Tài chính quốc tế

Khủng hoảng lương thực: Toàn cầu lo thiếu gạo, cà chua tăng giá 3,5 lần, hành củ đắt kỷ lục

(VNF) - Liên tiếp những cú sốc như chiến sự Nga - Ukraine, đại dịch Covid-19 hay biến đổi khí hậu đã khiến an ninh lương thực toàn cầu rơi vào tình trạng đáng báo động.

Chuyện gì đang xảy ra?

Mới đây, Ấn Độ ra lệnh hạn chế xuất khẩu gạo trắng cùng cám gạo đã tách dầu nhằm ổn định giá bán lẻ trong nước. Theo sau Ấn Độ, hai quốc gia khác là Nga và Dubai cũng đã thông báo ngừng xuất khẩu gạo ra nước ngoài.

Kể từ tháng 12 năm ngoái, đã có tới 19 quốc gia áp đặt lệnh cấm xuất khẩu lương thực và 8 quốc gia áp dụng các biện pháp hạn chế xuất khẩu, theo thống kê của Ngân hàng Thế giới.

Cùng với đó, Nga đưa ra quyết định rút khỏi Thỏa thuận Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen khiến giá lúa mì, ngô và đậu tương cũng tăng lên đáng kể. Liên tiếp các “đòn đau” đã khiến thị trường giá gạo toàn cầu “nhảy múa”. Giá gạo xuất khẩu của Thái Lan đạt mức 605 - 610 USD/tấn, mức cao nhất trong vòng 11 năm trở lại đây của gạo Thái Lan.

Giá gạo liên tục leo thang trong thời gian qua.

Người dân tại nhiều quốc gia còn phải xếp hàng để có thể mua được lượng gạo giới hạn nhằm đề phòng nguồn cung khan hiếm và giá gạo bị đẩy lên cao hơn nữa trong thời gian tới. Từ Ấn Độ, đến Mỹ, Canada, người dân đều đứng ngồi không yên, lo lắng vì có thể thiếu gạo.

Nhiều mặt hàng lương thực khác như cà chua, hành củ,…cũng đang trong tình trạng khan hiếm. Tại Ấn Độ, quốc gia sản xuất cà chua lớn thứ 2 thế giới, đã chứng kiến giá cà chua tăng hơn 341% so với cùng kỳ năm ngoái. Thậm chí, tại New Delhi, giá cà chua bán lẻ còn đắt hơn giá xăng khi chạm mức 2,2 USD/kg, tăng hơn 700% so với hồi đầu năm.

Giá cà chua tăng chóng mặt khiến người tiêu dùng phải tìm kiếm các lựa chọn thay thế cà chua tươi. Các nhà hàng của chuỗi đồ ăn nhanh McDonald’s còn quyết định bỏ cà chua ra khỏi món bánh burger và món cuốn trong thực đơn của mình tại nhiều nơi ở Ấn Độ. Nhiều người dân buộc phải sang các nước láng giềng để mua cà chua tươi với giá thành thấp hơn.

Nhiều người dân Ấn Độ phải ra nước ngoài để mua cà chua.

Tại Philippines, hành củ đã trở thành “biểu tượng xa xỉ” khi giá bán của mặt hàng này đã chạm mức cao nhất trong vòng 14 năm qua. Trong tháng 5/2023, giá hành tím và hành tây tại Philippines lần lượt là 11,7 USD/kg và 10,81 USD/kg. Mức giá này cao gấp 3 lần giá thịt gà và cao hơn 30% so với giá thịt bò.

Theo Ngân hàng thế giới, giá lương thực trung bình trên toàn cầu đã chạm mốc cao kỷ lục trong một thập kỷ qua. Khoảng 4 trên 5 các quốc gia có thu nhập thấp và hơn 90% các quốc gia có thu nhập trung bình đang phải chứng kiến giá lương thực hàng năm tăng hơn 5% trong những tháng đầu năm 2023.

Chương trình Lương thực Thế giới của Liên hợp quốc (WFP) nhận định thế giới đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng lương thực với “quy mô chưa từng có và lớn nhất trong lịch sử hiện đại”.

Những quốc gia có tỷ lệ lạm phát giá lương thực cao nhất thế giới.

Nhiều quốc gia đang trải qua tình trạng lạm phát giá lương thực, điển hình là Zimbabwe với mức tăng 285%. Ở các quốc gia khác như Venezuela hay Lebanon, mức tăng giá lương thực lần lượt là 158% và 143%. Giá lương thực tăng tới hơn 60% tại 5 quốc gia Trung Đông. Cuộc khủng hoảng an ninh lương thực ngày càng trầm trọng hơn khiến nhiều gia đình hiện chỉ có đủ tiền mua được khoảng ¼ khẩu phần lương thực so với trước đây.

