Kinh tế số và trung tâm dữ liệu: Cơ hội mới cho bất động sản công nghiệp
Hoàng Hùng -
11/11/2024 18:00 (GMT+7)
(VNF) - Khi nền kinh tế kỹ thuật số đang phủ rộng khắp châu Á, Việt Nam đang trở thành một thị trường quan trọng cho các trung tâm dữ liệu.
Xu hướng mới của FDI
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 9 tháng đầu năm 2024, FDI vào Việt Nam đạt ngưỡng 24,8 tỷ USD, dẫn đầu là các ngành có giá trị cao như điện tử, linh kiện ô tô, chất bán dẫn và công nghệ xanh.
Đáng chú ý, Các quốc gia đầu tư chủ chốt bao gồm Hàn Quốc, Singapore và Nhật Bản, đã làm nổi bật lên xu hướng chuyển dịch sang sản xuất công nghệ cao, giá trị cao. Sản xuất chiếm khoảng 63% FDI, nhấn mạnh sức hấp dẫn của Việt Nam đã vượt xa lĩnh vực sản xuất chi phí thấp truyền thống.
Các khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc và phía Nam là những điểm đến chính cho dòng vốn này. Khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc, bao gồm các tỉnh như Bắc Ninh và Hải Phòng, nổi bật với vị trí chiến lược gần Trung Quốc và thị trường Bắc Á, có lợi cho các ngành tập trung vào xuất khẩu.
Trong khi đó, khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam bao gồm TP. HCM, Bình Dương và Đồng Nai với mạng lưới logistics mạnh và hệ thống cảng thuận lợi, lý tưởng cho cả sản xuất xuất khẩu và nội địa. Các hiệp định thương mại tự do (FTA) của Việt Nam, bao gồm với EU và Anh, còn giúp gia tăng sức hấp dẫn với khả năng tiếp cận thị trường rộng và ưu thế thương mại cạnh tranh.
Ông John Campbell, Giám đốc, Trưởng bộ phận Bất động sản Công Nghiệp Savills Việt Nam, nhấn mạnh: "Dòng vốn FDI mạnh mẽ, vị trí chiến lược, chi phí cạnh tranh, tăng trưởng thương mại điện tử, chính sách thương mại cởi mở và vai trò trong chuỗi cung ứng toàn cầu của Việt Nam sẽ rất cần thiết cho nguồn cung và hiệu suất dài hạn của phân khúc kho bãi".
Việt Nam đẩy mạnh hạ tầng
Để củng cố làn sóng đầu tư mới, Việt Nam đang đẩy mạnh đầu tư vào hạ tầng, dành ra 7% GDP cho các dự án trọng điểm như Cao tốc Bắc-Nam, Sân bay Quốc tế Long Thành và các cảng nước sâu như Cái Mép ở Bà Rịa-Vũng Tàu, sẽ tạo kết nối trực tiếp với khu vực châu Âu, châu Mỹ và Đông Nam Á.
Khu vực Kinh tế Trọng điểm phía Bắc hưởng lợi từ cơ sở hạ tầng mạnh mẽ, bao gồm các tuyến cao tốc và cảng chính như Hải Phòng và Lạch Huyện, nâng cao sức hút cho các ngành công nghiệp xuất khẩu. Hệ thống cảng rộng lớn của khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, đặc biệt là cảng nước sâu Cái Mép, cho phép vận chuyển trực tiếp đến các thị trường quốc tế và củng cố vai trò của Việt Nam như một trung tâm logistics chủ chốt.
Ngoài cơ sở hạ tầng giao thông, Việt Nam cũng đang đẩy mạnh kết nối kỹ thuật số với việc mở rộng mạng lưới sóng 5G và phát triển các trung tâm dữ liệu, hỗ trợ tăng trưởng thương mại điện tử và logistics.
