Tài chính

Khoản đầu tư 12.600 tỷ của PVN vào Lọc hóa dầu Nghi Sơn mất gần nửa giá trị sau một năm rưỡi

(VNF) - Khoản đầu tư hơn 12.600 tỷ của PVN vào Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã mất 45% giá trị chỉ sau một năm rưỡi. Trên thực tế, PVN gặp không ít khó khăn liên quan đến dự án này.

Khoản đầu tư 12.600 tỷ của PVN vào Lọc hóa dầu Nghi Sơn mất gần nửa giá trị sau một năm rưỡi

Khoản đầu tư 12.600 tỷ của PVN vào Lọc hóa dầu Nghi Sơn mất gần nửa giá trị chỉ sau một năm rưỡi

Trích lập dự phòng gần 5.800 tỷ đồng cho khoản đầu tư vào Lọc hóa dầu Nghi Sơn

Báo cáo tài chính riêng lẻ bán niên 2019 đã kiểm toán vừa được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) gửi đến Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cho thấy, khoản đầu tư của PVN vào Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn - đơn vị quản lý, vận hành nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn - tiếp tục ghi nhận tín hiệu tài chính kém khả quan.

Theo đó, lũy kế đến hết tháng 6/2019, PVN đã phải trích lập dự phòng tới 5.785 tỷ đồng cho khoản đầu tư này. So với giá gốc đầu tư là 12.669 tỷ đồng, lượng trích lập dự phòng đã chiếm tới 45%. Giá trị hợp lý của khoản đầu tư chỉ còn 6.884 tỷ đồng.

Nhìn lại, hồi đầu năm 2018, PVN mới chỉ trích lập dự phòng 540.000 đồng cho khoản đầu tư này nhưng đến cuối năm 2018, lượng trích lập đã lên đến 2.875 tỷ đồng và vọt lên 5.785 tỷ đồng vào cuối tháng 6/2019.

Trên thực tế, PVN gặp không ít khó khăn liên quan đến dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn.

Theo một báo cáo của PVN, năm 2018, Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn lỗ kế hoạch 1.379 tỷ đồng, doanh thu đạt 29.323 tỷ đồng, chỉ hoàn thành 18% kế hoạch năm.

PVN cho biết đang gặp khó trong việc bù thuế do bao tiêu sản phẩm dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn. Cụ thể, thuế nhập khẩu dầu từ ASEAN hiện nay (0%) đã thấp hơn giá trị ưu đãi cho Lọc dầu Nghi Sơn.

Trong khi đó, theo thỏa thuận giữa Chính phủ (do PVN thay mặt ký với liên doanh nhà đầu tư), dự án Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn không chỉ được áp giá bán buôn các sản phẩm của mình tại cổng nhà máy bằng với giá xăng dầu nhập khẩu mà còn được cộng vào giá bán thêm thuế nhập khẩu 7% với các sản phẩm xăng dầu, 3% đối với các sản phẩm hóa dầu (polypropylen, benzen... ).

Đặc biệt, theo thỏa thuận với liên danh nhà đầu tư lọc dầu Nghi Sơn, trong 10 năm, nếu Việt Nam giảm thuế nhập khẩu xuống thấp hơn mức ưu đãi kể trên, PVN sẽ có trách nhiệm bù cho Lọc dầu Nghi Sơn số tiền chênh lệch này.

PVN cho hay tập đoàn gặp rất nhiều khó khăn trong việc bù thuế do bao tiêu sản phẩm của dự án nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn.

Năm 2019, theo kế hoạch đặt ra hồi đầu năm, PVN dự kiến phải ghi nhận 84.304 tỷ đồng doanh thu từ bao tiêu sản phẩm cho Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, chiếm tới 2/3 tổng doanh thu kế hoạch.

Được biết, tỷ lệ sở hữu của PVN tại Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn là 25%.

Gửi ngân hàng 140.000 tỷ đồng

Báo cáo tài chính riêng lẻ bán niên 2019 của PVN cũng hé lộ nhiều thông tin tài chính đáng chú ý.

Theo đó, nửa đầu năm 2019, PVN đạt doanh thu thuần hơn 47.400 tỷ đồng, doanh thu tài chính hơn 16.100 tỷ đồng.

Đáng chú ý, lợi nhuận trước thuế đạt 12.209 tỷ đồng, giảm 35% so với cùng kỳ năm ngoái. Việc tăng trích lập dự phòng đối với khoản đầu tư vào Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn là nguyên nhân quan trọng dẫn đến sự suy giảm này.

Tính đến hết ngày 30/6/2019, tổng tài sản của PVN đạt trên 500.000 tỷ đồng, được hình thành từ gần 380.000 tỷ đồng vốn chủ sở hữu, còn lại là nợ phải trả.

Lượng tiền gửi khách hàng của PVN tiếp tục gia tăng trong nửa đầu năm 2019, đạt 139.948 tỷ đồng. Trong đó, 5.430 tỷ đồng là tiền gửi không kỳ hạn, 3.757 tỷ đồng là tiền gửi có kỳ hạn không quá 3 tháng và trên 130.761 tỷ đồng là tiền gửi có kỳ hạn từ trên 3 tháng đến 12 tháng.

Dữ liệu 5 năm rưỡi gần đây cho thấy, tiền gửi ngân hàng của PVN liên tục tăng, có xu hướng dịch chuyển rõ rệt từ tiền gửi có kỳ hạn không quá 3 tháng sang tiền gửi có kỳ hạn từ trên 3 tháng đến 12 tháng.

Tin mới lên