Diễn đàn VNF

Kinh tế trưởng SSI: 'Coi đầu cơ là cờ bạc vì không đánh giá đúng rủi ro trên quan hệ với lợi nhuận'

(VNF) - Nhiều người coi đầu cơ là cờ bạc, cũng không ít người coi đầu tư là “bánh vẽ”. Nhân định về quan điểm này, ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng Công ty Chứng khoán SSI, cho rằng coi đầu cơ là cờ bạc, vì mình không đánh giá đúng rủi ro trên quan hệ với lợi nhuận; còn coi đầu tư là bánh vẽ, cũng chỉ là bởi đưa ra những giả định có tính thực tế thấp nhưng lại cho một xác suất xảy ra rất cao, như thế dễ dàng đi từ hy vọng, ảo vọng đến thất vọng và tuyệt vọng.

Kinh tế trưởng SSI: 'Coi đầu cơ là cờ bạc vì không đánh giá đúng rủi ro trên quan hệ với lợi nhuận'

Ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng Công ty Chứng khoán SSI

Ranh giới giữa đầu cơ và đầu tư đôi khi khá mong manh, tuy nhiên việc phân biệt giữa đầu cơ và đầu tư vẫn rất cần thiết bởi chỉ có hiểu đúng mới có thể hành động đúng.

Liên quan đến chủ đề này, VietnamFinance đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng Công ty Chứng khoán SSI.

- Thời kỳ đầu, ông tiếp cận thị trường chứng khoán theo hướng đầu cơ hay đầu tư? Hiện nay thì sao, thưa ông?

Ông Phạm Lưu Hưng: Trong những ngày đầu tham gia thị trường chứng khoán, tôi không đặt một mục đích quá cao kiểu làm giàu nhanh trong vài con sóng, mà chỉ coi đây mà một sự thử nghiệm mới của việc kiếm tiền. Có thể vì thế nên nếu nhìn lại, mặc dù thời gian cầm một cổ phiếu có thể không ngắn nhưng đó vẫn là một cách tiếp cận thuần túy mang tính đầu cơ khi mà không bỏ thời gian công sức nghiên cứu gì nhiều, quyết định đầu tư mang tính cảm tính là chính.

Còn đến thời điểm này, sau gần 15 năm, qua quá nhiều trải nghiệm và do đặc thù công việc, lựa chọn của tôi là đầu tư với tầm nhìn vĩ mô hơn một chút, theo hướng nhìn từ trên xuống (top-down), đánh giá tổng quát các yếu tố vĩ mô trước khi xem xét đến các yếu tố cụ thể của doanh nghiệp. Thời gian ra quyết định có thể lâu, nhưng cũng đỡ được rất nhiều thời gian xem bảng giá (cười).

- Nhiều người coi đầu cơ là cờ bạc, cũng không ít người coi đầu tư là “bánh vẽ”. Ông có nhận định thế nào về những quan điểm trên? Theo ông, đâu là ranh giới xác định đầu cơ và đầu tư?

Cũng khó để đánh giá về quan điểm của từng người do mỗi người có những trải nghiệm khác nhau về thị trường chứng khoán nên sẽ có các định kiến khác nhau. Nói là cờ bạc, vì mình không đánh giá đúng rủi ro trên quan hệ với lợi nhuận, còn bánh vẽ, cũng chỉ là đưa ra những giả định có tính thực tế thấp nhưng lại cho một xác suất xảy ra rất cao, như thế dễ dàng đi từ hy vọng, ảo vọng đến thất vọng và tuyệt vọng. Đầu cơ hay đầu tư là lựa chọn của mỗi người tùy theo tính cách/lợi thế của mình, quan trọng là chúng ta phải biết mình đang làm gì.

Còn ranh giới giữa đầu tư và đầu cơ, theo tôi vẫn là liều lượng rủi ro. Rủi ro của đầu cơ cao hơn rất nhiều so với đầu tư. Đầu tư mà dùng đòn bẩy thì cũng sẽ thành đầu cơ ngay. Tuy nhiên cũng phải lưu ý là ranh giới cũng khá mong manh và trong một giao dịch cụ thể thì thường là một sự pha trộn giữa hai yếu tố.

- Theo ông, ở giai đoạn hiện tại, nhà đầu tư và nhà đầu cơ Việt Nam cần lưu ý những điều gì?

Theo tôi, nhà đầu tư cần có tầm nhìn dài hạn, coi trọng yếu tố cơ bản và thường xuyên đánh giá lại các giả định của mình dựa trên các thông tin vĩ mô/doanh nghiệp để có thể tái cấu trúc danh mục hợp lý. Đối với đặc thù của thị trường Việt Nam thì ở giai đoạn hiện tại, những diễn biến về kinh tế vĩ mô thường không cùng chiều với các nền kinh tế lớn trên thế giới (giai đoạn này có thể nói mỗi quốc gia đi theo một tiến trình khác nhau trong chu kỳ kinh tế). Trong khi đó, tỷ lệ nhà đầu tư cá nhân rất cao, đi kèm với biến động hàng ngày lớn, do đó nhà đầu tư cần có sự cẩn trọng trong việc đánh giá các yếu tố vĩ mô, tránh đơn giản hóa quá mức. Còn với nhà đầu cơ, đừng quên đặt lệnh dừng lỗ để quản trị rủi ro.

