Tài chính

Hậu Vinashin: SBIC và 7 công ty con phá sản, riêng 1 DN vẫn thu nghìn tỷ mỗi năm

Trước thềm Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy sẽ rút toàn bộ phần vốn (quý II/2024) đối với công ty 'con' là công ty cổ phần Đóng tàu sông Cấm nhưng doanh nghiệp này vẫn đón nhận tín hiệu vui với doanh thu 1.013 tỷ đồng.

Hậu Vinashin: SBIC và 7 công ty con phá sản, riêng 1 DN vẫn thu nghìn tỷ mỗi năm

Nhà máy đóng tàu Damen Sông Cấm

Cuối tháng 12/2023, Chính phủ thông qua kế hoạch xử lý đối với Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC).

Cụ thể, xử lý theo hướng phá sản đối với SBIC và 7 công ty con, bao gồm: Công ty TNHH MTV Đóng tàu Hạ Long, Phà Rừng, Bạch Đằng, Thịnh Long, Cam Ranh; Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Sài Gòn và Công ty TNHH MTV Đóng tàu và công nghiệp hàng hải Sài Gòn.

Riêng đối với, Công ty cổ phần Đóng tàu sông Cấm sẽ xử lý theo hướng thu hồi phần vốn của công ty “mẹ”, dự kiến từ quý II/2024. Đây là doanh nghiệp duy nhất thuộc SBIC không thuộc diện xử lý phá sản.

Theo báo cáo tài chính Quý IV/2023 vừa công bố, Đóng tàu sông Cấm có doanh thu quý IV/2023 đạt 112 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ. Do giá vốn hàng bán có mức tăng cao hơn nên lợi nhuận sau thế chỉ dừng lại ở mức 9 tỷ đồng, giảm 64% so với cùng kỳ năm 2022. Nguyên nhân lợi nhuận sau thuế giảm là do chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 53% so với cùng kỳ năm 2022, tương đương tăng gần 24 tỷ đồng.

Luỹ kế năm 2023, Đóng tàu Sông Cấm ghi nhận doanh thu hơn 1.012 tỷ đồng, tăng gần 70% so với năm trước. Theo đó lợi nhuận sau thuế tăng đạt 67,3 tỷ đồng.

Theo kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2023 đã thông qua tại kỳ họp Đại hội đồng cổ đông tháng 4/2023, Đóng tàu sông cấm đã hoàn thành 165% kế hoạch doanh thu và 338% kế hoạch lợi nhuận sau thuế.

Về tài sản, tại 31/12/2023, Đóng tàu Sông Cấm sở hữu tổng tài sản trị giá 1.474 tỷ đồng. Trong đó, chủ yếu là tiền và đầu tư tài chính gần 790 tỷ đồng, hàng tồn kho 342 tỷ đồng, tài sản cố định sau khấu hao gần 200 tỷ đồng. Bên cạnh đó, phải thu khách hàng chỉ chiếm 1% tổng tài sản công ty.

Về nguồn vốn, tổng nguồn tại 31/12/2023 đạt hơn 1.474 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu hơn 896 tỷ đồng, nợ ngắn hạn hơn 578 tỷ đồng,  đóng tàu Sông Cấm là doanh nghiệp đóng tàu lớn mà “không có dư nợ vay các tổ chức tín dụng”.

Được biết, Đóng tàu Sông Cấm dự kiến tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 vào ngày 29/03/2024 để thông qua báo cáo kết quả kinh doanh 2023, phương án phân phối lợi nhuận 2023 và phương huớng hoạt động năm 2024.

Tin mới lên