Tài chính quốc tế

IEA: ‘Nga đã mất khách hàng châu Âu mãi mãi’

(VNF) - Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) Fatih Birol cho rằng châu Âu vẫn là thị trường lớn nhất, khách hàng lớn nhất của Nga và Nga đã mất khách hàng này mãi mãi.

IEA: ‘Nga đã mất khách hàng châu Âu mãi mãi’

Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) Fatih Birol.

“Ngay trước khi xung đột ở Ukraine nổ ra, khoảng 65% xuất khẩu khí đốt và 55% xuất khẩu dầu của Nga sang châu Âu. Cho đến nay, châu Âu là thị trường lớn nhất, khách hàng lớn nhất của Nga và Nga đã mất khách hàng này mãi mãi", ông Birol nói với Euronews hồi cuối tuần qua.

Bình luận trên của ông Birol dường như ám chỉ đến loạt động thái cứng rắn của Liên minh châu Âu (EU) nhằm phản ứng với việc Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Có thể kể đến như lệnh cấm vận dầu mỏ và khí đốt Nga và một nỗ lực rất tốn kém để đa dạng hóa các nhà cung cấp năng lượng, chủ yếu thông qua khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG).

Khi được hỏi liệu Nga có thể thay thế các khách hàng ở châu Âu bằng khách hàng ở các khu vực khác hay không, ông Birol cho rằng điều đó sẽ không dễ dàng vì "một lượng lớn" khí đốt của Nga bắt nguồn từ Tây Siberia và sau đó chảy đến châu Âu qua các đường ống.

Theo giám đốc IEA, việc xây dựng các đường ống mới dẫn khí đốt tới Trung Quốc hay Ấn Độ có thể mất đến 10 năm và cần một lượng đầu tư và công nghệ đáng kể.

“Vì vậy, đối với Nga, việc thay thế thị trường xuất khẩu khí đốt tự nhiên sang châu Âu, trong ngắn hạn, là một giấc mơ viển vông ", ông Birol nói.

Ở động thái liên quan, phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Á-Âu Verona lần thứ 15 ở Baku, Azerbaijan ngày 27/10, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko cho rằng thế giới đang chứng kiến giai đoạn cuối cùng của hành động "tự sát về năng lượng" ở châu Âu.

Theo ông Grushko, sau khi vượt qua những khác biệt về ý thức hệ và bất chấp các trở ngại như các lệnh trừng phạt của Mỹ, Nga và Tây Âu lần đầu tiên thiết lập quan hệ hợp tác năng lượng vào giữa thế kỷ 20 và không bên nào sử dụng hợp tác năng lượng như một công cụ để gây áp lực chính trị hoặc thậm chí quân sự.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga cho rằng giới chức châu Âu có phản ứng kỳ lạ và thờ ơ trước vụ 2 đường ống khí đốt Dòng chảy phương Bắc (Nord Stream) 1 và 2 bị rò rỉ dù đây là "nền tảng của an ninh năng lượng châu Âu".

Trước đó, Mỹ và châu Âu nhiều lần cáo buộc Nga vũ khí hóa nguồn cung năng lượng để gây áp lực nhằm làm suy giảm sự ủng hộ của phương Tây cho Ukraine.

Nga nhiều lần bác bỏ cáo buộc trên, cho rằng chính các lệnh trừng phạt của phương Tây áp lên Moscow mới là nguyên nhân khiến đường ống khí đốt Dòng chảy phương Bắc 1 không thể vận hành như bình thường.

Xem thêm >> Giá khí đốt châu Âu lao dốc mạnh, có lúc về dưới 0 euro

Tin mới lên