Ngân hàng

IFC nâng mức tài trợ thương mại cho 4 ngân hàng tại Việt Nam lên 294 triệu USD

IFC vừa thông báo tăng hạn mức tài trợ thương mại cho 4 ngân hàng đối tác tại Việt Nam (tổng hạn mức mới là 294 triệu USD), giúp các đối tác này nâng cao năng lực đảm bảo rủi ro thanh toán trong tài trợ thương mại cho các công ty trong nước, chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Sáng kiến này hưởng ứng yêu cầu hỗ trợ doanh nghiệp trong nước của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với các ngân hàng thương mại khi các doanh nghiệp có thể bị ảnh hưởng bởi dịch cúm do virus Corona gây ra (COVID-19), đặc biệt là những doanh nghiệp thuộc chuỗi cung ứng và thương mại. 

Ông Mehmet Mumcuoglu, Giám đốc Khối Định chế Tài chính IFC khu vực Đông Á và Thái Bình Dương cho rằng, mức tài trợ thương mại tăng lên sẽ giúp giảm thiểu rủi ro tài trợ thương mại, nhờ đó giảm nhẹ tác động của COVID-19 đối với nền kinh tế Việt Nam và khu vực tư nhân. 

IFC kỳ vọng, hành động này có thể chung tay hỗ trợ những khó khăn về tài trợ thương mại mà các doanh nghiệp Việt Nam có thể gặp phải bởi COVID-19 lan rộng, gây gián đoạn hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam kể từ khi ca nhiễm virus đầu tiên được công bố vào cuối tháng Một. 

Ngoài sự sụt giảm trong ngành du lịch và các dịch vụ liên quan, COVID-19 còn ảnh hưởng đến giao thương qua biên giới, tác động tiêu cực đến ngành sản xuất chế tạo, kinh doanh nông nghiệp và nhiều ngành khác. (Ảnh minh hoạ: Công nhân sắp xếp hàng hoá tại nhà máy sợi- HP).

Để giúp chủ động ứng phó với tình hình, IFC đã hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam bằng việc gia tăng hạn mức tài trợ thương mại cho bốn ngân hàng thương mại đang là khách hàng của IFC, bao gồm Ngân hàng TMCP An Bình, Ngân hàng TMCP Tiên Phong, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam, và Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng. 

Tổng hạn mức mới 294 triệu USD sẽ cho phép các ngân hàng nâng cao năng lực đảm bảo rủi ro thanh toán trong tài trợ thương mại cho các công ty trong nước, chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa.  

Ông Hàn Ngọc Vũ, Tổng giám đốc và thành viên HĐQT Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) cho biết, sáng kiến này của IFC sẽ góp phần giúp các ngân hàng chủ động đối phó với những khó khăn về thanh khoản cũng như xu hướng giảm thiểu rủi ro thường thấy trong giai đoạn đầy thử thách này. 

"Bảo đảm của IFC sẽ giúp các ngân hàng trong nước tăng tài trợ thương mại một cách đáng kể cho nhiều công ty xuất nhập khẩu, trong đó có những công ty gặp khó khăn về tín dụng và phải dựa vào các khoản tài trợ của ngân hàng để bảo đảm dòng tiền và mua nguyên liệu đầu vào”, ông Hàn Ngọc Vũ chia sẻ. 

IFC cũng cho biết sẽ cân nhắc các can thiệp mở rộng khác để tiếp tục hỗ trợ Việt Nam giảm thiểu tác động kinh tế của COVID-19 và giúp duy trì tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ.

Trong Báo cáo của Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) vừa gửi UBND TP.HCM, kiến nghị Uỷ ban chỉ đạo các cơ quan hữu quan nghiên cứu đưa ra những giải pháp tạm thời nhằm giúp doanh nghiệp duy trì sản xuất.

HUBA cho biết, hầu hết doanh nghiệp ở các ngành đều bị giảm sút doanh thu tuỳ theo tính chất ngành hàng, tình hình về nguyên liệu, lao động và đầu ra sản phẩm,..

Rõ nhất là ở những ngành như dệt may, hàng không, du lịch lữ hành, lưu trú, kinh doanh ăn uống, giao dịch ngân hàng, nông nghiệp, xuất khẩu nông sản,…Khả năng những doanh nghiệp nhỏ và vừa sau dịch bệnh sẽ khó khôi phục lại hoạt động bình thường như trước.

"Kiến nghị Thành phố áp dụng các biện pháp khoanh nợ, giãn nợ, chậm nộp thuế, giảm lãi vay ngân hàng, giảm tiền cho thuê đất,bổ sung thêm danh mục ngành nghề vào chương trình kích cầu,…để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn và duy trì mức tăng trưởng kinh tế Thành phố", theo báo cáo của HUBA.

Từ khoá: IFC, VIB, TPBank, VPBank, ABBank, Covid-19,
Tin mới lên