Hai tập đoàn khách sạn InterContinental và Accor đang lên kế hoạch sáp nhập?

Việt Anh - 22/08/2020 14:41 (GMT+7)

(VNF) - Theo tờ Le Figaro, hãng điều hành chuỗi khách sạn Pháp Accor đang cân nhắc sáp nhập với đối thủ đến từ Anh InterContinental, trong bối cảnh ngành du lịch đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch.

VNF
Tập đoàn khách sạn InterContinential và Accor đang lên kế hoạch sáp nhập?

Dù Accor chưa đưa ra tuyên bố chính thức nào, tuy nhiên ban điều hành công ty đang tỏ ra ủng hộ chiến lược này, theo Le Figaro.

Nếu thương vụ M&A này thành công, Marriott sẽ không còn là tập đoàn quản lý khách sạn lớn nhất thế giới, do InterContinental và Accor đang sở hữu tổng cộng 1,6 triệu phòng khách sạn toàn cầu, trong khi Marriott chỉ là 1,3 triệu phòng, thông tin từ Reuters cho biết.

Dựa trên thị giá hiện tại, tập đoàn liên doanh bởi InterContinental và Accor có giá trị vốn hóa ước tính hơn 17 tỷ USD, tập hợp khoảng 5.000 bất động sản của Accor, bao gồm các thương hiệu Raffles, Sofitel và Ibis với 6.000 khách sạn của InterContinental, bao gồm các tên tuổi như Holiday Inn và Crowne Plaza.

Chủ tịch và CEO Sebastien Bazin của Accor, người đã thành lập uỷ ban nội bộ để nghiên cứu về thương vụ sáp nhập trong tháng 6 vừa qua, đang tỏ ra cẩn trọng. Đến hiện tại Accor vẫn chưa liên hệ với InterContinental.

Người phát ngôn của Accor không đưa ra bất cứ bình luận nào về tin đồn, trong khi InterContinental vẫn chưa lên tiếng.

Cổ phiếu của hai công ty đều chịu thiệt hại nặng nề khi dịch Covid-19 khiến ngành du lịch toàn cầu chìm vào khủng hoảng. Nhiều doanh nghiệp điều hành khách sạn đã phải tạm ngưng nhận đặt phòng, cắt giảm nhân sự và hứng chịu thêm các gánh nặng tài chính.

Cổ phiếu của Accor đã giảm hơn 40% trên thị trường ngoài Mỹ, trong khi giá trị cổ phiếu InterContinental, vốn đang được niêm yết trên sàn chứng khoán New York, cũng giảm hơn 23%.

Đầu tuần này, S&P Global đã hạ bậc xếp hạng Accord xuống nhóm cổ phiếu "rác", đồng nghĩa từ nay công ty sẽ phải trả lãi suất cao hơn.

Nhiều chuyên gia nhận định, thương vụ M&A sẽ mang lại ý nghĩa địa lý cho cả hai doanh nghiệp. Các thương hiệu của Accor chủ yếu hoạt động mạnh ở châu Âu, trong khi InterContinental lại chú trọng thị trường Mỹ và Trung Quốc.

Điều này cũng sẽ giúp hai công ty tiết kiệm được chi phí đáng kể, chẳng hạn như chi tiêu cho tổng hành dinh, hệ thống bảo trì cũng như phí vận hành các chương trình dành cho khách hàng thân thiết.

Tuy nhiên, kết quả của thương vụ này vẫn là một ẩn số, bởi tính phức tạp của nó. Khả năng thực hiện M&A chỉ cao hơn, khi cổ phiếu InterContinental chạm đáy như đầu năm 2019.

Bên cạnh đó, việc sáp nhập với InterContinental có thể làm mất niềm tin của các nhà đầu tư Accor. "Điều này sẽ không thuyết phục các nhà đầu tư của Accor rằng ban lãnh đạo công ty sẽ tập trung vào chiến lược tăng trưởng tự thân mà sẽ tiếp tục tìm kiếm các thương vụ mới", các chuyên gia phân tích của Bernstein nhận định.

Tại Việt Nam, tập đoàn khách sạn InterContinental đang vận hành 13 khách sạn, với hơn một nửa trong số đó mang thương hiệu InterContinental. Nổi bật là các khách sạn từng giành nhiều giải thưởng uy tín trong ngành, như khu nghỉ dưỡng - khách sạn InterContinental Đà Nẵng Sun Peninsula Resort và InterContinental Phú Quốc Long Beach Resort.

Tập đoàn Accor cũng có mặt tại Việt Nam từ rất sớm, bắt đầu bằng việc giới thiệu khách sạn Metropole (Sofitel Legend Metropole Hà Nội). Đến nay, Accor đang quản lý tổng cộng 24 khách sạn trên cả nước, bao gồm 3 khách sạn Sofitel, 4 khách sạn Pullman, 5 MGallery, 6 Novotel, 5 Mercure và 1 Premier Village Danang Resort.

Cùng chuyên mục
Tin khác