Tài chính

IDP muốn huy động 470 tỷ đồng từ phát hành riêng lẻ, dành hơn 42% để trả nợ

(VNF) - Công ty Cổ phần Sữa Quốc tế (UPCoM: IDP) lên kế hoạch phát hành riêng lẻ và dự kiến thu về 470 tỷ đồng, trong đó 200 tỷ đồng dành trả nợ cho BIDV và VietinBank.

IDP muốn huy động 470 tỷ đồng từ phát hành riêng lẻ, dành hơn 42% để trả nợ

Sữa Quốc tế (IDP) muốn huy động 470 tỷ đồng từ phát hành riêng lẻ, dành hơn 42% trả nợ ngân hàng

Theo tài liệu ĐHCĐ thường niên, năm 2023, IDP lên kế hoạch doanh thu thuần đạt 7.141 tỷ đồng, tăng 17% so với mức thực hiện năm 2022. Lợi nhuận trước thuế và lợi nhuận sau thuế mục tiêu đạt lần lượt 976 tỷ đồng và 776 tỷ đồng, tương ứng giảm 1% và giảm 4% so với mức thực hiện năm 2022.

Về kế hoạch phân phối lợi nhuận, cổ tức năm 2022 đã được IDP thanh toán đợt 1 với tỷ lệ 15%/cổ phiếu (1 cổ phiếu được nhận 1.500 đồng); đợt 2 dự kiến uỷ quyền cho HĐQT căn cứ vào kết quả kinh doanh, kế hoạch kinh doanh tại từng thời điểm và đảm bảo tối ưu hóa dòng tiền, được toàn quyền quyết định.

Theo phương án cổ tức được ĐHCĐ thường niên năm 2022 thông qua, IDP dự kiến phân phối lợi nhuận năm 2022 bằng tiền với tỷ lệ 10-50%. Như vậy tối đa, cổ đông của doanh nghiệp này còn có thể nhận cổ tức bằng tiền thêm 35% nữa.

Kế hoạch cổ tức năm 2023 cũng dự kiến được uỷ quyền cho HĐQT quyết định. Hiện doanh nghiệp chưa có phương án cụ thể về việc phân phối lợi nhuận năm 2023.

Bên cạnh kế hoạch kinh doanh và cổ tức, IDP còn dự kiến trình ĐHCĐ thường niên năm 2023 các kế hoạch phát hành cổ phiếu.

Theo đó, IDP lên phương án phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) với số lượng phát hành là hơn 1,1 triệu đơn vị, giá phát hành 10.000 đồng/cổ phiếu. Số lượng cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm kể từ thời điểm phát hành.

Doanh nghiệp cũng trình phương án chào bán cổ phiếu riêng lẻ với số lượng hơn 2,4 triệu đơn vị. Đối tượng chào bán là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp trong và ngoài nước có uy tín, năng lực tài chính, không phải công ty con hay công ty con của cùng công ty mẹ với IDP.

Tương tự phương án phát hành ESOP, toàn bộ số cổ phiếu trong đợt chào bán riêng lẻ này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng tối thiểu 1 năm kể từ ngày hoàn thành đợt phát hành. Giá chào bán dự kiến không thấp hơn giá tham chiếu bình quân của 20 ngày giao dịch liên tiếp trước ngày HĐQT thông qua giá chào bán, và không thấp hơn giá trị sổ sách của IDP tại thời điểm ngày 31/12/2022 là 30.615 đồng/cổ phiếu.

Theo dữ liệu từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), bình quân giá tham chiếu của 20 ngày giao dịch liên tiếp trước ngày 24/3/2023 của IDP là 195.785 đồng/cổ phiếu. Tạm tính theo mức giá này, tổng số tiền thu được từ đợt chào bán riêng lẻ ước tính đạt hơn 470 tỷ đồng.

Trong đó, IDP sẽ dành 230 tỷ đồng để mua nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, kinh doanh; dành 40,8 tỷ đồng để thanh toán chi phí marketing và dành 200 tỷ đồng để trả nợ cho Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank). Số tiền mà IDP dành trả nợ ngân hàng chiếm hơn 42% tổng số tiền huy động được.

Tin mới lên