Tài chính

Khối tài sản hơn 500.000 tỷ của PVN thay đổi ra sao trong năm nay?

(VNF) - Tính đến hết ngày 30/6/2020, tổng tài sản của PVN ở mức 503.620 tỷ đồng, giảm 1,7% so với hồi đầu năm.

Khối tài sản hơn 500.000 tỷ của PVN thay đổi ra sao trong năm nay?

Khối tài sản hơn 500.000 tỷ của PVN thay đổi ra sao trong năm nay?

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) mới đây đã công bố báo cáo tài chính riêng lẻ kiểm toán bán niên 2020. Báo cáo này vừa được hoàn thành trong tháng 11/2020.

Theo đó, tính đến hết ngày 30/6/2020, tổng tài sản của PVN ở mức 503.620 tỷ đồng, giảm 1,7% so với hồi đầu năm.

Chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng tài sản của tập đoàn này là các khoản đầu tư tài chính dài hạn với 162.479 tỷ đồng, giảm 3,2% sau 6 tháng.

Đi sâu hơn, các khoản đầu tư vào công ty con có tổng giá gốc 155.979 tỷ đồng, giảm không đáng kể trong nửa đầu năm. Tuy nhiên, lượng dự phòng cho các khoản đầu tư này lại tăng khá mạnh lên 6.268 tỷ đồng, tương đương tăng 27%, chủ yếu do gia tăng 1.232 tỷ đồng dự phòng cho khoản đầu tư vào Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn.

Trong khi đó, các khoản đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết có tổng giá gốc 25.679 tỷ đồng, thay đổi không đáng kể. Tuy nhiên, lượng dự phòng tính đến cuối tháng 6/2020 lại lên đến 13.336 tỷ đồng, tăng tới 44% sau 6 tháng và chiếm hơn nửa tổng giá gốc.

Bên cạnh các khoản đầu tư tài chính dài hạn, các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn cũng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng tài sản của PVN. Giá trị các khoản đầu tư này đến cuối tháng 6/2020 là 131.412 tỷ đồng, giảm 3% so với đầu năm. Toàn bộ là tiền gửi có kỳ hạn trên 3 tháng đến 12 tháng, trong đó, 54.583 tỷ đồng là quy thu dọn mỏ giữ hộ các nhà thầu dầu khí.

Ngoài ra, tài sản của PVN cũng tập trung ở các tài sản dở dang dài hạn (80.792 tỷ đồng, tăng 2,8%), các khoản phải thu ngắn hạn (59.676 tỷ đồng, giảm 7,2%)...

Báo cáo tài chính kiểm toán bán niên 2020 cũng tiết lộ kết quả kinh doanh của PVN trong nửa đầu năm. Theo đó, doanh thu thuần của tập đoàn này đạt 36.572 tỷ đồng, giảm 23% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu do giảm bao tiêu xăng dầu cho Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn.

Sau khi trừ đi giá vốn, lợi nhuận gộp còn lại là 1.762 tỷ đồng, giảm 6,6%.

Đáng chú ý, trong kỳ, doanh thu tài chính của PVN giảm tới 40% xuống 9.692 tỷ đồng, chủ yếu do giảm cổ tức và lợi nhuận được chia.

Trong khi đó, chi phí tài chính lại tăng mạnh 59% lên 8.729 tỷ đồng, chủ yếu tăng trích lập dự phòng giảm giá các khoản đầu tư (phần lớn là tăng trích lập dự phòng cho khoản đầu tư vào Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn), cùng với đó, ghi nhận thêm khoản lỗ lớn do chênh lệch tỷ giá.

Chốt 6 tháng năm 2020, lợi nhuận trước thuế của PVN đạt 2.391 tỷ đồng, giảm tới 80% so với cùng kỳ năm ngoái.

Mặc dù suy giảm nhưng trong bối cảnh tình hình các tập đoàn dầu khí thế giới thua lỗ, thậm chí phá sản do "khủng hoảng kép" khi giá dầu sụt sâu cộng hưởng với tác động tiêu cực của dịch Covid-19, việc PVN vẫn đạt lợi nhuận dương có thể coi là đáng khích lệ.

Tin mới lên