Hồi sinh những dự án BT nghìn tỷ ‘đắp chiếu’ ở TP.HCM

Nam Phương - 28/10/2023 18:58 (GMT+7)

(VNF) - Tại TP. HCM, nhiều dự án hạ tầng hàng nghìn tỷ bị ngưng trệ nhiều năm do vướng pháp lý. Tuy nhiên, nếu được áp dụng hình thức hợp đồng BT (xây dựng – chuyển giao) theo cơ chế đặc thù mới được thí điểm, kỳ vọng sẽ gỡ “nghẽn” các dự án này.

VNF
Dự án tuyến Vành đai 2 đoạn từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa (TP. Thủ Đức) vẫn hoang tàn từ năm 2020

Vướng mắc cơ sở pháp lý

Theo đại diện Ban quản lý Dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP. HCM (TCIP), trước khi Nghị quyết 98 của Quốc Hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố được thông qua, có khoảng 90% dự án phải tạm ngừng thi công do vướng pháp lý. Hàng loạt công trình cầu và đường trọng điểm trên địa bàn rơi vào tình trạng khởi công rồi ngừng lại, chưa biết thời điểm nào có thể tiếp tục triển khai.

Đơn cử, tuyến giao thông huyết mạch Vành đai 2 đoạn từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa (TP. Thủ Đức) dù chỉ dài gần 2,8 km nhưng đến nay vẫn trong cảnh hoang tàn, ảnh hưởng đến năng lực vận hành của toàn tuyến. Nguyên nhân là do trước đây dự án được thực hiện theo hình thức BT với tổng vốn đầu tư 2.765 tỷ đồng, tuy nhiên đến tháng 3/2020, khi đạt 43,8% giá trị hợp đồng xây lắp, dự án đã phải tạm dừng thi công do vướng mắc pháp lý.

Tương tự như: cầu Tăng Long, cầu Long Đại, cầu Nam Lý, mở rộng đường Lương Định Của… đều làm dở dang không thể đưa vào khai thác dẫn đến việc ùn tắc giao thông, người dân đi lại khó khăn, mất mỹ quan đô thị.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc triển khai các dự án BT hiện nay đang gặp phải 3 nhóm vướng mắc chính:

Cụ thể, nhóm 1 là các vướng mắc phát sinh từ quy định của Luật thanh toán cho nhà đầu tư. Một số dự án có giá trị quỹ đất dự kiến thanh toán vượt quá giá trị công trình BT (lớn hơn gấp 2 đến 3 lần), không đảm bảo nguyên tắc ngang giá theo quy định. Vướng mắc khác là do chưa có quy định về trình tự, thủ tục, thẩm quyền quyết định nguồn vốn bố trí kinh phí bồi thường cho nhà đầu tư có dự án BT phải chấm dứt hợp đồng trước thời hạn do chưa thực hiện đúng quy định của pháp luật tại thời điểm ký hợp đồng.

Một vướng mắc khác là chưa xác định cơ sở pháp lý để thực hiện thủ tục thanh toán đối với các dự án BT thanh toán bằng ngân sách nhà nước. Vướng mắc trong quy định pháp lý về sử dụng quỹ đất công nằm xen kẽ với đất của các hộ dân chưa giải phóng mặt bằng để thanh toán cho nhà đầu tư.

Vướng mắc thuộc nhóm 1 phát sinh từ quy định của Luật, có yếu tố phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tranh chấp hợp đồng.

Nhóm 2 là các vướng mắc phát sinh do thiếu quy định để thực hiện ở cấp Nghị định hoặc quy định còn cách hiểu chưa thống nhất. Đơn cử, dự án BT sử dụng quỹ đất đã giải phóng mặt bằng để thanh toán cho nhà đầu tư cần báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Tuy nhiên, do còn có cách hiểu chưa thống nhất nên chưa đủ cơ sở để Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Vướng mắc thuộc nhóm 2 phát sinh từ quy định tại các Nghị định thuộc thẩm quyền xử lý của Chính phủ. Do đó, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các Nghị định có liên quan, gồm Nghị định số 69/2019/NĐ-CP, Nghị định số 35/NĐ-CP/2021, Nghị định số 15/2021/NĐ-CP.

Và Nhóm 3 là vướng mắc trong quá trình thực hiện hợp đồng. Cụ thể, một số nơi chậm trễ thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng dẫn đến phải gia hạn thời gian thực hiện làm phát sinh chi phí đầu tư, gia tăng khoản lãi vay trong thời gian thực hiện dự án và làm tăng giá trị các dự án BT.

Kỳ vọng từ cơ chế đặc thù

Nghị quyết 98 ngoài việc cho phép thành phố được áp dụng loại hợp đồng BOT đối với dự án đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu, thành phố còn được áp dụng hình thức hợp đồng BT. Nếu sớm được áp dụng, thành phố có thể triển khai lại nhiều dự án lớn bị đình trệ nhiều năm nay nhờ giải được bài toán rất lớn về thiếu vốn, giảm gánh nặng cho ngân sách.

Nghị quyết 98
Tháng 9/2023, dự án BT đường song hành cao tốc TP. HCM – Long thành – Dầu Giây đã hoàn thành 2/3 và được đưa vào hoạt động

Theo các chuyên gia về giao thông đô thị, để gỡ vướng cho các dự án BT, cần tập trung điều chỉnh ở 2 điểm: tránh chỉ định thầu và đem đấu thầu quỹ đất. Ông Ngô Anh Vũ, Viện trưởng Viện Quy hoạch TP. HCM cho rằng: "Thay vì trước đây chỉ định nhà đầu tư thì bây giờ có thể đem ra đấu giá. Thay vì tách dự án bằng cách đổi đất lấy hạ tầng thì có thể lấy luôn phần đất của dự án để đấu giá. Giá đấu thu được cao hơn sẽ dùng để thanh toán trả cho nhà đầu tư".

Bên cạnh đó, để tránh tình trạng “tiền đã trao nhưng cháo chưa múc", đối với hình thức này, TP. HCM đang tính toán việc sẽ thanh toán lại cho nhà đầu tư sau khi hoàn thành từ 5 - 10 năm.

“Hiện nay Sở Giao thông Vận tải TP. HCM phối hợp cùng các đơn vị liên quan rà soát, đề xuất khoảng 10 dự án đầu tư theo hình thức BT. Như vậy bên cạnh hình thức BOT đang triển khai thì sẽ có thêm nguồn lực xã hội thông qua cơ chế này, giúp đẩy nhanh hoàn thiện cơ sở hạ tầng của thành phố”, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc TCIP chia sẻ.

Được biết, giữa tháng 9 vừa qua, dự án đường song hành cao tốc TP. HCM – Long thành – Dầu Giây (có chiều dài hơn 4km, gồm hai đoạn đường rộng 20m, 4 làn xe) đã hoàn thành 2/3 và được đưa vào hoạt động. Đây là dự án BT hiếm hoi của TP Hồ Chí Minh đã gỡ được vướng và tiếp tục triển khai. Ngay khi được thông xe, tuyến đường đã phần nào chia sẻ tình trạng quá tải diễn ra thường xuyên ngay tại nút giao An Phú dẫn vào cao tốc.

Cùng chuyên mục
Tin khác