Lệnh trừng phạt mới của EU lại khiến Nga ‘nổi xung’

Chu La - 15/05/2018 10:52 (GMT+7)

(VNF) - Trước đòn trừng phạt mới nhất của EU vào 5 quan chức bầu cử cấp cao tại Crimea, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova ngày 14/5 tuyên bố Moscow có quyền đáp trả theo kiểu ”ăn miếng trả miếng” với bước đi thù địch của EU.

VNF
EU trừng phạt 5 cá nhân liên quan đến bầu cử của Nga tại Crimea.

Liên minh châu Âu (EU) vừa đưa thêm 5 cá nhân vào danh sách áp dụng lệnh trừng phạt, những cá nhân này đều là quan chức bầu cử cấp cao của Ủy ban bầu cử Crimea và Ủy ban Bầu cử Sevastopol thuộc Ủy ban bầu cử Trung ương Nga.

Thông cáo của Hội đồng châu Âu nêu lý do họ bị trừng phạt "vì có liên quan đến công tác tổ chức bầu cử tổng thống Nga ngày 18/3/2018 tại khu vực Crimea và Sevastopol bị sát nhập phi pháp, vì thế đã tích cực hỗ trợ và thực hiện các chính sách gây tổn hại cho sự toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền và độc lập của Ukraine".

Cử tri Crimea đi bầu cử tổng thống Nga năm 2018.

Cùng với 150 cá nhân khác bị liệt vào danh sách đen của EU trước đó, 5 người này sẽ đối mặt với việc bị cấm đi lại và đóng băng tài sản tại EU.

Phản ứng cứng rắn trước những lệnh trừng phạt này, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova khẳng định EU đã  phớt lờ các nguyên tắc được ưu tiên về dân chủ và nhân quyền, Brussels ngoan cố đòi ‘trừng phạt’ những người đang thực hiện nguyên vọng dân chủ của người dân ở Crimea.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova.

Theo nhà ngoại giao Nga, mọi người ở EU đều thấy rõ ràng rằng các biện pháp trừng phạt chống lại Nga đang trở thành cách thể hiện ‘tình đoàn kết’ mang tính thủ tục.

"Kết quả thực tế duy nhất của nó là gia tăng thêm giận dữ, cản trở việc thiết lập những đối thoại và hợp tác cùng có lợi giữa hai bên với Nga vì lợi ích của các công dân chúng ta", bà Zakharova nhấn mạnh.

"Phía Nga có quyền đáp trả theo kiểu ăn miếng trả miếng với bước đi thù địch thêm nữa của EU", bà Zakharova nói thêm.

Ủy ban bầu cử Trung ương Nga coi những kế hoạch này là cách giải quyết không mang tính xây dựng, khẳng định rằng tất cả các hành động của người dân Crimea không chỉ tuân thủ quy định của Hiến pháp, mà cả các chuẩn mực quốc tế.

EU bắt đầu áp dụng các biện pháp trừng phạt mạnh tay nhằm vào Nga từ năm 2014.

Từ năm 2014, EU bắt đầu áp lệnh trừng phạt lên Nga nhằm phản đối việc sáp nhập bán đảo Crimea vào Nga. Vì vậy một số quan chức ở Crimea cũng nằm trong diện trừng phạt kinh tế tương tự.

Cùng với Liên Hiệp Quốc, hiện Mỹ, EU và Thổ Nhĩ Kỳ là những quốc gia/tổ chức không công nhận Crimea là một phần lãnh thổ của Nga.

EU cũng cáo buộc Nga tiếp tay cho các lực lượng nổi dậy tại miền đông Ukraine, tạo ra cuộc xung đột làm hơn 10.000 người chết trong vài năm gần đây, bất kể Điện Kremlin luôn bác bỏ cáo buộc này.

Xem thêm >> Ngày mở Đại sứ quán Mỹ tại Jerusalem: Hơn 2.800 người thương vong

Theo Reuters
Cùng chuyên mục
Tin khác