Mưa như trút nước, đường phố Đà Nẵng bị ngập sâu
(VNF) - Mưa lớn kéo dài nhiều giờ liền khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Đà Nẵng ngập nặng. Học sinh phải nghỉ học, nhiều cơ quan cũng cho người lao động nghỉ làm.
Từ cuối năm ngoái đến 2 tháng đầu năm nay, các ngân hàng liên tục đẩy lãi suất huy động kỳ hạn dài lên cao. Lãi suất huy động có thời điểm lên 10% - 11%/năm. Tuy nhiên, những tháng gần đây, lãi suất huy động hạ nhiệt rất nhanh. Đặc biệt, sau 3 lần giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại đã điều chỉnh giảm mạnh lãi suất tiết kiệm. Hiện chỉ còn hơn 10 ngân hàng áp dụng lãi suất huy động trên mức 8%/năm. So với đỉnh vào tháng 12/2022, lãi suất huy động hiện đã giảm 2% - 4%/năm.
Lãi suất huy động cao khiến chi phí trả lãi tiền gửi của các ngân hàng tăng đột biến. Báo cáo tài chính quý I/2023 cho thấy, chi phí trả lãi tiền gửi của các ngân hàng vào khoảng 129,5 nghìn tỷ đồng, tăng 83,43% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, 27/28 ngân hàng trên sàn chứng khoán có chi phí này tăng trên 50%, có 9 nhà băng ghi nhận chỉ tiêu này tăng trên 100%.
Việc chi phí trả lãi tiền gửi tại các ngân hàng tăng lên chủ yếu là hệ quả của việc huy động với lãi suất cao. Lãi suất tăng đồng nghĩa với chi phí của ngân hàng tăng khiến cho đồng vốn huy động được thêm đắt đỏ. Thế nhưng, dù chi trả nhiều hơn nhưng các ngân hàng lại không thực sự thu hút được nhiều nguồn vốn. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, quý I/2023, huy động vốn của các tổ chức tín dụng chỉ tăng 0,77%, trong khi cùng kỳ năm trước, con số này là 2,15%.
Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng những tháng đầu năm vẫn rất thấp. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, so với cuối năm 2022, tăng trưởng tín dụng đến giữa tháng 5 mới đạt 2,72%. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Nếu so với mức tăng trưởng đạt được vào cuối tháng 4 là 2,75% thì quy mô tín dụng đang có xu hướng thu hẹp.
Phát biểu trước Quốc hội trong phiên thảo luận ngày 1/6, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, những tháng đầu năm, dư địa về room tín dụng rất thoải mái và thanh khoản hệ thống được Ngân hàng Nhà nước duy trì rất dư thừa và không có lý do gì để các tổ chức tín dụng huy động tiền gửi, trả lãi cho người gửi tiền mà khi doanh nghiệp đủ điều kiện vay vốn lại không cho vay.
Lãnh đạo Agribank cho rằng, nguyên nhân khiến cho tăng trưởng tín dụng thấp là do sự hấp thụ của nền kinh tế, không phải vướng mắc từ cơ chế chính sách. Còn đại diện ngân hàng OCB nhận định nhu cầu tín dụng yếu do cả doanh nghiệp bất động sản cũng như các ngành sản xuất cơ bản, bán lẻ đều chứng kiến xu hướng sụt giảm về doanh thu, lợi nhuận.
Nhu cầu vay đang rất thấp do tăng trưởng kinh tế chậm lại. Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn phải thu hẹp hoạt động sản xuất, kinh doanh nên không còn nhu cầu vay, số khác bị đứt gãy dòng tiền, thậm chí đứng trước nguy cơ phá sản, nên rõ ràng không thể tiếp cận được dòng tín dụng của các ngân hàng. Còn những doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả, đáp ứng điều kiện vay vốn lại e ngại suy thoái kinh tế, tiêu dùng sụt giảm nên cũng không mặn mà vay ngân hàng để mở rộng hoạt động Nhóm khách hàng cá nhân cũng không khá hơn do phải hứng chịu những hậu quả của dịch Covid-19 trong ba năm qua. Nhiều khoản vay của khách hàng cá nhân trước đây đang đứng trước rủi ro chuyển thành nợ xấu.
