Khởi tố nhân viên ngân hàng tại TP. HCM rút tiền của khách

Trần Lê - 23/10/2020 17:21 (GMT+7)

(VNF) - Ngày 23/10, Cơ quan Cảnh sát Điều tra - Công an TP. HCM đã tống đạt quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Thị Minh Quyên (SN 1990, ngụ quận 11 TP. HCM) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Do đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi, Quyên được tại ngoại, cấm đi khỏi nơi cư trú.

VNF
Khởi tố nhân viên ngân hàng tại TP. HCM rút tiền của khách (ảnh minh họa)

Theo điều tra, từ tháng 12/2018, Quyên được phòng giao dịch giao nhiệm vụ tiếp xúc khách hàng, thực hiện các giao dịch mở tài khoản, mở thẻ, nộp tiền mặt, rút tiền mặt, mở sổ tiết kiệm, rút tiền từ sổ tiết kiệm, cho vay theo sổ tiết kiệm. 
 
Dù việc giao dịch được ngân hàng quy định cụ thể nhưng trên thực tế tại phòng giao dịch, tất cả các giao dịch rút tiền, kiểm soát viên không xem xét ký duyệt chứng từ, kiểm tra thông tin người rút tiền để ký chứng từ trước khi thực hiện giao dịch mà chỉ duyệt trên hệ thống máy tính để giao dịch viên in chứng từ ra.

Giao dịch viên tự ký chứng từ cùng khách hàng và thực hiện việc chi tiền. Đến cuối tuần hoặc cuối tháng, khi kiểm soát viên và thủ quỹ rảnh sẽ tập hợp toàn bộ các chứng từ này để ký một lượt. Chính việc thực hiện không đúng quy trình, quy định của phòng giao dịch đã tạo điều kiện thuận lợi cho đối tượng Quyên lập khống nhiều chứng từ rút tiền từ 12 sổ tiết kiệm của 11 khách hàng, chiếm đoạt hơn 4,4 tỷ đồng. 
 
Cơ quan điều tra xác định, để thực hiện hành vi trên, khi phát hành sổ tiết kiệm cho khách hành, Quyên tiến hành photo thêm sổ để lưu trữ riêng. Khi có nhu cầu rút tiền để sử dụng, Quyên kiểm tra, lựa chọn các sổ tiết kiệm có thời gian đáo hạn xa để tránh bị phát hiện khi khách hàng đến tất toán hoặc đáo hạn.
 
Thông qua hệ thống phần mềm Branch Teller của ngân hàng, Quyên đăng nhập thông tin khách hàng, số tiền tương ứng thì phần mềm sẽ in giấy rút tiền tiết kiệm. Cũng từ hệ thống lưu trữ thông tin khách hàng, Quyên xem chữ ký mẫu của khách hàng rồi giả chữ ký, ký tên vào phần "chủ sở hữu" và ký tên Quyên vào phần giao dịch viên.
 
Tiếp đó, Quyên cập nhật thông tin giao dịch rồi rút tiền và photo sổ tiết kiệm của khách mà Quyên đã giữ lại từ trước đó. Hoàn tất các thủ tục, Quyên lấy số tiền tương ứng từ quỹ giao dịch hàng ra. Giấy rút tiền tiết kiệm và bản photo sổ tiết kiệm được Quyên tập hợp cùng các chứng từ khác trong ngày để phục vụ đối chiếu, kiểm quỹ cuối ngày và lưu trữ.
 
Quyên đã thực hiện nhiều lần rút tiền của khách theo phương thức trên với số tiền từ 50 triệu đồng cho đến 850 triệu đồng. Do thiếu kiểm soát nên dù khách không đến rút tiền, không có bản chính sổ tiết kiệm nhưng kiểm soát viên vẫn phê duyệt trên hệ thống máy tính bổ sung chứng từ để Quyên rút tiền và chiếm đoạt tài sản.
 
Kể từ ngày 17/1/2019 đến 19/12/2019, Quyên đã giả chữ ký của khách và thực hiện giao dịch rút tiền từ 12 sổ tiết kiệm, chiếm đoạt 4,4 tỷ đồng. 
 
Sau khi sự việc vỡ lở, Công an vào cuộc điều tra thì Quyên khai nhận. Quyên nói, số tiền chiếm đoạt được sử dụng cho mục đích cá nhân, gia đình. Vì tiêu nhiều nên hiện không có tiền để khắc phục hậu quả.

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.