Tài chính

Khoáng sản FECON giảm kế hoạch doanh thu, lợi nhuận do ảnh hưởng dịch Covid-19

Từ mục tiêu 800 tỷ đồng, Khoáng sản FECON đã điều chỉnh giảm 25% kế hoạch doanh thu, xuống mức thấp nhất trong 4 năm gần đây. Dịch Covid-19 là nguyên nhân được lãnh đạo công ty nêu ra.

Khoáng sản FECON giảm kế hoạch doanh thu, lợi nhuận do ảnh hưởng dịch Covid-19

Dịch Covid-19 tác động đến hoạt động kinh doanh của FECON Mining.

Công ty Cổ phần Khoáng sản FECON (mã FCM) vừa họp HĐQT và quyết định điều chỉnh giảm 25% cả hai chỉ tiêu kế hoạch năm 2020. Doanh thu hợp nhất kế hoạch giảm từ 800 tỷ đồng xuống 600 tỷ đồng. Đồng thời, lợi nhuận sau thuế cũng giảm còn 36 tỷ đồng, thấp hơn 24% so với kết quả đạt được năm 2019. Với mục tiêu trên, năm 2020 dự kiến sẽ là năm có doanh thu thấp nhất của doanh nghiệp này kể từ năm 2016 tới nay.

Nghị quyết của HĐQT không nêu rõ lý do cắt giảm kế hoạch kinh doanh. Tuy nhiên, kết quả đạt được trong 9 tháng đầu năm của Khoáng sản FECON cũng đã giải thích phần nào.

Hoạt động chính của công ty bao gồm khai thác khoáng sản và sản xuất và kinh doanh bê tông, cọc… phục vụ cho các công trình dự án. Riêng trong quý III vừa qua, doanh thu hoạt động kinh doanh chính giảm 25%. Cùng đó, nhiều khoản chi phí cũng tăng; biên lãi gộp cũng chỉ xấp xỉ 11,5% trong khi cùng kỳ mỗi 100 đồng doanh thu mang lại tới 14,3 đồng lãi gộp. Lợi nhuận sau thuế quý III do vậy giảm hơn một nửa còn 7,03 tỷ đồng. Giải trình về kết quả này, ông Phạm Trung Thành, Giám đốc công ty, cho biết tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp đã khiến các dự án lớn dừng thi công theo Chỉ thị của Thủ tướng về cách ly toàn xã hội.

Thêm cú rơi sâu của quý III, kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm giảm tới hơn 30%. Doanh thu thuần đến nay đạt hơn 403 tỷ đồng, giảm 30% so với cùng kỳ và mới chỉ hoàn thành 67% kế hoạch. Mục tiêu lợi nhuận cũng không khá hơn khi mới chỉ 27,7 tỷ đồng lãi ròng, giảm 35% so với cùng kỳ năm trước và hoàn thành 77% kế hoạch sau điều chỉnh.

Từ đầu năm đến nay, quy mô tài sản của Khoáng sản FECON cũng có xu hướng giảm nhẹ, xấp xỉ 815,5 tỷ đồng vào ngày 30/9. Các khoản vay nợ ngân hàng cũng thu hẹp so với với trước. Hiện vốn điều lệ của công ty vẫn duy trì ở mức 410 tỷ đồng. Sau thương vụ M&A cách đây 2 năm, Công ty Cổ phần Đầu tư Phan Vũ, một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thi công cọc nền móng và bê tông đúc sẵn, tiếp tục là cổ đông lớn nhất sở hữu 51% cổ phần. Công ty Cổ phần FECON hiện nắm 10,95% vốn điều lệ doanh nghiệp này.

Tin mới lên