Tiêu điểm

Bỏ sổ hộ khẩu từ tháng 7/2021: Đại biểu Quốc hội lo bất khả thi

(VNF) – Đại biểu Bế Minh Đức (đoàn Cao Bằng) bày tỏ lo ngại thời gian nửa năm là không đủ để Bộ Công an cấp số định danh cá nhân cho toàn bộ công dân Việt Nam.

Bỏ sổ hộ khẩu từ tháng 7/2021: Đại biểu Quốc hội lo bất khả thi

Đại biểu Bế Minh Đức

Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/7/2021. Điều này đồng nghĩa kể từ thời điểm đó, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú không có giá trị sử dụng trong các giao dịch.

Cho ý kiến về dự luật tại phiên thảo luận của Quốc hội chiều 16/6, đại biểu Bế Minh Đức cho rằng chính phủ cần xác định lộ trình phù hợp để việc thực thi luật không gây ra xáo trộn, khó khăn cho cả người dân và nhà nước.

Cụ thể, theo đại biểu Đức, hiện nay, đối với người dân, sổ hộ khẩu là một giấy tờ quan trọng, thông dụng để xác lập các giao dịch, quan hệ pháp luật cũng như xác định quan hệ nhân thân để hưởng quyền lợi và thực hiện nghĩa vụ công dân, như: mua bán điện, nước, đăng ký dịch vụ điện thoại, thực hiện giao dịch với ngân hàng hay xác định để hưởng thừa kế, nghĩa vụ chăm sóc nuôi dưỡng, xác định diện hộ nghèo, cận nghèo hưởng chính sách…

Vì vậy, việc hướng tới không công nhận giá trị pháp lý của sổ hộ khẩu, sổ tạm trú sẽ ảnh hưởng lớn đến các quy định về giấy tờ công dân trong thủ tục hành chính, tác động đến các chính sách quy định về hộ gia đình.

“Tôi thấy rằng, quy định như dự thảo luật thì cần có lộ trình, giải pháp thực hiện đồng bộ, không sẽ tự gây khó cho chính Nhà nước và người dân”, đại biểu Đức nói và nhấn mạnh để thực hiện được quy định trên, cần có đủ thời gian để hoàn thành 2 việc.

Việc thứ nhất là hoàn thành việc cấp số định danh cá nhân, vì phương thức quản lý cư trú mới chỉ có thể được vận hành thông suốt trên cơ sở tất cả công dân Việt Nam đã được cấp số định danh cá nhân.

“Nhưng thực tế sau hơn 4 năm triển khai, theo tờ trình của Chính phủ, đến nay mới có hơn 18 triệu công dân được cấp số định danh cá nhân. Dự kiến đến hết tháng 12/2020, Chính phủ sẽ hoàn thành việc xác lập số định danh cá nhân cho toàn bộ công dân Việt Nam với gần 80 triệu công dân còn lại.  Thời gian là nửa năm và nếu vẫn cứ tiến độ này thì tôi thấy khó khả thi”, đại biểu Đức nói.

Việc thứ hai, theo đại biểu Đức, là hoàn thiện hệ thống pháp luật phù hợp với quy định mới.

Với sự thông dụng của sổ hộ khẩu trong các giao dịch công dân, các thủ tục liên quan đến sổ hộ khẩu đang được quy định trong một số văn bản luật, như Luật Bảo hiểm y tế, Luật Lý lịch tư pháp, Luật Doanh nghiệp và nhiều văn bản dưới luật khác.

Do đó, để phù hợp với quy định của dự thảo luật, đại biểu Đức cho rằng Chính phủ cần hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung không ít các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; sửa đổi toàn bộ các quy định về thủ tục hành chính mà trong thành phần thủ tục có sử dụng đến 2 loại sổ trên.

“Với thời gian còn nửa năm, tôi cũng đặt vấn đề, liệu chúng ta có kịp để thực hiện, hoàn thành không?”, đại biểu Đức nói.

Theo đại biểu Đức, nếu như không hoàn thành được 2 công việc nêu trên thì việc quy định sổ hộ khẩu, sổ tạm trú không có giá trị sử dụng trong các giao dịch quan hệ pháp luật được xác lập kể từ ngày 1/7/2021 sẽ gây ách tắc, xáo trộn, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân và hoạt động bình thường của các cơ quan nhà nước.

“Do đó, tôi đề nghị dự thảo luật cần xem xét xây dựng lộ trình thực hiện. Trong đó có giai đoạn quản lý điện tử không cấp mới, sửa đổi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú nhưng vẫn công nhận sổ hộ khẩu, sổ tạm trú có giá trị sử dụng và xác lập các giao dịch quan hệ pháp luật của công dân trong một thời gian nhất định”, đại biểu Đức nói.

Tin mới lên