Tài chính quốc tế

Jack Ma và danh sách tỷ phú Trung Quốc lao đao vì cú siết mạnh tay từ Bắc Kinh

(VNF) - Những năm gần đây có lẽ là thời gian khó khăn nhất đối với các tỷ phú Trung Quốc. Liên tiếp các cú đòn đau từ đại dịch Covid-19 cùng với chính sách kiểm soát doanh nghiệp tư nhân chặt chẽ hơn từ chính quyền trung ương ở Bắc Kinh đã thổi bay hàng tỷ USD tài sản của nhiều tỷ phú.

Nhắc đến điều này, người ta nhớ ngay đến tỷ phú Jack Ma, cha đẻ của Alibaba và Ant Group. Sau làn sóng 'trấn áp' ngành công nghệ của chính phủ, Tập đoàn Alibaba Group đã phải chịu án phạt kỷ lục, lên tới 2,8 tỷ USD do vi phạm luật chống độc quyền. Trong khi đó, thương vụ IPO với giá trị dự kiến 35 tỷ USD của Ant Group bất ngờ bị đình chỉ ngay trước khi lên sàn.

Tỷ phú Jack Ma ngấm đòn đau từ hoạt động siết chặt của chính phủ.

Hậu quả là định giá của Ant Group giảm khoảng 75% so với mức định giá ban đầu trong khi giá cổ phiếu Alibaba giảm tới hơn 46%. Tổng thiệt hại của Alibaba và Ant Group lên tới 850 tỷ USD, kéo lùi giá trị tài sản ròng của tỷ phú Jack Ma xuống còn 30 tỷ USD, chưa bằng một nửa giá trị tài sản ở thời kỳ đỉnh cao năm 2020.

Tuy nhiên, Jack Ma chưa phải là người chịu thiệt hại nặng nề nhất sau làn sóng mạnh tay của chính quyền Bắc Kinh. Người sáng lập nền tảng thương mại điện tử Pindoudou, Colin Zheng Huang, đã phải chứng kiến khối tài sản của mình giảm tới 64%, tương đương với 40,2 tỷ USD so với hồi đầu năm 2021.

Mặc dù Pindoudou đã vượt qua Alibaba để trở thành hãng thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc về số lượng khách hàng mỗi năm nhưng ảnh hưởng của các cuộc điều tra chống độc quyền của chính phủ Trung Quốc khiến cổ phiếu Pindoudou giảm tới 21%.

Tencent cũng chung số phận với Alibaba và Ant Group.

Hoạt động kinh doanh của Tencent cũng điêu đứng sau khi truyền thông nhà nước chỉ trích trò chơi điện tử trực tuyến là “ma túy điện tử”. Đây lại là mảng kinh doanh khổng lồ của Tencent nên giá cổ phiếu của tập đoàn này đã nhanh chóng giảm 11%. CEO của tập đoàn, tỷ phú Pony Ma đã thiệt hại 3,2 tỷ USD trong tài sản của mình.

Không riêng các công ty công nghệ, nhiều tập đoàn trong lĩnh vực bất động sản cũng lao đao trước cơn sóng của chính quyền Bắc Kinh. Với mục đích hạ nhiệt thị trường và hạn chế đầu cơ trong lĩnh vực bất động sản, chính phủ Trung Quốc đã đưa ra nhiều ràng buộc về tài chính với chính sách 3 lằn ranh đỏ.

Nếu vượt qua 3 giới hạn đỏ về tài chính đã được chính phủ đề ra, các tập đoàn và công ty bất động sản sẽ không được phép vay thêm tiền từ ngân hàng và tổ chức tài chính. Chính sách này đã đẩy tập đoàn bất động sản lớn nhất Trung Quốc China Evergrande của tỷ phú Hứa Gia Ấn nhanh chóng chìm trong khủng hoảng.

China Evergrande của tỷ phú Hứa Gia Ấn cõng trên lưng khoản nợ khổng lồ.

China Evergrande gánh khoản nợ khổng lồ lên tới hơn 300 tỷ USD. Cùng với đó, gần 800 dự án lớn nhỏ của tập đoàn buộc phải “đắp chiếu”. Tính đến ngày 15/12, giá cổ phiếu của China Evergrande chỉ còn ở mức 0,19 USD/cổ phiếu. Chỉ riêng trong năm 2021, khối tài sản của tỷ phú Hứa Gia Ấn đã mất tới gần 20 tỷ USD.

Sự sụp đổ của China Evergrande giống như một quân bài domino, kéo theo hàng loạt tập đoàn, công ty bất động sản lớn nhỏ khác ở Trung Quốc “đi lùi”. Công ty bất động sản Country Garden của nữ tỷ phú Dương Huệ Nghiên cũng đang đối mặt với nguy cơ vỡ nợ. Tính từ đầu năm đến nay, giá trị cổ phiếu của Country Garden đã giảm 60%. Tài sản của bà Dương Huệ Nghiên theo đó giảm tới 84%, xuống chỉ còn 5,5 tỷ USD so với mức đỉnh 34 tỷ USD vào hồi năm 2021.

Lĩnh vực dạy thêm cũng bị chính quyền Bắc Kinh “gõ đầu”. Giới chức Trung Quốc cho rằng lĩnh vực dạy thêm đang tăng trưởng “quá nóng” với dòng vốn đầu tư ồ ạt, buộc họ phải đưa ra hàng loạt quy định nghiêm ngặt hơn. Trong đó phải kể đến quy định cấm huy động vốn từ nhà đầu tư nước ngoài hay huy động vốn qua niêm yết cổ phiếu.

Nữ tỷ phú Dương Huệ Nghiên mất hàng chục tỷ USD.

Cổ phiếu của công ty cung cấp dịch vụ giáo dục TAL Education ngay lập tức giảm mạnh. Khối tài sản của tỷ phú Zhang Bangxin, người đồng sáng lập kiêm chủ tịch công ty, giảm tới 90%, xuống còn 1,2 tỷ USD. CEO của công ty công nghệ giáo dục Gaotu Techedu, Larry Xiangdong Chen, cũng chịu chung số phận khi rớt khỏi danh sách tỷ phú vì khối tài sản giảm từ 15,8 tỷ USD xuống còn 250 triệu USD trong năm 2022.

Chỉ khoảng 10 năm trước, chính quyền Bắc Kinh gần như “thả nổi” cho các doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là các công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ. Tuy nhiên, khi các doanh nghiệp này phát triển mạnh mẽ và có độ phủ sóng sâu rộng tới các mặt của đời sống xã hội, mọi thứ dần thay đổi. Chính phủ đã đặc biệt chú ý đến những doanh nghiệp này, “cánh tay nhà nước” dần len lỏi vào hoạt động của các doanh nghiệp này và tăng cường kiểm soát đối với họ.

Chính quyền Bắc Kinh đưa ra các chính sách điều chỉnh sâu rộng vào hoạt động của các doanh nghiệp tư nhân.

Không chỉ có những đợt kiểm soát công khai, chính quyền Bắc Kinh còn tạo ra một phương thức mới, âm thầm hơn, để kiểm soát các doanh nghiệp lớn. Những năm gần đây, các cơ quan của chính phủ Trung Quốc đã thâu tóm cổ phần danh nghĩa (thường là 1%), hay còn được gọi là “cổ phiếu vàng”, tại nhiều công ty lớn.

“Cổ phiếu vàng” đã trở thành công cụ đắc lực giúp nhà nước có thể tham gia vào các hoạt động của công ty, từ đó đảm bảo họ tuân thủ theo các mục tiêu của nhà nước. Tính tới năm 2022, cơ quan nhà nước đã có mặt ở khoảng 37% công ty niêm yết tại Thượng Hải và Thâm Quyến.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia hoài nghi rằng thay vì giúp nền kinh tế Trung Quốc “chữa lành” và hồi phục thì sự can thiệp sâu rộng vào doanh nghiệp tư nhân của chính quyền Bắc Kinh lại khiến các nhà đầu tư trở nên “rụt rè” hơn. Theo The Economist, những thay đổi trong mối quan hệ giữa nhà nước và các doanh nghiệp tư nhân có thể là rào cản khiến các nhà đầu tư nước ngoài e ngại.

Tin mới lên