Vì đâu nên nỗi?

Theo Global Citizen, nhân tố lớn nhất làm tồi tệ thêm cuộc khủng hoảng an ninh lương thực toàn cầu chính là chiến sự Nga – Ukraine. Các lệnh hạn chế và động thái “trả đũa” của các bên liên quan đến chiến sự Nga – Ukraine đã gây ra hiệu ứng dây chuyền, làm tăng giá lúa mì, ngũ cốc và phân bón, ảnh hưởng không nhỏ đến phần còn lại của thế giới.

Nga và Ukraine cung cấp gần 1/3 lượng lúa mì, lúa mạch và hơn 70% dầu hướng dương của thế giới. Nga cũng là quốc gia sản xuất phân bón lớn nhất toàn cầu. Tất cả những yếu tố này đã làm cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết.

Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu cũng là tác nhân khiến an ninh lương thực toàn cầu bị đe dọa. Các hiện tượng khí hậu cực đoan như hạn hán, mưa lũ xảy ra thường xuyên trên diện rộng khiến ngành nông nghiệp của nhiều quốc gia bị “tổn thương”.

Hạn hán khiến nông nghiệp của nhiều nước chịu tổn thất nặng nề.

Hạn hán và mưa lũ ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất lương thực, khiến năng suất cây trồng và sản lượng thấp hơn. Vào tháng 12/2022, Argentina đã chịu mức thiệt hại ước tính lên tới 10,4 tỷ USD do hạn hán làm sản lượng của các loại cây trồng như lúa mì, đậu tương và ngô sụt giảm nghiêm trọng. Phần lớn diện tích đất nông nghiệp bị tàn phá nghiêm trọng với năng suất sản xuất ở mức thấp nhất trong vòng 7 năm qua.

Tại Trung Quốc, hạn hán gia tăng cũng khiến sản lượng ngô, lúa mì và gạo giảm 8% vào năm 2030, theo nghiên cứu của Bộ Nông nghiệp Trung Quốc. Ở Brazil, lượng mưa tại khu vực phía Nam và Đông Nam ở mức thấp nhất trong vòng 90 năm qua đã khiến sản lượng ngũ cốc niên vụ 2021 – 2022 giảm tới 10 triệu tấn.

Ngoài ra, các yếu tố khác như đại dịch Covid-19, lạm phát gia tăng cũng khiến tình trạng mất an ninh lương thực diễn ra nhanh hơn.

Hành động của các quốc gia

Để ngăn chặn tình hình ngày càng trở nên tồi tệ hơn, nhiều quốc gia đã đưa ra hàng loạt biện pháp cấp thiết. Kể từ tháng 2, chính phủ Mỹ đã cam kết hỗ trợ nhân đạo 8,2 tỷ USD và viện trợ phát triển 2,9 tỷ USD để giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực thế giới. Ngoài ra, Mỹ còn có kế hoạch đầu tư hơn 11 tỷ USD trên toàn thế giới trong 5 năm tới để đảm bảo mục tiêu sản xuất nông nghiệp bền vững.

An ninh lương thực là mối quan tâm hàng đầu của nhiều quốc gia.

Ủy ban châu Âu cũng đã đề xuất một loạt các hành động ngắn hạn và trung hạn để tăng cường an ninh lương thực toàn cầu cũng như hỗ trợ người nông dân và người tiêu dùng ở EU. Trong khi đó, Ấn Độ đang thúc đẩy canh tác tự nhiên cũng như đưa công nghệ hiện đại hơn vào sản xuất nông nghiệp.

An ninh lương thực cũng trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu của chính quyền Bắc Kinh. Quốc gia này đã áp dụng nhiều tiến bộ về công nghệ và phương thức canh tác cũng như các chính sách tái thiết khu vực nông thôn để đảm bảo an ninh lương thực. Đi cùng với đó, Liên hợp quốc cũng lên tiếng kêu gọi Nga quay trở lại với thỏa thuận ngũ cốc biển Đen, giúp nguồn cung lương thực không bị gián đoạn.

Những nỗ lực giải quyết vấn đề an ninh lương thực cần phải được tăng cường khẩn cấp và trở thành mối ưu tiên hàng đầu trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là sự hợp tác quốc tế để không có quốc gia nào bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến chống khủng hoảng lương thực toàn cầu.

Tin mới lên