Hé lộ tình hình kinh doanh của Công ty Amata Biên Hòa mà Sonadezi muốn thoái vốn

A Lan - 29/06/2021 20:36 (GMT+7)

(VNF) - Tổng công ty Cổ phần Phát triển Khu công nghiệp (Sonadezi, UPCoM: SNZ) vừa thông qua việc thoái vốn bằng hình thức chuyển nhượng phần vốn góp tại Công ty Cổ phần Đô thị Amata Biên Hòa (Công ty Amata Biên Hòa).

VNF
Hé lộ tình hình kinh doanh của Công ty Amata Biên Hòa mà Sonadezi muốn thoái vốn

Theo đó, Sonadezi dự kiến chuyển nhượng hơn 4,2 triệu cổ phần của Công ty Amata Biên Hòa, tương đương 10% vốn điều lệ trong quý III tới. Giá trị chuyển nhượng theo mệnh giá là hơn 42 tỷ đồng.

Như vậy, vốn điều lệ của Công ty Amata Biên Hòa sẽ có giá trị khoảng hơn 422 tỷ đồng.

Giá trị ghi sổ của khoản đầu tư góp vốn vào Công ty Amata Biên Hòa của Sonadezi tại báo cáo tài chính quý I tính đến ngày 31/3/2021 là hơn 47 tỷ đồng.

Theo tài liệu ĐHCĐ năm 2021, báo cáo về công tác thoái vốn tại doanh nghiệp trong năm 2020, Sonadezi cho biết đã hoàn tất việc định giá Công ty Amata Biên Hòa. Tuy nhiên đơn vị này có kế hoạch phát hành cổ phần để tăng vốn điều lệ nên UBND tỉnh Đồng Nai đã chấp thuận cho Sonadezi thoái vốn khỏi Công ty Amata Biên Hòa sau khi hoàn tất các thủ tục tăng vốn.

Được biết, vào tháng 11/2020, Sonadezi đã thông qua việc đầu tư hơn 5,6 tỷ đồng để mua thêm 563.000 cổ phần của Công ty Amata Biên Hòa trong đợt tăng vốn điều lệ của công ty này.

Theo tìm hiểu của VietnamFinance, Công ty Đô thị Amata Biên Hòa được thành lập vào năm 1994, đặt trụ sở tại Khu công nghiệp Long Bình (Amata), phường Long Bình, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

Hiện người đại diện theo pháp luật của công ty là cá nhân Surakij Kiatthanakorn.

Về tình hình kinh doanh của Công ty Amata Biên Hòa (công ty mẹ), theo số liệu VietnamFinance có được, đơn vị này ghi nhận mức doanh thu tăng trưởng 3 năm liên tiếp trong giai đoạn năm 2016-2019, còn lợi nhuận có xu hướng sụt giảm từ năm 2016-2018 và bất ngờ tăng trưởng mạnh vào năm 2019.

Cụ thể, năm 2016, doanh thu của Amata Biên Hòa đạt hơn 373 tỷ đồng. Với mức tăng trưởng 16,4% và 11,2%, Amata Biên Hòa ghi nhận doanh thu năm 2017 và năm 2018 lần lượt đạt hơn 434 tỷ đồng và hơn 482 tỷ đồng. Tăng trưởng doanh thu chững lại chỉ còn 2% vào năm 2019, đạt hơn 492 tỷ đồng.

Khác với doanh thu, lợi nhuận của Amata Biên Hòa có xu hướng giảm trong giai đoạn 2016-2018. Với mức lợi nhuận hơn 156 tỷ đồng trong năm 2016, lợi nhuận Amata giảm nhẹ chỉ còn hơn 155 tỷ đồng trong năm 2017 và giảm mạnh hơn 33% về 103 tỷ đồng trong năm 2018. 

Ngược với xu hướng của doanh thu khi tốc độ tăng trưởng chững lại trong năm 2019, lợi nhuận của Amata Biên Hòa cùng năm tăng mạnh ở mức 101%, đạt hơn 208 tỷ đồng.

Về tài sản, tổng tài sản của Amata tính đến cuối năm 2016 là hơn 2.370 tỷ đồng, sau đó tăng lên hơn 2.683 tỷ đồng vào năm 2017 và 2.911 tỷ đồng vào năm 2018. Đến năm 2019, tổng tài sản của Amata bất ngờ tăng vọt ở mức 29% lên 3.762 tỷ đồng.

Nợ phải trả cũng phình to theo thời gian trong giai đoạn năm 2016-2019, từ mức 1.799 tỷ đồng trong năm 2016 lên 3.149 tỷ đồng trong năm 2019.  

Cùng chuyên mục
Tin khác