Diễn đàn VNF

'Kinh tế Việt Nam tăng trưởng ấn tượng trong ba tháng đầu năm'

(VNF) - PGS.TS Phạm Thế Anh cho rằng mức tăng trưởng kinh tế 4,48% trong quý I vừa qua của Việt Nam là vô cùng ấn tượng. Bởi lẽ trong khoảng thời gian này, nước ta chịu ảnh hưởng khá nhiều từ các lệnh phong tỏa địa phương do Covid-19, khiến các hoạt động vui chơi, lễ hội bị trì hoãn và xuất hiện tâm lý e ngại du lịch.

'Kinh tế Việt Nam tăng trưởng ấn tượng trong ba tháng đầu năm'

"Kinh tế Việt Nam tăng trưởng ấn tượng trong ba tháng đầu năm"

Tại tọa đàm công bố báo cáo kinh tế vĩ mô quý I/2021 của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), diễn ra sáng 20/4, PGS.TS Phạm Thế Anh cho biết trong quý I vừa qua, kinh tế Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng 4,48%, cao hơn so với cùng kỳ năm trước là 3,82%. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,16%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,3% và khu vực dịch vụ tăng 3,34%.

PGS.TS Phạm Thế Anh nhận định: "Đây là con số ấn tượng, do khoảng thời gian này nền kinh tế nước ta chịu khá nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến từ lệnh phong tỏa một số địa phương như Hải Dương, Quảng Ninh, Hải Phòng trước sự bùng phát của dịch bệnh. Đồng thời, các hoạt động du lịch, vui chơi lễ hội cũng bị trì hoãn, người dân, doanh nghiệp có tâm lý e ngại. Trong khi đó quý I/2020, kinh tế chưa bị ảnh hưởng nhiều (ca bệnh số 17 xuất hiện vào cuối tháng 3)".

Ông Thế Anh cho rằng, thúc đẩy cho sự tăng trưởng này là các yếu tố như: Chính phủ kiểm soát dịch bệnh tốt và sớm; những triển vọng kinh tế đến từ việc hoàn tất ký kết hiệp định thương mại tự do và bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA và IPA); tiến độ giải ngân và thi công các dự án đầu tư công trọng điểm được đẩy nhanh...

Tuy nhiên, ở góc độ thận trọng, ông Thế Anh lưu ý rằng Việt Nam vẫn tồn tại một số rủi ro thách thức trong bối cảnh nền kinh tế thế giới còn bất trắc. Sự tái bùng phát của Covid-19 tại nhiều nước kéo theo các biện pháp phong tỏa dài hơi, qua đó làm đứt gãy chuỗi cung ứng năm 2021 và đè nặng lên đôi vai của doanh nghiệp. Mặt khác, xung đột địa chính trị giữa các nước lớn cũng có thể khiến một nền kinh tế có độ mở lớn như nước ta đối diện với những rủi ro khó lường.

Đó là chưa kể đến những rủi ro nội tại, bao gồm mất cân đối tài khóa lớn, tốc độ và mức đầu tư phát triển, hạ tầng còn chậm và hiệu quả thấp, thiếu tự chủ công nghệ, nguyên liệu...

Chính vì vậy, ông Thế Anh và các đồng sự tại VEPR đưa ra nhận định khá cẩn trọng, đó là dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm nay trong khoảng 6-6,3%, thấp hơn so với mục tiêu mà Chính phủ đề ra trước đó (6,5%).

"Mức tăng trưởng này được xây dựng trên giả định Việt Nam chưa thể mở cửa hoàn toàn với thế giới và vẫn giữ vững tốc độ xuất khẩu lạc quan hiện nay", ông Thế Anh nói.

Liên quan đến xuất khẩu, PGS.TS Phạm Thế Anh cho biết, quý I vừa qua, thị trường Mỹ vẫn là thị trường xuât khẩu lớn nhất của nước ta với kim ngạch đạt hơn 22 tỷ USD, tăng 39% so với cùng kỳ năm trước. Tương tự, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất với kim ngạch đạt hơn 24 tỷ USD, tăng gần 51%.

Thị trường Mỹ cũng là thị trường xuất siêu lớn nhất của Việt Nam, đạt 18,5 tỷ USD, tăng trưởng gần 50%; ngược lại, Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc 11,78 tỷ USD, cao hơn nhiều so với khu vực ASEAN là 3,5 tỷ USD.

Tại báo cáo của VEPR, những con số thống kê này được coi là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến cáo buộc của Bộ Tài chính Mỹ về việc Việt Nam thao túng tiền tệ, theo quy định của Đạo luật cạnh tranh và thương mại quốc tế Omnibus năm 1988.

Tuy nhiên cần nói thêm rằng, ngày 16/4 vừa qua, cơ quan này của Mỹ cho biết không đủ bằng chứng về việc Việt Nam thao túng tiền tệ trong năm 2020. Cơ quan này đưa Việt Nam vào danh sách giám sát cùng các nền kinh tế khác, bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc...

"Hiến kế" về một số chính sách trong thời gian tới, PGS.TS Phạm Thế Anh cho rằng các chính sách an sinh xã hội vẫn cần được ưu tiên hàng đầu và cần phải được tiếp tục triển khai nhanh chóng, đúng đối tượng.

Đặc biệt, việc thực thi chính sách cần quan tâm hơn đến lao động trong khu vực phi chính thức bởi nhóm này chiếm một tỷ trọng lớn, dễ tổn thương, chịu tác động nặng nề nhất và đang khó tiếp cận các chính sách hỗ trợ.

Song song với đó, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cũng cần tiếp tục được thực hiện theo hướng khẩn trương, tập trung, đúng đối tượng và thực chất hơn, theo sát với nhu cầu của doanh nghiệp. Việc khoanh/ngưng, miễn giảm chi phí tài chính cho doanh nghiệp như lãi vay, tiền thuê đất cũng cần tiếp tục được triển khai.

Tin mới lên