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm trước Ban Giám đốc Công an thành phố về tiến độ và chất lượng thực hiện kế hoạch của đơn vị mình. Phải tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện và kịp thời giải quyết các khó khăn vướng mắc", Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky nhấn mạnh.

Tin mới lên