'Hàng hóa trên TTCK phải là hàng tốt và không có hàng giả'

Tiểu An - 28/02/2024 22:24 (GMT+7)

(VNF) - Phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán (TTCK) năm 2024, bà Nguyễn Thị Mai Thanh - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Cơ Điện Lạnh (REE) nhấn mạnh: các công ty niêm yết là hàng hóa' trên TTCK. Hàng hóa phải tốt và không có hàng giả. Nhà đầu tư luôn mong mỏi các công ty niêm yết có mức tăng trưởng tốt và họ sẵn sàng bỏ vốn thêm cho mục tiêu này.

Từ thực tế của DN do mình quản lý, bà Mai Thanh khẳng định, mô hình mà Việt Nam chọn lựa đã góp phần tạo nên một kênh huy động hiệu quả bên cạnh các kênh truyền thống như ngân hàng, phục vụ cho phát triển công ty trong trung và dài hạn. Đây cũng là lý do chính REE xung phong niêm yết, thông qua thị trường này, REE đã 8 lần phát hành cổ phiếu và huy động được 2.800 tỷ đồng để đầu tư mở rộng và tiếp tục phát triển.

“Chúng tôi hiểu rằng phát hành trái phiếu, cổ phiếu đều đòi hỏi tính minh bạch và các doanh nghiệp phải tự đặt mình trong khuôn khổ pháp lý và trách nhiệm rất cao”, bà Mai Thanh nhấn mạnh.

Bà Nguyễn Thị Mai Thanh

“TTCK không chỉ là nơi 'tôi luyện' cho các công ty niêm yết để làm ăn đàng hoàng hơn, minh bạch, có trách nhiệm và nghĩa vụ với các bên liên quan như nhà đầu tư, nhà tài trợ, khách hàng, nhân viên và cả nghĩa vụ thuế với Nhà nước. Nó còn gián tiếp đào tạo những nhà quản lý chuyên nghiệp, cần mẫn và trung thực, qua đó họ có thể vươn lên để giữ cho giá trị cổ phần không ngừng được gia tăng”, lãnh đạo REE khẳng định.

Nói về tầm quan trọng của TTCK với vai trò là kênh dẫn vốn cho nền kinh tế, ông Dominic Scriven, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Quản lý Quỹ đầu tư Dragon Capital Việt Nam cho biết, TTCK là nguồn cung cấp vốn huyết mạch thông suốt giữa tài chính và doanh nghiệp. Đối với Chính phủ, Chính phủ không chỉ phát hành trái phiếu Chính phủ mà còn mua lại để điều tiết nguồn vốn của ngân sách nhà nước. Thị trường vốn cung cấp nguồn vốn dài hạn, trung hạn mà các ngân hàng thương mại có khi nguồn vốn của họ chỉ có thể ngắn hạn, và hơn hết là cung cấp nguồn vốn cho thành phần tư nhân.

Theo đo, nếu chúng ta muốn hình dung về tiềm năng cho Việt Nam, hãy nhìn về tổng GDP thế giới năm ngoái khoảng 100.000 tỷ USD, giá trị vốn hóa của các thị trường cổ phiếu thế giới là 100.000 tỷ USD, bằng 100% GDP. Tổng số vốn được huy động thông qua thị trường này là trên 10.000 tỷ USD.

Quy ra cho Việt Nam, có thể thấy rằng, mục đích như trong kế hoạch của Thủ tướng là phát triển giá trị vốn hóa đến 100% GDP chắc chắn là phải có, thị trường nợ đến 100%, chắc chắn là phải có, và khả năng huy động bằng 5% GDP chắc chắn là phải có. Có nghĩa là huy động mỗi năm khoảng 25 tỷ USD vốn cho sự phát triển của các doanh nghiệp Việt Nam, ngang bằng đầu tư trực tiếp FDI.

Ông Dominic Scriven, Chủ tịch HĐQT CTCP quản lý Quỹ đầu tư Dragon Capital Việt Nam.

Để TTCK Việt Na phát triển tương xứng với tiềm năng, ông Dominic Scriven kiến nghị: không ngừng phát triển hạ tầng, nền tảng, hệ sinh thái của thị trường vốn. Đặc biệt ở đây là mạng lưới các nhà đầu tư có tổ chức ở Việt Nam, chắc chắn phải mở rộng. Bởi vì thị trường vốn ở Việt Nam là thị trường biến động nhất trong khu vực và nó không dừng lại ở đấy.

Đồng thời, kiểm soát vấn đề biến động là không ngừng củng cố niềm tin trên thị trường chứng khoán, đặc biệt là niềm tin của các nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, ông Dominic Scriven kiên nghị cùng nghiên cứu, thúc đẩy phát triển Trung tâm tài chính của Việt Nam. Đây là cơ hội bằng vàng đối với Việt Nam

Cùng chuyên mục
Tin khác