Tài chính quốc tế

Hàn Quốc: Quân đội Mỹ đóng vai trò then chốt cho hòa bình và ổn định trong khu vực

(VNF) - Bộ Ngoại giao Hàn Quốc ngày hôm nay (15/5) khẳng định Lực lượng Quân sự Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc (USFK) là lực lượng không thể thiếu cho hòa bình và ổn định trong khu vực, theo Yonhap.

Hàn Quốc: Quân đội Mỹ đóng vai trò then chốt cho hòa bình và ổn định trong khu vực

Hiện có khoảng 28.500 lính Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc.

Thông tin được đưa ra nhằm đáp lại những suy đoán về tương lai của lực lượng 28.500 quân Mỹ tại Hàn Quốc trong bối cảnh lực lượng này có vẻ “không còn cần thiết” khi tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đang dần hạ nhiệt.

Trước đó, Ủy ban quân sự Hạ viện Mỹ ngày 9/5 đã thông qua dự thảo sửa đổi Đạo luật Ủy nhiệm quốc phòng (NDAA) có nội dung không cho phép giảm lực lượng quân đồn trú Mỹ tại Hàn Quốc xuống dưới mức 22.000 người khi chưa có sự đảm bảo chắc chắn về an ninh.

Bộ Ngoại giao Hàn Quốc khẳng định Mỹ và các đồng minh sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với nhau để thiết lập một chế độ hòa bình trong khu vực.

Hạ nghị sĩ Ruben Gallego (đảng Dân chủ) thuộc Ủy ban quân sự Hạ viện Mỹ cho biết mục đích của dự thảo sửa đổi này là nhằm chứng minh với các quốc gia đồng minh rằng Mỹ là người bạn đồng hành vững chắc của các nước.

Điều này có nghĩa là Washington phải duy trì trên 80% quy mô quân đồn trú tại Hàn Quốc hiện đang ở mức 28.500 người.

Một quan chức Ủy ban quân sự Hạ viên Mỹ cho biết dự thảo sửa đổi Đạo luật Ủy nhiệm quốc phòng lần này đã đạt được sự ủng hộ và đồng tình của nghị sĩ các đảng cầm quyền và đối lập. Dự thảo này sẽ được biểu quyết lần cuối tại phiên họp toàn thể của Hạ viện trong thời gian tới.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Noh Kyu- duk.

Khi được hỏi về vấn đề này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Noh Kyu- duk nhấn mạnh rằng USFK "đóng vai trò then chốt trong việc duy trì hòa bình và ổn định của bán đảo Triều Tiên và khu vực Đông Bắc Á".

Mỹ và các đồng minh sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với nhau để thiết lập một chế độ hòa bình trong khu vực, ông nhấn mạnh.

USFK được triển khai tại Hàn Quốc từ năm 1953, để hỗ trợ an ninh sau khi Hàn Quốc và Triều Tiên ký thỏa thuận đình chiến.

Ông Jeong Se-hyun, cựu Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc.

Trong một bài diễn thuyết ở thủ đô Seoul (Hàn Quốc) ngày 14/5, ông Jeong Se-hyun, giữ chức Bộ trưởng Thống nhất từ năm 2002 tới năm 2004, cho biết, Triều Tiên trong quá khứ hiểu rằng sự hiện diện của USFK là để đổi lấy thiện chí ngoại giao từ phía Mỹ.

Ông Jeong nói: “Năm 1992, lãnh đạo Triều Tiên khi đó là ông Kim Nhật Thành cử thư ký tới Mỹ và đề nghị không rút USFK, nếu hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao. Tuy nhiên, Washington bác bỏ đề xuất này. Nếu đề xuất được chấp nhận, thì Bình Nhưỡng có thể đã không cố gắng phát triển vũ khí hạt nhân. Chính phủ Mỹ khi đó dường như nghĩ rằng chính quyền Triều Tiên sẽ tự sụp đổ”.

Theo ông, Triều Tiên có thể lựa chọn phương án bỏ qua việc đồn trú của binh lính Mỹ tại Hàn Quốc, để đổi lấy việc thiết lập quan hệ ngoại giao với Washington.

Xem thêm >>Lệnh trừng phạt mới của EU lại khiến Nga ‘nổi xung’

Tin mới lên