Xe

Lấn sân làm xe điện, Huawei 'hút' 50.000 đơn hàng trong chưa đầy 1 tháng

(VNF) - Sau khi ra mắt dòng xe điện mới nhất, “ông lớn” viễn thông Trung Quốc Huawei Technologies Co. đã gây được tiếng vang lớn tại thị trường nội địa, giúp cổ phiếu của đối tác sản xuất xe điện tăng hơn 50%. Điều này khiến Tesla và nhiều đối thủ khác phải “dè chừng”.

Lấn sân làm xe điện, Huawei 'hút' 50.000 đơn hàng trong chưa đầy 1 tháng

Mẫu xe AITO M7 mà Huawei hợp tác với Seres JV sản xuất nhận hơn 50.000 đơn đặt hàng chỉ sau 25 ngày ra mắt.

Ngoài lĩnh vực viễn thông, Huawei mới đây đã “lấn sân” sang lĩnh vực gây sốt toàn cầu hiện nay chính là xe điện. Mẫu xe AITO M7 mà Huawei hợp tác với Seres JV sản xuất đã thành công vượt mong đợi khi chỉ sau 25 ngày mở đặt cọc, mẫu xe này đã nhận hơn 50.000 đơn hàng.

Theo Huawei công bố, trong khoảng thời gian từ ngày 12-30/9, lượng đơn hàng trung bình mỗi ngày rơi vào khoảng 1.500 chiếc.

Các nhà phân tích ca ngợi thành công ban đầu của chiếc SUV điện này, một phần nhờ vào sức hút mạnh mẽ của Huawei đối với người tiêu dùng ở Trung Quốc, nơi hãng có mạng lưới cửa hàng bán lẻ khổng lồ.

Các nhà đầu tư chứng khoán cũng tỏ ra hào hứng với những diễn biến tích cực này, khiến cổ phiếu của Seres tăng hơn 50% kể từ khi AITO M7 được ra mắt, giúp nó trở thành cổ phiếu có tăng trưởng mạnh nhất trên Chỉ số MSCI Châu Á Thái Bình Dương.

“Sự thành công của Aito M7 do Huawei hậu thuẫn là không còn nghi ngờ gì nữa. Các nhà đầu tư nên tập trung vào những ‘cơn gió ngược tiềm tàng’ từ các mẫu xe điện khác của Huawei sẽ ra mắt vào cuối năm nay”, các nhà phân tích của Morgan Stanley nhận định.

Trung Quốc là thị trường xe điện lớn nhất thế giới, khi xe điện chiếm 38% doanh số bán xe mới của quốc gia này trong tháng 8. Các nhà sản xuất ô tô trong nước cũng đã đạt được những thành tựu lớn trên thị trường toàn cầu. Tiêu biểu là BYD, hãng này đang bám sát hãng xe điện hàng đầu nước Mỹ là Tesla về doanh số bán hàng.

Tuy nhiên, sau khi tăng mạnh vào đầu năm nay, cổ phiếu xe điện của Trung Quốc đã sụt giảm trong những tháng gần đây do lo ngại về định giá. Các mối đe dọa cạnh tranh cũng đã ngăn cản các nhà đầu tư xuống tiền cho các cổ phiếu xe điện.

Mặc dù được xem là tâm điểm của căng thẳng Mỹ-Trung, Huawei vẫn có hình ảnh tích cực trong lòng người dân Trung Quốc, thường được coi là biểu tượng cho sự tự lực của quốc gia về công nghệ.

Mới đây, Huawei đã âm thầm ra mắt Mate 60 Pro, smartphone 5G đầu tiên của hãng sau khi bị Mỹ cấm vận. Model này được trang bị một con chip tiên tiến, được tạo ra bất chấp các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm ngăn chặn gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc tiếp cận công nghệ mới.

Điều này đã gây tranh luận giữa các nhà quan sát thị trường và nhà hoạch định chính sách Mỹ. Trong một báo cáo nghiên cứu hôm 20/9, các nhà phân tích nhận định rằng việc phát hành Mate 60 Pro đã tạo ra áp lực chính trị để Mỹ leo thang các lệnh trừng phạt đối với Huawei.

Xem thêm >> Xung đột Israel – Hamas đẩy giá vàng, dầu, khí đốt ‘tăng nóng’

Tin mới lên