Hậu ‘hoãn binh’ vì bị phản đối, các ‘ông lớn’ ngân hàng lại tăng phí rút tiền
Hoàng Lan -
09/07/2018 09:52 (GMT+7)
(VNF) - Từ ngày 15/7, phí rút tiền ATM nội mạng của Vietcombank, VietinBank, Agribank và BIDV đều tăng từ 1.100 đồng lên 1.560 đồng (đã gồm Thuế Giá trị gia tăng VAT).
Thông báo tăng phí rút tiền nội mạng được 4 “ông lớn” ngân hàng phát đi trong 2 ngày 7 và 8/7 vừa qua. Vietcombank, VietinBank, Agribank và BIDV hiện đang nắm giữ hơn 80% thị phần thẻ thanh toán nội địa.
Phí ATM nội mạng là phí ngân hàng thu với các chủ thẻ rút tiền tại ATM trên hệ thống của mình. Trong khi đó, phí rút tiền ATM ngoại mạng hiện vẫn là 3.300 đồng một giao dịch (đã bao gồm VAT).
Trước đó, vào đầu tháng 5/2018, các ngân hàng này đã có kế hoạch tăng phí ATM nội mạng vào ngày 16/5.
Tuy nhiên, việc tăng phí đã vấp phải nhiều sự phản đối. Ngay sau đó, Ngân hàng Nhà nước đã có chỉ đạo yêu cầu các nhà băng dừng việc tăng phí rút tiền ATM nội mạng. Vì vậy, kế hoạch đồng loạt tăng phí rút tiền ATM vào ngày 16/5 của các ngân hàng bất thành.
Như mọi lần, lý do tăng phí ATM được Vietcombank, VietinBank, AgriBank và BIDV đưa ra là để bù đắp chi phí lỗ lớn cho mảng ATM. Theo một số ngân hàng, chi phí cho một giao dịch tại ATM các nhà băng phải chi trả (gồm cả chi phí bảo trì, bảo dưỡng) từ 7.000 đồng đến 10.000 đồng.
Trong khi Vietcombank, VietinBank, AgriBank và BIDV thu phí rút tiền ATM nội mạng và liên tục đòi tăng phí thì nhiều ngân hàng đang miễn phí rút tiền ATM cả nội mạng lẫn ngoại mạng nhằm khuyến khích khách hàng như Techcombank, VPBank, VIB, TPBank... Với mỗi giao dịch rút tiền tại ATM ngoại mạng của khách hàng, các ngân hàng nói trên sẽ phải chịu toàn bộ chi phí.
Năm 2012, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 35 cho phép các ngân hàng được thu phí ATM nội mạng kể từ ngày 1/3 năm 2013 và nêu rõ lộ trình tăng trong các năm tiếp theo. Theo đó, mức phí áp dụng tối đa cho một giao dịch rút tiền nội mạng trong năm 2013 là 1.000 đồng, tiếp đó tăng dần lên 2.000 đồng vào năm 2013 và lên 3.000 đồng từ năm 2015 trở đi.
Trao đổi với VietnamFinance, lãnh đạo một ngân hàng thương mại cổ phần lớn cho rằng việc tăng phí này là "bad fee".
Theo quan điểm của bà, trong ngành ngân hàng có "good fee" và "bad fee", theo đó "good fee" là phí khách hàng trả khi nhận được lợi ích từ ngân hàng còn "bad fee" là là để nói về việc thu phí ngay cả khi tiền của khách hàng vẫn đang trong ngân hàng (làm lợi cho ngân hàng).
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone