Xe

Khai báo khi gửi hàng: Nỗi lo thông tin cá nhân bị rao bán

(VNF) - Có hiệu lực từ ngày 1/9/2022, Nghị định 47/2022/NĐ-CP sẽ có nhiều thay đổi đáng chú ý mang tính siết chặt hoạt động kinh doanh vận tải. Tuy nhiên, điều này cũng dấy lên những lo ngại về việc thông tin của khách hàng bị lộ và rao bán.

Khai báo khi gửi hàng: Nỗi lo thông tin cá nhân bị rao bán

Nỗi lo thông tin cá nhân bị rao bán khi gửi hàng

Đảm bảo sự minh bạch

Nghị định số 47/2022/NĐ-CP sẽ có hiệu lực từ ngày 1/9 tới, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 10/2020/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Trong đó, có một quy định đang làm dấy lên nhiều tranh cãi, đó là khi ký gửi hàng hóa theo xe ô tô, người gửi phải cung cấp 6 loại thông tin gồm: tên hàng hóa, họ và tên, địa chỉ, số chứng minh nhân dân/căn cước công dân (CMND/CCCD), số điện thoại liên hệ của người gửi và người nhận, cân nặng (không bắt buộc).

Nhiều doanh nghiệp vận tải cho rằng điều này là rất cần thiết nhằm đảm bảo minh bạch, an toàn về loại hàng hóa, nguồn gốc gửi - nhận, loại bỏ tối đa nguy cơ bị truy cứu trách nhiệm oan của nhà xe. Tuy nhiên, một số bộ phận người dân lại băn khoăn, lo ngại xảy ra tình trạng lợi dụng thông tin cá nhân để trục lợi.

Trao đổi với Tạp chí Đầu tư Tài chính, ông Phan Bá Mạnh, CEO Công ty Cổ phần công nghệ An Vui, doanh nghiệp phát triển nền tảng quản lý nhà xe thông minh Anvui, cho biết vận tải hàng hoá hiện nay đang là lĩnh vực vô cùng quan trọng trong việc thúc đẩy nền kinh tế, tuy nhiên, khe hở của vận tải đang tạo ra rất thách thức về mặt pháp lý. Nếu không quản lý được thông tin của người gửi thì việc quy trách nhiệm (nếu vận chuyển hàng lậu, hàng cấm…) sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc truy xuất nguồn gốc sau này.

“Tôi hoàn toàn ủng hộ việc quy định người gửi hàng hoá cần phải cung cấp thông tin để phục vụ cho công tác truy xuất thông tin sau này nếu có vấn đề xảy ra. Đây là chủ trương đúng đắn giúp cho việc kinh doanh lưu thông hàng hoá trở nên minh bạch hơn trong tương lai”, CEO Anvui Phan Bá Mạnh nói.

Việc người tiêu dùng lo ngại thông tin cá nhân bị lộ, bị trục lợi, CEO Anvui cho rằng ở đây cần phải xét đến yếu tố pháp lý về bảo mật thông tin. Thứ nhất, nền tảng công nghệ hay công cụ mà đơn vị vận tải đang sử dụng có đủ uy tín để quản lý thông tin, đáp ứng được yêu cầu về bảo mật hay không. Thứ hai là các chế tài về mặt pháp lý dành cho các đơn vị kinh doanh vận tải. Trường hợp nếu đơn vị vận tải đang nắm giữ thông tin của khách hàng để lộ thông tin ra ngoài, vi phạm vào cam kết thì sẽ bị xử lý thế nào.

“Không riêng gì ở lĩnh vực vận tải hàng hoá, người dùng cũng cần cẩn thận hơn về thông tin cá nhân của mình khi tham gia vào các dịch vụ khác trên internet như mua hàng trực tuyến, mạng xã hội… Tôi cho rằng việc đưa thông tin của mình vào ký gửi hàng hoá ít rủi ro hơn việc mọi người đăng ký thông tin trên các trang mạng xã hội. Bởi ở đây chúng ta biết chính xác đơn vị nào làm rò rỉ thông tin ra bên ngoài”, ông Phan Bá Mạnh nói.

Hoạt động lâu năm trong lĩnh vực thông tin công nghệ, CEO Anvui đánh giá vấn đề về bảo mật thông tin người dùng hiện nay chưa được đặt đúng vị trí, chưa được xử lý một cách triệt để, chưa có chế tài xử lý đủ răn đe và vẫn còn tình trạng rao bán thông tin cá nhân công khai trên internet.

Ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội, cho biết ông hoàn toàn ủng hộ việc phải khai báo đầy đủ thông tin khi ký gửi hàng hóa theo xe ô tô. Theo ông, về mặt nguyên tắc, khi gửi hàng hoá là phải cung cấp đầy đủ thông tin để bên vận chuyển có thể chuyển hàng. Bởi giao kết chuyển hàng là phải ký hợp đồng giữa bên chuyển và bên gửi, giữa bên nhận và bên giao. Việc cung cấp thông tin này giúp tránh rủi ro trong việc giao nhận nhầm hàng hoá, bồi thường thiệt hại nếu xảy ra sự cố ngoài ý muốn.

Về việc lo ngại xảy ra tình trạng lợi dụng thông tin cá nhân để trục lợi, ông Hùng đưa ra lời khuyên: khi gửi hàng hoá, người gửi cần lựa chọn những đơn vị vận chuyển uy tín, đồng thời cũng nên có những giao kết thật chặt chẽ về việc bảo mật thông tin của bên vận chuyển đối với bên gửi trước khi làm hợp đồng ký kết.

Cùng chung quan điểm, ông Nguyễn Tương, Phó tổng thư ký Hiệp hội logistics Việt Nam (VLA), cũng cho rằng việc cung cấp thông tin khi ký gửi hàng hóa nhằm đảm bảo sự minh bạch và tránh những phiền phức xảy ra sau này. “Đã là nghị định thì chúng ta phải thực hiện. Không chỉ riêng đường bộ, kinh doanh vận tải đường biển cũng có các quy định chặt chẽ về vận chuyển hàng hoá như yêu cầu phải khai báo đầy đủ các thông tin liên quan như: tên hàng hoá, đơn vị cung cấp, tên người gửi, người nhận, tên công ty, số điện thoại liên hệ…”, ông Nguyễn Tương nói.

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Bùi Đình Ứng (Đoàn luật sư TP. Hà Nội), cho rằng việc cung cấp các thông tin trong ký gửi hàng hoá vận tải theo ô tô là điều đương nhiên. Thậm chí nếu hàng hoá thuộc doanh nghiệp thì cần phải có chứng từ hoá đơn hoặc các giấy tờ xuất kho kèm theo để chứng minh nguồn gốc hàng hoá. “Việc minh bạch thông tin không chỉ giúp bảo vệ doanh nghiệp, đồng thời cũng bảo vệ người gửi trong trường hợp xảy ra các tranh chấp liên quan tới pháp luật”, ông nói.

“Đối với việc thông tin người gửi bị rò rỉ, lộ, trách nhiệm chính ở thuộc về nhà vận chuyển. Hiện nay chúng ta có rất nhiều luật, nghị định, quy định về việc bảo mật thông tin người dùng, tuy nhiên, việc thực thi thế nào lại là câu chuyện khác. Chúng ta chưa có các biện pháp hữu hiệu để xử lý triệt để việc lợi dụng các thông tin cá nhân của người dùng, hay nói đúng hơn là bất lực trước tình trạng này”, luật sư Ứng nói và lưu ý rằng các đơn vị vận chuyển cần giữ bí mật thông tin của khách hàng và doanh nghiệp vận tải không được phép chia sẻ thông tin khách hàng cho bên thứ ba, trừ trường hợp luật có quy định.

Người dân bất an

Trong khi nhiều doanh nghiệp vận tải đồng thuận về chủ trương này, một số khác lại cho rằng việc cung cấp số CMND/CCCD là không cần thiết và không nên, chỉ riêng việc cung cấp số điện thoại cũng đủ gây nhiều phiền phức cho khách hàng. Bởi hiện nay rất nhiều người phải nhận những cuộc gọi quảng cáo bất động sản, lừa đảo tài chính… mà không hiểu vì sao đối tượng gọi đến có được số điện thoại của mình.

Anh Nguyễn Hoài An (quê Thanh Hoá, sinh sống tại khu đô thị The Terra An Hưng, Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ việc yêu cầu người gửi cung cấp thông tin là bình thường, tuy nhiên, việc yêu cầu cung cấp cả số CMND/CCCD thì cần phải xem xét lại. Bởi chỉ cần với loại giấy tờ cơ bản này, chủ hàng có thể bị lợi dụng vào những việc phi pháp khác.

“Hiện nay, thông tin cá nhân của người dân đang được rao bán ở nhiều nơi theo cách này hay cách khác. Với những thông tin cung cấp cụ thể, chính xác như số điện thoại, số CMND/CCCD, tội phạm có thể lợi dụng để làm giả giấy tờ, tài khoản ngân hàng, xâm nhập vào các tài khoản cá nhân người dùng, tạo ra các hậu quả khó lường, nghiêm trọng hơn là có thể liên quan tới pháp luật. Lúc đó doanh nghiệp vận tải có chối bỏ vai trò của mình hay không, cơ quan chức năng liệu có tìm ra được người làm lộ, lọt thông tin của tôi hay không”, anh Hoài An đặt vấn đề.

Chị Nguyễn Thị Thu Phương (Mễ Trì, Hà Nội) cũng cho rằng việc cung cấp số CMND/CCCD sẽ dẫn tới nhiều hệ luỵ khó lường. “Như chúng ta đã biết, thời gian qua lực lượng công an nhiều lần cảnh báo về việc tội phạm dùng thông tin cá nhân, hình ảnh CCCD/CMND của người dân để làm chuyện phạm pháp, đồng thời đưa ra khuyến cáo người dân tuyệt đối không cho người lạ mượn, chụp CCCD/CMND; không được cầm cố CCCD/CMND cho các cơ sở cầm đồ hoặc đối tượng cho vay tín dụng đen; không đăng tải, chia sẻ CCCD/CMND lên mạng xã hội... Như vậy, liệu chúng ta có thể tin tưởng doanh nghiệp sẽ không bán dữ liệu của mình cho bên thứ 3 hay không”, chị Phương nói.

Tin mới lên