Lãnh đạo một số ngân hàng cho biết, các nhà băng đang trong tình trạng tiến thoái lưỡng nan vì huy động vốn lãi cao nhưng không cho vay được. Cầu tín dụng không có thì tiền huy động được để trong ngân hàng ngày nào là thiệt hại ngày đó. Nếu tình trạng này kéo dài thì ngân hàng lỗ nặng. Vì thế, các ngân hàng phải liên tục giảm lãi suất để kích cầu tín dụng. Thời gian tới, các ngân hàng sẽ phải tiếp tục giảm lãi suất huy động vì các ngân hàng đang chịu sức ép phải giảm thêm lãi suất cho vay để đẩy nhanh tăng trưởng tín dụng.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho hay, bên cạnh câu chuyện về khả năng tiếp cận của doanh nghiệp với ngân hàng, còn có một câu chuyện khác là các ngân hàng cũng đang đỏ mắt tìm doanh nghiệp để cho vay. Chẳng có ngân hàng nào muốn giữ tiền trong két, huy động vốn giá cao trong khi tín dụng chậm lại khiến các ngân hàng càng thêm mắc kẹt với việc giảm lãi suất cho vay.
Hiện nhiều ngân hàng vẫn đang phải trả lãi suất cao cho số tiền huy động trong giai đoạn cuối năm 2022 - đầu năm 2023. Điều này khiến các ngân hàng chưa thể giảm mạnh lãi suất cho vay. Mặt bằng lãi suất cho vay có xu hướng giảm nhưng vẫn ở mức cao. Lãi suất cho vay bình quân VNĐ phát sinh mới của các ngân hàng thương mại vẫn ở khoảng 9,3%/năm. Với các khoản vay cũ, không ít khách hàng cá nhân vay mua ô tô, nhà ở… vẫn phải chịu mức lãi suất cho vay phổ biến 12-14%/năm.
Lãi suất cho vay dự kiến sẽ giảm về mức trước dịch sau vài tháng nữa, khi các ngân hàng thương mại “hấp thụ” hết lượng vốn giá cao trước đây. Tuy nhiên, trước khi tới được ngày đó, ngân hàng vẫn phải loay hoay trong nghịch lý: “đỏ mắt” tìm khách tốt để cho vay với lãi suất thấp nhưng tìm không ra, trong khi khách hàng sẵn sàng vay thì ngân hàng không dám giải ngân vì sợ rủi ro.
Vì thế, nhiều chuyên gia nhận định, dù lãi suất cho vay có thể giảm thêm thời gian tới nhưng với sức khỏe doanh nghiệp yếu đi, điều kiện giải ngân không được “nới”, nhiều khả năng tín dụng sẽ tiếp tục tăng chậm.
Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, lãi suất đang trong xu hướng giảm, song rủi ro của nền kinh tế đang gia tăng, đồng nghĩa với việc ngân hàng sẽ thận trọng hơn khi cho vay ra, doanh nghiệp vay vốn sẽ không dễ dàng. Về phía doanh nghiệp, ngay cả với doanh nghiệp khỏe thì nhu cầu vay vốn cũng chỉ ở mức “cầm chừng” do đầu ra khó khăn, sức cầu thị trường giảm, hàng hóa bán chậm. Chỉ khi nền kinh tế phục hồi tốt hơn, doanh nghiệp mới mạnh dạn vay vốn. “Trong tương lai, lãi suất cho vay có khả năng sẽ giảm mạnh hơn nhưng với điều kiện các yếu tố kinh tế thuận lợi và sức khỏe doanh nghiệp tốt lên”, ông Hiếu nhận định.
(VNF) - Mưa lớn kéo dài nhiều giờ liền khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Đà Nẵng ngập nặng. Học sinh phải nghỉ học, nhiều cơ quan cũng cho người lao động nghỉ làm.