Tiêu điểm

Kỳ họp đặc biệt của TP. HCM: Thông qua gần 100 tờ trình, quyết đầu tư hàng trăm nghìn tỷ

(VNF) - Ngày 19/9, Hội đồng Nhân dân TP. HCM khóa X tổ chức kỳ họp thứ 11 (kỳ họp chuyên đề) và Hội nghị tổng kết thi hành Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân, sơ kết giữa nhiệm kỳ hoạt động Hội đồng Nhân dân khóa X nhiệm kỳ 2021-2026.

Kỳ họp đặc biệt của TP. HCM: Thông qua gần 100 tờ trình, quyết đầu tư hàng trăm nghìn tỷ

Kỳ họp đặc biệt thông qua gần 100 tờ trình của HĐND TP. HCM (ảnh minh họa)

Tại kỳ họp này, Hội đồng Nhân dân TP. HCM xem xét các tờ trình của UBND TP. HCM về việc thành lập Sở An toàn thực phẩm TP. HCM; cơ cấu tổ chức bộ máy tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND TP. Thủ Đức; danh mục dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu áp dụng loại hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao)...

Ảnh Việt Dũng: các đại biểu tham dự cuộc họp HĐND ngày 19/9 tại TP. HCM 

Thành lập Sở An toàn thực phẩm

Về việc thành lập Sở An toàn thực phẩm TP. HCM, theo Phó Chủ tịch UBND TP. HCM Bùi Xuân Cường, mô hình thí điểm Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP. HCM (viết tắt Ban Quản lý) kết hợp lực lượng từ 3 Sở (Y tế, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

Mô hình này là một bước đột phá trong tiến trình phát triển bền vững và đảm bảo an sinh xã hội, lấy mục tiêu bảo vệ sức khỏe người dân làm kim chỉ nam cho hành động; phù hợp với chính sách của TP. HCM và tình hình thực tiễn của địa phương.

Thông qua kết quả đạt được sau quá trình thí điểm mô hình Ban Quản lý An toàn thực phẩm (từ năm 2017 đến nay), UBND TP. HCM nhận thấy đây là giai đoạn chín mùi để phát huy hiệu quả cao nhất trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trong tình hình mới, bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho người dân sống và làm việc tại TP. HCM, tạo bước chuyển biến tích cực trong nhận thức cộng đồng.

Việc thành lập Sở An toàn thực phẩm TP. HCM là cần thiết trước yêu cầu thực tiễn phải bảo đảm an toàn thực phẩm tại một đô thị lớn, không ngừng phát triển như TP. HCM.

Ngày 24/6, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. HCM và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/8. Trong đó tại khoản 1 Điều 9 có quy định, Hội đồng Nhân dân TP. HCM thành lập Sở An toàn thực phẩm là cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP. HCM.

Để tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình thành lập Sở An toàn thực phẩm TP. HCM, UBND TP. HCM đề xuất hiệu lực thi hành của Nghị quyết thành lập Sở An toàn thực phẩm TP. HCM kể từ ngày 1/1/2024.

Đầu tư công năm 2024

UBND TP. HCM đã trình dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2024. Theo đó, trên cơ sở đăng ký nhu cầu vốn của các cơ quan chủ quản, chủ đầu tư, UBND TP. HCM dự kiến kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 nguồn vốn ngân sách Trung ương của TP. HCM là hơn 4.355 tỷ đồng.

Cụ thể, nguồn vốn ngân sách Trung ương trong nước: tổng nhu cầu vốn trong năm 2024 là hơn 2.882 tỷ đồng, gồm: xây dựng nút giao thông An Phú 500 tỷ đồng; dự án thành phần 1 thuộc dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP. HCM (bao gồm cầu kênh Thầy Thuốc) 500 tỷ đồng; xây dựng, mở rộng quốc lộ 50, huyện Bình Chánh 382,870 tỷ đồng. Cùng với đó là dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên (kết nối tỉnh Long An qua sông Chợ Đệm và tỉnh Bình Dương, Đồng Nai qua sông Sài Gòn) 1.500 tỷ đồng.

Nguồn vốn ngân sách Trung ương vốn nước ngoài có tổng nhu cầu vốn năm 2024 là 1.473 tỷ đồng. Trong đó có dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) 1.200 tỷ đồng. Dự án cải tạo phục hồi đường cống thoát nước cũ, xuống cấp bằng công nghệ không đảo hở 100 tỷ đồng. Dự án vệ sinh môi trường giai đoạn 2 (WB) 173 tỷ đồng.

Theo UBND TP. HCM, qua rà soát, các dự án đăng ký vốn nêu trên đã được cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư dự án, đủ điều kiện bố trí kế hoạch đầu tư công năm 2024 theo quy định.

Về kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 nguồn vốn ngân sách địa phương, UBND TP. HCM xác định tổng nhu cầu vốn đăng ký trong năm 2024 của các cơ quan chủ quản, chủ đầu tư là hơn 55.225 tỷ đồng.

Trong đó, tổng số vốn đăng ký cho các dự án đáp ứng đủ điều kiện để có thể xem xét, bố trí vốn trong năm 2024 là hơn 34.976 tỷ đồng (hơn 4.749 tỷ đồng từ nguồn vốn ODA vay lại từ vốn vay nước ngoài của Chính phủ năm 2024; hơn 30.227 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách thành phố).

Dự kiến được cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư trước thời điểm Hội đồng Nhân dân TP. HCM quyết nghị thông qua kế hoạch đầu tư công năm 2024 nguồn vốn ngân sách địa phương của thành phố vào kỳ họp cuối năm là hơn 20.248 tỷ đồng.

Đầu tư hàng loạt dự án giao thông

Kỳ họp này xem xét thông qua chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư cho hơn 85 dự án với hơn 55.000 tỷ đồng, trong đó có 7 dự án nhóm A. Trong đó có danh mục dự án đầu tư hiện đại hóa các đường bộ hiện hữu áp dụng hợp đồng BOT, dự án xây dựng đường vành đai 2 TPHCM, đoạn từ cầu Phú Hữu đến đường Võ Nguyên Giáp… 

Có thể kể đến như đầu tư dự án xây dựng đường vành đai 2, đoạn từ cầu Phú Hữu đến đường Võ Nguyên Giáp cần vốn 9.328 tỷ đồng bằng ngân sách thành phố. Thời gian dự kiến thực hiện của dự án là từ năm 2023-2027. Dự án này sẽ được chia thành 2 dự án thành phần gồm dự án xây dựng và dự án bồi thường giải phóng mặt bằng.

Đầu tư cho 5 tuyến đường theo hình thức BOT như trên với tổng mức đầu tư khoảng 37.000 tỷ đồng. Đó là nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13 (từ cầu Bình Triệu đến ranh tỉnh Bình Dương). Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 (từ đường Kinh Dương Vương đến ranh tỉnh Long An). Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 22 (từ nút giao An Sương đến đường Vành đai 3).

Nâng cấp đường trục Bắc - Nam, đoạn từ đường Nguyễn Văn Linh đến cao tốc Bến Lức - Long Thành. Xây dựng cầu đường Bình Tiên (từ đường Phạm Văn Chí đến đường Nguyễn Văn Linh).

Cũng tại kỳ họp, các đại biểu Hội đồng Nhân dân TP. HCM thảo luận, quyết định thông qua các tờ trình quan trọng, cấp thiết đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội - văn hóa - y tế - giáo dục. 

Tin mới lên