Kiên định với trụ cột bán lẻ, VPBank hưởng ‘trái ngọt’

Hoàng Ngân - 15/02/2023 16:13 (GMT+7)

(VNF) - Trải qua một năm 2022 khá khó khăn với ngành tài chính, Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) vẫn ghi nhận lợi nhuận trước thuế riêng lẻ tăng hơn 71% so với cùng kỳ. Chìa khóa giúp ngân hàng tăng trưởng vượt trội so với mặt bằng chung toàn ngành đến từ mảng bán lẻ, số hóa dịch vụ để tăng độ bao phủ, trải nghiệm của khách hàng.

VNF
VPBank nâng cao chất lượng dịch vụ

Điểm sáng Khối khách hàng cá nhân

Năm 2022 khó có thể coi là một năm thuận lợi của ngành ngân hàng khi môi trường lãi suất tăng cao, đi cùng với những định hướng chính sách sát sao của Ngân hàng Nhà nước. Mặc dù vậy, VPBank vẫn ghi nhận mức tăng trưởng vượt bậc. Ngân hàng riêng lẻ đạt hơn 24.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng trưởng 71% so với năm 2021.

Khối khách hàng cá nhân (RB) tiếp tục khẳng định vị thế trụ cột tại VPBank trong năm qua khi cùng với khối SME ghi nhận mức tăng trưởng tín dụng vượt trội 37%, đóng góp vào tăng trưởng tín dụng của ngân hàng riêng lẻ đạt gần 31% trong năm 2022.  

Bên cạnh đó, khối RB còn ghi dấu ấn khi  cán mốc 8 triệu khách hàng, tăng trưởng 40% so với năm 2021 và lan tỏa đồng đều trong tất cả các phân khúc từ trung lưu đến cao cấp. Nhờ đó, quy mô huy động của khối đã mở rộng thêm xấp xỉ 50.000 tỷ đồng, tương đương với mức tăng trưởng 43% so với năm 2021, đóng góp lớn vào huy động của toàn hàng

“Khối khách hàng cá nhân tiếp tục là đơn vị đóng góp lớn nhất, tạo thanh khoản vững vàng cho VPBank tăng trưởng tín dụng trong năm 2022”, một lãnh đạo cấp cao của VPBank cho biết.

Theo vị lãnh đạo này, mảng bán lẻ của VPBank có thể bùng nổ trong năm qua nhờ có điểm tựa vững chắc là số hóa. Mảng mobile banking được ngân hàng đầu tư, làm mới lại trong 3 năm qua đã xây dựng một hệ thống giao dịch online nhiều dịch vụ và tiện ích, thu hút khách hàng giao dịch.

Riêng năm 2022, nền tảng số VPBank NEO đã có thêm 2.1 triệu tài khoản mới, tăng 130% so với năm trước đó. Ngân hàng cũng ghi nhận hơn 230 triệu giao dịch online trên hệ thống, tăng trưởng 86%.

Tương tự, các app nổi trội khác như VPBank Race CAR đã giúp VPBank vươn lên vị trí số 1 trong năm 2022 trong mảng cho vay xe du lịch cá nhân, vượt qua các ngân hàng có cùng thế mạnh về số hóa và giành được các thỏa thuận độc quyền với nhiều hãng xe ô tô như Hyundai, Honda và Mitsubishi.

Hay ngân hàng số Cake by VPBank, chỉ sau hơn 3 năm ra mắt, đã có được hơn 2,7 triệu khách hàng tham gia, tái khẳng định tham vọng phát triển và mở rộng của hệ sinh thái số VPBank. Nhìn rộng hơn, chiến lược chuyển đổi số của VPBank đã thành công lớn khi số lượng khách hàng số của ngân hàng tăng trưởng gấp 5 lần trong 5 năm qua.

Một trụ cột khác của mảng bán lẻ năm qua đó là hoạt đồng bán bảo hiểm. Bán bảo hiểm chéo (banca), trong đó chủ yếu là bán bảo hiểm cá nhận đã đóng góp 17% doanh thu phí của VPBank, ghi nhận tốc độ tăng trưởng kỷ lục 140%.