Với ngành thương mại điện tử phát triển và FDI gia tăng, nhu cầu về kho bãi và mặt bằng công nghiệp xây sẵn đã tăng mạnh. Trong năm 2024, nguồn cung nhà xưởng và nhà kho xây sẵn (RB) tăng 31%, với tỷ lệ lấp đầy vượt 80% tại các khu vực trọng điểm. Khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, với lợi thế về logistics, được ưa chuộng nhờ chi phí cạnh tranh và vị trí chiến lược, phục vụ cả khách hàng trong nước và quốc tế.
Chi phí kho bãi tại Việt Nam vẫn giữ vững độ hấp dẫn, với trung bình là 5,6 USD/m², thu hút các công ty đang áp dụng chiến lược “Trung Quốc +1”. Các nhà phát triển đang đón nguồn cầu mạnh mẽ này thông qua các cơ sở mặt bằng hiện đại, công nghệ cao, bao gồm cả các lựa chọn thân thiện với môi trường phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế.
Sự hỗ trợ của Chính phủ cho phát triển logistics, thông qua đầu tư vào các hình thức vận tải đa dạng và các khu vực logistics chuyên dụng, còn giúp thúc đẩy tăng trưởng, định vị Việt Nam là địa điểm được ưu tiên cho các giải pháp công nghiệp hiệu quả cùng với chi phí hợp lý.
Theo ông John Campbell, với hơn 44% vốn FDI sản xuất mới trong 9 tháng đầu năm 2024 đến từ các sản phẩm có giá trị gia tăng như điện tử và thiết bị điện, điều này nhấn mạnh hoàn hảo sự dịch chuyển lên chuỗi giá trị của Việt Nam.
Mở rộng nền kinh tế kỹ thuật số và trung tâm dữ liệu
"Hoạt động xuất khẩu hàng hóa sản xuất mạnh mẽ của Việt Nam đã đóng vai trò quan trọng trong sự phục hồi kinh tế của nước này trong năm nay. Dòng vốn FDI đổ vào các ngành sản xuất có giá trị gia tăng đã thúc đẩy đáng kể tăng trưởng xuất khẩu chung của cả nước, trong đó điện tử nổi lên là ngành đóng góp chính", ông John Campbell nêu.
Khi nền kinh tế kỹ thuật số đang phủ rộng khắp châu Á, Việt Nam đang trở thành một thị trường quan trọng cho các trung tâm dữ liệu. Được định giá 685 triệu USD vào năm 2023, thị trường trung tâm dữ liệu dự kiến đạt 1,4 tỷ USD vào năm 2029, nhờ vào nhu cầu gia tăng đối với điện toán đám mây, 5G và IoT. Chương trình Chuyển đổi Số của Chính phủ hướng đến mục tiêu 50% doanh nghiệp sẽ hoạt động kỹ thuật số vào năm 2025, khẳng định cam kết của Việt Nam trong việc xây dựng đất nước trở thành một trung tâm kỹ thuật số.
Bên cạnh đó, những thay đổi về quy định đang khuyến khích đầu tư nước ngoài vào trung tâm dữ liệu khi cho phép nhóm nhà đầu tư này sở hữu hoàn toàn các trung tâm dữ liệu trong nước. Các công ty như ST Telemedia đã hợp tác với các công ty trong nước để mở rộng các cơ sở mới tại TP. HCM. Tỷ lệ bao phủ internet cao và ngành thương mại điện tử bùng nổ của Việt Nam cũng là động lực thúc đẩy nhu cầu đầu tư lĩnh vực này, định vị các trung tâm dữ liệu là trụ cột quan trọng trong tương lai kinh tế của đất nước.
Trong năm 2024, doanh thu thương mại điện tử tại Việt Nam đã tăng 38%, dẫn đầu về doanh số là các nền tảng như Shopee và TikTok Shop. Sự mở rộng của bán lẻ trực tuyến còn thúc đẩy thêm nhu cầu về kho bãi, logistics và lưu trữ dữ liệu, củng cố vai trò của Việt Nam như một nền kinh tế kỹ thuật số đang phát triển nhanh chóng ở Đông Nam Á.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone