Tài chính quốc tế

Thượng đỉnh Mỹ-Triều thất bại nếu ông Trump và Kim Jong-un vẫn bất đồng

(VNF) - Việc giải quyết bất đồng về dỡ bỏ cấm vận song song với giải trừ vũ khí hạt nhân là vô cùng quan trọng để có một cuộc gặp gỡ thành công giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Singapore vào ngày 12/6.

Thượng đỉnh Mỹ-Triều thất bại nếu ông Trump và Kim Jong-un vẫn bất đồng

Ông Trump và ông Kim Jong Un bất đồng trong việc dỡ bỏ các biện pháp cấm vận

Tổng thống Trump đã khẳng định rằng ông sẽ không lặp lại những sai lầm của quá khứ, khi các thỏa thuận với Triều Tiên trước đây bị phá vỡ do tranh chấp liên quan đến thanh tra hạt nhân và viện trợ kinh tế.

Hai quan chức hàng đầu của ông Trump - Ngoại trưởng Mike Pompeo và Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton - cùng cho biết Hoa Kỳ cần bằng chứng cho việc phi hạt nhân hóa của Bắc Triều Tiên đã hoàn tất trước khi các biện pháp cấm vận được dỡ bỏ. Ngược lại, ông Kim Jong Un  đã yêu cầu thực hiện một quy trình từng bước, trong đó bao gồm động thái nới lỏng trừng phạt trước khi chính quyền của ông loại bỏ vũ khí hạt nhân khỏi Bán đảo Triều Tiên.

Malcolm Davis, một nhà phân tích cao cấp của Viện Chính sách chiến lược Úc tại Canberra cho biết: “Nếu Triều Tiên thực sự có ý muốn thiết lập lại hòa bình và cho phép những cuộc thanh tra được diễn ra, thì thỏa thuận đã thành công. Ngược lại, nếu phía ông Kim không muốn vậy - và khả năng cho điều này là rất cao - thì hội nghị sẽ thất bại."

Năm ngoái, ông Trump đã gây áp lực cho Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cắt giảm hầu hết xuất khẩu của Triều Tiên và hạn chế nhập khẩu nhiên liệu để ngăn ông Kim theo đuổi việc phát triển vũ khí hạt nhân nhằm tấn công Hoa Kỳ. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres đã ghi nhận các biện pháp trừng phạt với Triều Tiên.

Tuy nhiên, cho đến nay có rất ít dấu hiệu cho thấy ông Kim Jong Un sẽ từ bỏ vũ khí hạt nhân mà không đổi lại bất kỳ điều kiện gì. Trong một cuộc họp với Tổng thống Trung Quốc Tập Cận Bình hồi đầu tháng này, ông Kim kêu gọi Hoa Kỳ và Triều Tiên xây dựng lòng tin thông qua "các biện pháp theo giai đoạn và đồng bộ", dẫn đến một cuộc hòa giải chính trị, và “cuối cùng là phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên."

Trong khi đó, ông Trump và các cố vấn của mình lại muốn thực hiện điều này càng nhanh càng tốt. Cố vấn John Bolton trích dẫn mô hình Libya, khi cựu Tổng thống Muammar Qaddafi tiến hành giải quyết số vũ khí hạt nhân của mình trong một khoảng thời gian tương đối ngắn.

Hôm Chủ nhật, ông Bolton nói với CNN rằng Tổng thống Trump muốn Triều Tiên loại bỏ “tất cả các khía cạnh của chương trình hạt nhân của họ”, bao gồm tên lửa đạn đạo, cũng như vũ khí hóa học và sinh học của nước này.

“Một chương trình hạt nhân đầy tham vọng,” Bolton nói. “Và đó là lý do tại sao chúng ta phải kiểm tra liệu Triều Tiên có thực sự quyết định từ bỏ vũ khí hủy diệt hàng loạt của mình không.”

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã gặp ông Kim trong hai chuyến đi đến Bình Nhưỡng trong những tháng gần đây. Ông cho biết Hoa Kỳ sẽ không cung cấp cho Bắc Hàn điều họ muốn – giải phóng lệnh trừng phạt - mà không có gì làm bằng chứng cho việc phi hạt nhân hóa.

Theo Van Jackson, một giảng viên cấp cao tại Đại học Victoria, Wellington và đang viết một cuốn sách về Triều Tiên, việc Triều Tiên phi hạt nhân hóa “hoàn toàn khác biệt” với việc loại bỏ tên lửa đạn đạo liên lục địa.

Dường như ông Kim đã thành công trong việc thay đổi câu chuyện về chương trình hạt nhân của mình. Động thái ưu tiên tăng trưởng kinh tế đã chấm dứt mối đe dọa xảy ra chiến tranh, và hội nghị thượng đỉnh của ông với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã dẫn đến cam kết hợp tác kinh tế giữa các quốc gia.

“Những gì Kim Jong Un đã thể hiện trong các hội nghị đã phần nào xóa bớt nỗi lo ngại, khiến cho nước Mỹ không có lý do gì để quay lại chính sách áp lực tối đa," Joseph DeThomas, cựu Phó Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ, bộ phận Chống Phổ biến Vũ khí Hạt nhân, nhận định.

Lời bình luận về vấn đề Triều Tiên ​​của ông Pompeo vào ngày Chủ nhật đã nâng cao triển vọng đầu tư vào quốc gia này của các nhà đầu tư Mỹ. Điều đó cũng khiến ông Trump khó lòng tiếp tục gây áp lực cho ông Kim trong bất kỳ cuộc đàm phán nào, theo Davis của Viện Chính sách chiến lược Úc.

"Người Mỹ có một vấn đề thực sự ở đây bởi vì họ đã đưa ra những kỳ vọng về hội nghị thượng đỉnh, và họ tiếp tục làm như vậy", ông nói. "Những gì họ nên làm là làm giảm kỳ vọng bằng cách nói 'chúng ta cần phải thận trọng với người Triều Tiên', thực sự không nên nóng vội, và đảm bảo rằng bất kỳ thỏa thuận nào lập ra cũng sẽ được xác minh đầy đủ."

Tin mới lên