Nhà đầu tư cần có sự cẩn trọng trong việc đánh giá các yếu tố vĩ mô, tránh đơn giản hóa quá mức

- Ông có nhận định thế nào về bối cảnh hiện nay và triển vọng thị trường chứng khoán Việt Nam?

Thị trường chứng khoán thế giới và Việt Nam đã trải qua nửa đầu năm 2022 đầy sóng gió khi hầu hết các dự báo cho năm 2022 đều phải thay đổi rất sớm. Trong ngắn hạn, nếu chỉ nhìn yếu tố vĩ mô của Việt Nam thì hiện nay xu hướng tích cực vẫn là chủ yếu, với việc lạm phát năm 2022 vẫn trong tầm kiểm soát và tăng trưởng kinh tế nhiều khả năng đạt và vượt kế hoạch.

Tuy nhiên đối với các doanh nghiệp niêm yết, triển vọng lợi nhuận nửa cuối năm còn phải đối diện với nhiều khó khăn trong bối cảnh chi phí đầu vào gia tăng và nhu cầu có thể tăng chậm hơn kỳ vọng. Còn về thị trường, hiện nay cũng chưa thấy các dấu hiệu cho thấy các vấn đề mà thị trường chứng khoán gặp phải trong nửa đầu năm đã có hướng giải quyết sớm. Các vấn đề liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản… dù bắt đầu đã có hướng giải quyết, nhưng từ quyết tâm đến hành động thực tế vẫn còn có khoảng cách và cần thời gian. Đó là chưa kể đến tiến độ chậm của việc triển khai các sản phẩm/dịch vụ mới theo Luật chứng khoán 2019 cũng như không có nhiều diễn biến mới trong hoạt động IPO/thoái vốn của khối doanh nghiệp nhà nước.

Trong dài hạn, hầu hết các câu chuyện về triển vọng của nền kinh tế và thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn đó, gồm quy mô và chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế đều tăng, được nâng mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia lên mức có thể đầu tư, hay cơ sở nhà đầu tư được cải thiện theo hướng tích cực với sự tham gia nhiều hơn của các nhà đầu tư tổ chức trong và ngoài nước, đặc biệt là triển vọng thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi.

- Theo quan điểm của ông, các nhà đầu tư và nhà đầu cơ Việt Nam nên hành động như thế nào trong bối cảnh đó?

Câu chuyện triển vọng dài hạn là luôn có, nhưng rủi ro ngắn hạn là hiện hữu, nên nhà đầu tư hay đầu cơ đều luôn phải nhớ câu nói “nước xa không cứu được lửa gần”. Các vấn đề mang tính ngắn hạn của danh mục đầu tư cần luôn được đánh giá và xử lý cẩn thận, không vì những câu chuyện quá dài hạn mà phải chấp nhận những rủi ro không đáng có cho danh mục.

Đúng là chúng ta luôn cần có cái nhìn dài hạn, có quan điểm về mọi vấn đề và dự báo cũng là cần thiết, nhưng quan trọng hơn cả vẫn là chúng ta nhận ra mình đang ở đâu trong một chu kỳ kinh tế cũng như chu kỳ của thị trường chứng khoán để có hành động phù hợp. Trong bối cảnh hiện nay, tôi nghĩ thận trọng là cần thiết, việc cố gắng dò đáy vẫn sẽ chỉ là một trò chơi mạo hiểm. Những rủi ro phía trước còn nhiều đối với kinh tế thế giới (xung đột quân sự, sự kết thúc của toàn cầu hóa kiểu cũ, xu hướng thắt chặt tiền tệ mới chỉ ở điểm khởi đầu, chưa kể tình hình dịch bệnh) và ngay cả đối với Việt Nam (áp lực lạm phát gia tăng từ nửa cuối năm 2022 và có thể còn cao hơn nữa trong năm 2023, trong khi tăng trưởng dường như đang đạt mức đỉnh).

Do đó, giai đoạn này vẫn chỉ là lúc để tái cơ cấu danh mục, giảm bớt tỷ trọng các cổ phiếu mang tính đầu cơ, các cổ phiếu mà việc dự báo được tương lai đóng vai trò quyết định đối với giá cổ phiếu, và tăng tỷ trọng nhóm các doanh nghiệp trong hiện tại vẫn đang làm ăn tốt, trải qua nhiều chu kỳ kinh tế tăng giảm vẫn tồn tại và phát triển. Cơ hội ngắn hạn, cơ hội để đầu cơ là khó hơn 2 năm trước nhiều, nhưng cơ hội đầu tư dài hạn lại nhiều hơn khi mức định giá đã dễ chịu hơn nhiều. Và dù rất nhàm chán thì tôi vẫn phải nhắc đến vấn đề quản trị rủi ro, nhất là trong giai đoạn thị trường có nhiều biến động như hiện nay. Có một ví dụ mà nhiều người nhắc tới là chuyện quỹ Uprise của Hàn Quốc đã cháy tài khoản trong khi bán khống LUNA. Bài học rõ ràng là bạn có thể đúng về xu hướng, nhưng quản trị rủi ro không tốt thì vẫn mất tiền như thường, trong một thị trường có nhiều biến động.

Tin mới lên