Khó hoàn thành 100% kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công

Mạnh Bôn - 15/01/2018 13:30 (GMT+7)

Kết thúc năm 2017, vốn đầu tư công cho xây dựng cơ bản đã giải ngân được 89,5% kế hoạch năm. Mặc dù đến ngày 31/1/2018 mới kết thúc giải ngân đầu tư công năm 2017, nhưng theo ông Vũ Đức Hiệp, Vụ trưởng Vụ Kiểm soát chi (Kho bạc Nhà nước), rất khó hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2017.

VNF
Khó hoàn thành 100% kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công. (Ảnh minh họa)

PV: Phải đến cuối tháng 1/2018 mới "khóa sổ" giải ngân vốn đầu tư công năm 2017. Vì sao ông nhận định, giải ngân vốn đầu tư công năm 2017 khó có thể hoàn thành 100% kế hoạch?

Ông Vũ Đức Hiệp: Trong 12 tháng năm 2017, giải ngân vốn đầu tư công đạt 89,5% kế hoạch và phải đến 31/1/2018 mới kết thúc giải ngân vốn đầu tư công năm 2017. Nhưng thực tế là chưa năm nào hoàn thành 100% kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công, năm nào cũng phải chuyển nguồn vốn đầu tư công sang năm sau.

Vì vậy năm nay, dù Chính phủ, các bộ ngành, địa phương, chủ đầu tư rất quyết liệt trong việc đẩy mạnh tiến độ thi công, quyết toán khối lượng hoàn thành công trình, dự án, nhưng cũng khó có thể hoàn thành 100% kế hoạch vì phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nhau.

Riêng đối với Kho bạc Nhà nước, chúng tôi cam đoan bất cứ khi nào chủ đầu tư, đơn vị thi công có khối lượng thực hiện được nghiệm thu, hồ sơ thanh toán đầy đủ gửi tới kho bạc có thể được giải ngân ngay trong ngày làm việc, tối đa cũng không quá 3 ngày làm việc, thay vì 5-7 ngày như trước đây.

Ông Vũ Đức Hiệp, Vụ trưởng Vụ Kiểm soát chi (Kho bạc Nhà nước).

PV: Giải thích về việc chậm giải ngân vốn đầu tư công, có ý kiến cho rằng có nguyên nhân khách quan, trong đó có công trình bị ảnh hưởng bởi thời tiết. Theo ông, đây có phải là nguyên nhân?

Ông Vũ Đức Hiệp: Đúng là chưa năm nào thời tiết lại diễn biến bất thường như năm nay. Không chỉ trong thời gian xảy ra mưa bão, lũ lụt, các công trình giao thông, thủy lợi, công trình xây dựng ngoài trời phải dừng lại, mà sau thời gian mưa bão, lũ lụt xảy ra phải mất khá nhiều thời gian để khắc phục hậu quả thì công trình mới có thể tiếp tục thi công. Công trình phải kéo dài thời gian thi công, kéo dài thời gian hoàn thành khối lượng nên việc giải ngân chậm là bất khả kháng.

Giải ngân vốn đầu tư chậm do thiên nhiên, thời tiết chỉ là một nguyên nhân, còn có nguyên nhân quan trọng nữa là Luật Đầu tư công quy định rất chặt chẽ quy trình thẩm tra báo cáo kinh tế kỹ thuật, xây dựng dự án, xây dựng báo cáo nghiên cứu khả thi, thẩm định nguồn vốn, thẩm định dự toán, thẩm định thiết kế, thẩm định phòng cháy, chữa cháy, đánh giá tác động môi trường…

PV: Quy định vậy thì mới bảo đảm quản lý chặt chẽ nguồn vốn, bảo đảm dự án đã quyết định đầu tư phải có nguồn lực thực hiện, góp phần chấm dứt tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả… thưa ông?

Ông Vũ Đức Hiệp: Luật Đầu tư công có hiệu lực từ năm 2015, nhưng phải đến cuối năm 2016 (ngày 10/11/2016) Quốc hội mới thông qua Nghị quyết 26/2016/QH14 về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, tức là phải đến năm 2017 mới có mục tiêu, định hướng đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020; tổng mức vốn đầu tư trung hạn giai đoạn 2016-2020; nguyên tắc phân bổ kế hoạch vốn giai đoạn 2016-2020; thứ tự ưu tiên trong phân bổ vốn giai đoạn 2016-2020; và các giải pháp triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.

Luật Đầu tư công bảo đảm quản lý nguồn vốn chặt chẽ, bảo đảm dự án đã quyết định đầu tư phải có nguồn lực thực hiện. Luật Đầu tư công sẽ chấm dứt được tình trạng đầu tư dàn trải (nếu trong giai đoạn 2011-2015 có trên 29.000 dự án đầu tư công thì giai đoạn 2016-2020 chỉ còn khoảng 11.000 dự án), lãng phí, kém hiệu quả; chấm dứt tình trạng đầu tư theo cảm tính, ngẫu hứng; chấm dứt tình trạng công trình, dự án xây dựng dở dang do thiếu vốn hoặc hoàn thành xong, quyết toán xong "đắp chiếu" vì không phù hợp; chấm dứt tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản…

Lập, thẩm định, phân bổ và giao kế hoạch vốn đầu tư công theo Luật Đầu tư công được quản lý chặt chẽ, công khai, minh bạch theo đúng các tiêu chí, định mức đã tránh được phiền hà, nhũng nhiễu, tiêu cực trong đầu tư công.

PV: Vậy theo ông, làm thế nào để khắc phục tình trạng giải ngân chậm vốn đầu tư công?

Ông Vũ Đức Hiệp: Một vài năm đầu triển khai Luật Đầu tư công, các bộ, ngành, địa phương, chủ đầu tư chưa quen với các quy định, thủ tục, quy trình chặt chẽ trong việc xây dựng báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi; lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư; lập, thẩm định, quyết định chương trình, dự án đầu tư công; quản lý, sử dụng vốn đầu tư công… nên còn bỡ ngỡ, mất nhiều thời gian, nhưng sau vài năm sẽ quen dần.

Thực tế cho thấy, trong 7 tháng đầu năm, giải ngân vốn đầu tư công chỉ đạt 25,6% dự toán năm 2017, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước, nhưng sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 70/NQ-CP (ngày 3/8/2017) với nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ, đồng thời tháo gỡ các vướng mắc phát sinh, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đã đẩy lên rất nhanh, đặc biệt là 3 tháng cuối năm.

Vì vậy, trong thời gian chưa sửa Luật Đầu tư công, các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 70/NQ-TW, thì việc giải ngân vốn đầu tư công không có trở ngại. Tất nhiên, hoàn thành 100% kế hoạch vốn đầu tư công hằng năm là rất khó, vì nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do thiên nhiên, thời tiết bất khả kháng.

Theo Đầu tư
Cùng chuyên mục
Tin khác