Đến lượt Nhật Bản hứng chỉ trích của Triều Tiên

Lê Anh - 07/05/2018 16:37 (GMT+7)

(VNF) – “Nhật Bản phải nhớ rằng họ không bao giờ có thể thay đổi vận mệnh của ai đó nếu duy trì quan điểm dập khuôn trừng phạt và gây sức ép như hiện nay”, Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Triều Tiên, ngày 6/5 đăng tải bài viết chỉ trích Nhật Bản.

VNF
Tokyo được cho là sẽ kêu gọi quan điểm cứng rắn với Triều Tiên trong hội nghị 3 bên Hàn-Trung-Nhật vào ngày 8/5 tới đây.

Nhật Bản thời gian gần đây liên tiếp có những lời kêu gọi tăng cường trừng phạt và tăng sức ép lên Triều Tiên cho tới khi nước này có hành động cụ thể. Theo hãng truyền thông Meari của Triều Tiên, những tuyên bố này mang tích “thù địch” trong bối cảnh Triều Tiên có những động thái tích cực nhằm phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên.

Đồng thời, Tokyo được cho là sẽ kêu gọi quan điểm cứng rắn với Triều Tiên trong hội nghị 3 bên Hàn-Trung-Nhật vào ngày 8/5 tới đây.

Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khẳng định sẽ tiếp tục gây áp lực tối đa đối với Triều Tiên.

Mới đây nhất, Đại sứ Nhật Bản tại Liên hợp quốc (LHQ), Koro Bessho cho biết không nên nới lỏng các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên cho đến khi nào Bình Nhưỡng có hành động cụ thể xóa bỏ vũ khí hạt nhân và tên lửa.

Theo Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera,bất chấp tuyên bố chất dứt các vụ thử tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng, đây không phải lúc để nới lỏng áp lực lên nước này. Tokyo cũng cảnh báo sẽ tiếp tục áp dụng chính sách tối đa hóa áp lực với Triều Tiên.

Trước đó, phát biểu với báo giới sau cuộc gặp Giám đốc Cơ quan Tình báo quốc gia của Hàn Quốc Suh Hoon ngày 12/3, Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono tuyên bố nước này và Hàn Quốc đã nhất trí duy trì sức ép tối đa cho đến khi Triều Tiên có hành động cụ thể nhằm hướng tới việc giải quyết những quan ngại về chương trình tên lửa và vũ khí hạt nhân.

“Để đạt được việc chấm dứt các vụ thử tên lửa và hạt nhân của phía Triều Tiên, tôi và Giám đốc cơ quan tình báo Hàn Quốc đã đồng ý tiếp tục việc gây áp lực tối đa lên Bình Nhưỡng. Hai nước sẽ duy trì việc gây áp lực này cho đến khi Triều Tiên có những hành động cụ thể, chứ không chỉ dừng lại ở lời nói”, ông Taro Kono nói.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera.

Không chỉ Nhật Bản, Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) cùng ngày cũng đăng tải bài báo dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Triều Tiên nhằm phủ nhận quan điểm của Mỹ cho rằng chính những biện pháp trừng phạt và các chính sách gây áp lực của Mỹ đã khiến cho nước này phải ngồi vào bàn đàm phán. Theo Bình Nhưỡng, Mỹ đang “âm mưu” phá hoại những nỗ lực đem lại hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.

"Mỹ đang cố tình khiêu khích CHDCND Triều Tiên vào lúc này khi tình hình trên bán đảo Triều Tiên đang chuyển biến theo hướng hòa bình và hòa giải", KCNA bình luận.

Ông Kim và ông Trump dự kiến sẽ gặp nhau vào tuần thứ 3 của tháng 6.

Theo người phát ngôn Bộ ngoại giao Triều Tiên, các tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump là “lệch lạc” và thể hiện "nỗ lực đầy nguy hiểm" nhằm phá hoại tình trạng  dịu nhẹ căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên thời gian gần đây.

Đồng thời, vị quan chức ngoại giao Triều Tiên lên tiếng cảnh báo Mỹ không nên lý giải việc Triều Tiên đồng ý tham gia đối thoại là dấu hiệu cho thấy "sự yếu đuối".

Theo đánh giá của giới quan sát, những lời chỉ trích của Triều Tiên dường như nhằm mục đích tăng cường vị thế cho lãnh đạo Kim Jong-un trước cuộc gặp với Tổng thống Trump, dự kiến diễn ra vào tuần thứ 3 của tháng 6 tại Singapore, theo tờ Chosun Ilbo của Hàn Quốc.

>> Nhiều hợp đồng tỷ USD có nguy cơ ‘đổ vỡ’ trước quyết định của ông Trump

Cùng chuyên mục
Tin khác