Thị trường

Hợp đồng 115 triệu USD của T&T Group với đối tác Mỹ và lời giải cho các doanh nghiệp

(VNF) - Dịch bệnh Covid-19 đang hoành hành khắp thế giới trở thành một lực cản lớn cho hàng loạt ngành, nghề, lĩnh vực. Là một đất nước có thế mạnh về xuất nhập khẩu nông nghiệp và các mặt hàng liên quan, Việt Nam đứng trước nhiều thử thách khi giao thương với bạn hàng Trung Quốc gặp trở ngại. Tuy nhiên, đây cũng là lúc các doanh nghiệp trong nước bắt buộc phải chuyển mình, mở rộng các thị trường mới.

Hợp đồng 115 triệu USD của T&T Group với đối tác Mỹ và lời giải cho các doanh nghiệp

Khi thị trường còn loay hoay giải bài toán đầu ra và nguyên liệu thì T&T Group đã ký xong hợp đồng nông sản 115 triệu USD với đối tác Mỹ (Ảnh minh họa)

Dịch bệnh liên tục “giáng đòn” lên doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi

Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho hay, 2 tháng đầu năm 2020, do chịu tác động khá mạnh bởi dịch Covid-19 nên kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản của Việt Nam giảm 2,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng nông lâm thuỷ sản ước khoảng 4,3 tỷ USD,  cũng giảm 6,7% so với cùng kỳ năm 2019.

Dẫu vậy, những khó khăn hiện tại chưa thể dừng lại. Với việc dịch bệnh Covid-19 đang tiếp tục sẽ tiếp tục diễn biến khó lường trong thời gian tới đây trực tiếp gây ảnh hưởng tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế thế giới.

Chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ bị tắc nghẽn, gián đoạn do Trung Quốc là đối tác cung cấp hàng hóa đầu vào quan trọng với nhiều quốc gia và tập đoàn đa quốc gia trên thế giới. Trung Quốc là thị trường xuất nhập khẩu nông sản hàng đầu thế giới, thế nên, mỗi khi thị trường này “có vấn đề”, ngành nông nghiệp thế giới ngay lập tức bị tác động.

Tuy nhiên, khi dịch lắng xuống, chắc chắn nhu cầu tiêu thụ từ các thị trường sẽ tăng đột biến. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xác định, trong những tháng còn lại của năm 2020, toàn ngành và doanh nghiệp trong nước cần tập trung đẩy mạnh sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản nhằm đảm bảo an ninh lương thực trong nước, tăng cường xuất khẩu, kể cả những thị trường khó tính hiện nay.

Với riêng ngành chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo các doanh nghiệp kiểm soát tốt các dịch bênh, đặc biệt là dịch tả lợn châu Phi, cúm gia cầm để ổn định thị trường và giá cả thịt trong nước.

Một mối quan tâm khác của ngành chăn nuôi là thị trường thức ăn chăn nuôi. Do tác động của dịch bệnh trên động vật và người năm 2019 – 2020, đặc biệt là chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, thị trường thức ăn chăn nuôi, đặc biệt là nguồn nguyên liệu đầu vào thiếu ổn định.

Lo lắng vì nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi (TĂCN) trong nước phụ thuộc quá lớn vào các nguồn nhập khẩu, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ Lê Văn Quyết phân tích, hiện TĂCN đang chiếm từ 70-80% chi phí nuôi con gà công nghiệp. Trong khi đó, giá TĂCN ở Việt Nam vẫn theo đà tăng đều mỗi năm.

Nguyên nhân chủ yếu đều là do giá nguyên liệu TĂCN trên thị trường thế giới tăng. Điều này là rào cản rất lớn để giảm giá thành, tăng lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm chăn nuôi nội địa khi bước vào hội nhập.

Nhưng khi khó khăn chưa biết khi nào kết thúc, chỉ đứng tại chỗ chờ dịch đi qua thì doanh nghiệp có lẽ không tồn tại nổi đến thấy được ngày hết dịch. Vẫn phải chuyển mình quyết liệt, tìm các bạn hàng, hướng nhập khẩu nguyên liệu và xuất khẩu thành phẩm mới giúp doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi qua được cơn “sóng lớn”.

Hợp đồng 115 triệu USD của T&T Group với đối tác Mỹ và lời giải cho các doanh nghiệp

Khi thị trường còn loay hoay giải bài toán đầu ra và nguyên liệu thì T&T Group đã ký xong hợp đồng nông sản 115 triệu USD với đối tác Mỹ về nhập khẩu nông sản. Ngay sau ký kết, 48.000 tấn DDGS trị giá 13 triệu USD đã được đối tác Marquis Energy Global chuyển về Việt Nam. Marquis Energy Global từ lâu được biết đến là Tập đoàn hàng đầu Mỹ về cung cấp các mặt hàng như dầu, ethanol, DDGS, …

Ở thời điểm khó khăn chung của thị trường, nhiều doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi chọn cách “thu mình” chờ thời cơ, một phần vì giá nguyên liệu đang tăng do thiếu nguồn cung từ thị trường thì T&T Group lại mạnh dạn liên kết với đối tác Mỹ. Tất nhiên, doanh nghiệp này có lợi thế khi có công ty con tại Mỹ từ lâu nên thuận lợi trong việc tìm đối tác.

Điều này có ý nghĩa hơn khi lúc này ở trong nước, nông dân đang gặp rất nhiều khó khăn vì TĂCN tăng giá. Trao đổi với báo chí, ông Mai Thanh Diệu - Giám đốc Công ty Dinh dưỡng vật nuôi Việt Nam cho biết công ty đang phải chịu giá nguyên liệu đầu vào cao như ngô, khô đậu tương, bã ngô... Theo đó, giá nhập khẩu về qua các nhà phân phối đều tăng từ 500 - 1.000 đồng/kg.

Trước đây thường nhập về từ Trung Quốc nhưng hiện đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh do virus Corona, đường biên bị đóng tạm thời. Điều này khiến các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi bắt buộc phải nhập sản phẩm qua các đầu mối khác, giá thành bị kéo lên gấp đôi và cũng khó mua được hàng. Thực tế không chỉ tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi trên thế giới cũng đau đầu vấn đề này.

Trong một cuộc họp tháng 3/2020, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường cho rằng “Qua đợt này, chúng ta cần nhìn nhận và xác định tập trung tái cơ cấu vùng hàng hoá, chế biến sâu, liên kết chặt chẽ trong chuỗi giá trị và mở ra nhiều thị trường mới”.

Phát biểu này của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường là cực kỳ “đúng và trúng” trong bối cảnh ngành thức ăn chăn nuôi hiện nay. Doanh nghiệp nếu không chuyển mình “mở ra nhiều thị trường mới” trong cả nhập khẩu nguyên liệu và xuất khẩu thành phẩm đa dạng hơn thì với tình hình thế giới nhiều biến động như hiện nay, chắc chắn, doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi sẽ còn gặp nhiều “cơn sóng gió” trong thời gian tới.

Tin mới lên