Bên cạnh đó, VPBank tiếp tục phát huy thế mạnh ở mảng dịch vụ thẻ, khi duy trì vị trí dẫn đầu số lượng thẻ tín dụng phát hành và doanh số  giao dịch thẻ tín dụng đã lần đầu tiên cán mốc 100 nghìn tỷ đồng.

2023 tiếp tục là năm của số hóa

Áp dụng công nghệ và chuyển đổi số kịp thời đã giúp VPBank khẳng định vị thế của một trong những ngân hàng bán lẻ hàng đầu tại thị trường Việt Nam. Bước sang năm 2023 và trong kế hoạch dài hơi 2022 - 2026, VPBank tiếp tục đặt kỳ vọng lớn vào công nghệ để mở rộng hệ sinh thái các sản phẩm, dịch vụ và giải pháp tài chính, trở thành trụ cột sinh lời.

Theo đó, ngân hàng cho biết hướng tới đưa VPBank NEO thành một siêu ứng dụng (super app) của mỗi công dân số Việt Nam. Đây là một phần trong chiến lược 5 năm tới của VPBank NEO. Để hiện thực hóa điều này, VPBank NEO cần dựa trên 3 tiêu chí gồm giải pháp thông minh, tự động toàn diện và cá nhân hóa, hướng tới phục vụ mọi nhu cầu cuộc sống của khách hàng, từ mở tài khoản, mở thẻ, thanh toán, vay, bảo hiểm đến những sản phẩm đầu tư…

Và một “siêu” ứng dụng như vậy không chỉ đơn thuần đáp ứng các nhu cầu tài chính của khách hàng cá nhân, mà rộng hơn là giúp kết nối, hình thành một nền kinh tế số với các dịch vụ được kết nối liền mạch, trơn tru, nơi khách hàng, ngân hàng, doanh nghiệp và Chính phủ đều được hưởng lợi.

Đi vào chi tiết hơn, siêu ứng dụng của VPBank sẽ được hình thành từ việc số hóa từng sản phẩm cụ thể. Trước mắt, ngân hàng đang hướng tới số hóa 100% các sản phẩm dịch vụ phức tạp như cho vay mua nhà, mua ô tô, vay hộ kinh doanh… Song song với đó, đội ngũ VPBank cũng không ngừng đưa ra những sáng kiến để cho ra mắt các sản phẩm thuộc phân khúc mới, “theo dấu” nhu cầu của khách hàng.

Đại diện VPBank đánh giá, việc thu hút được khách hàng trong một hệ sinh thái có độ phủ rộng, đáp ứng mọi nhu cầu sẽ giúp VPBank tăng trưởng CASA một cách tự nhiên. Trong năm 2022, môi trường lãi suất cao đã thúc đẩy khách hàng chuyển hướng sang gửi tiền có kỳ hạn. Tuy nhiên, tình hình lãi suất đã bớt căng thẳng và có thể giảm từ quý III, CASA là một mục tiêu quan trọng mà VPBank sẽ đẩy mạnh.

Cuối cùng, VPBank cho hay ngân hàng tìm cách tăng nguồn thu phí thông qua bán chéo bảo hiểm, khai thác khách hàng. Năm 2022 cũng là năm đánh dấu sự tăng trưởng vượt trội của sản phẩm bảo hiểm nhận thọ liên kết giữa VPBank và tập đoàn AIA, đưa ngân hàng giữ vững vị thế top 3 thị trường banca tính tới cuối năm 2022.

“Bán chéo bảo hiểm đã chứng minh là sản phẩm có thể đóng góp lớn và mang lại giá trị bền vững. Đây sẽ tiếp tục là nguồn thu đóng góp đáng kể vào doanh thu phí của VPBank trong năm”, lãnh đạo VPBank chia sẻ.

Cùng chuyên mục
Tin khác