Tài chính

Làn sóng tẩy chay H&M: Người Việt Nam từng chi 3 tỷ đồng mỗi ngày mua sản phẩm H&M

(VNF) - Sau nhiều năm kinh doanh tại Việt Nam, doanh thu của H&M đã vượt mức 1.116 tỷ đồng/năm, tính đến cuối 2019. Như vậy, trung bình người tiêu dùng Việt Nam đã bỏ ra ít nhất 3 tỷ đồng mỗi ngày cho hoạt động mua sắm tại H&M.

Làn sóng tẩy chay H&M: Người Việt Nam từng chi 3 tỷ đồng mỗi ngày mua sản phẩm H&M

Làn sóng tẩy chay H&M: Người dùng Việt Nam từng chi 3 tỷ đồng mỗi ngày cho sản phẩm H&M

Người dùng Việt Nam phẫn nộ, kêu gọi tẩy chay H&M

Theo Sohu, mới đây, cư dân mạng Trung Quốc đã phát hiện website của thương hiệu thời trang H&M (hm.com) đăng tải bản đồ nước này nhưng không có đường lưỡi bò. Ngay lập tức, từ khóa liên quan đến vấn đề này nhảy lên hạng 2 trên bảng xếp hạng tìm kiếm của Weibo.

Sau đó, chính quyền Thượng Hải đã thông báo cho phía đại diện của H&M và muốn họ sửa lại vì "bản đồ có vấn đề". Chỉ ít giờ sau, đại diện H&M cho biết họ đã chấp nhận đề nghị của cơ quan quản lý và "chỉnh sửa ngay lập tức".

Hiện nay, trên mạng xã hội, người dân cho rằng H&M đã sửa đổi bản đồ Trung Quốc từ không có đường lưỡi bò sang có hiển thị đường lưỡi bò phi pháp.

Hành động này của H&M nhanh chóng khiến cộng đồng mạng và người tiêu dùng Việt Nam phẫn nộ. Nhiều người cho rằng, bản đồ Trung Quốc chứa đường lưỡi bò là loại bản đồ bất hợp pháp, không được thế giới công nhận.

Việc H&M đăng tải đường lưỡi bò chính là một trong những hành vi phi lý, không trung lập. Làn sóng tẩy chay H&M nhanh chóng lan toả rộng rãi trên khắp các trang mạng xã hội Việt Nam.

Trước đó, các tổ chức nhà nước và truyền thông Trung Quốc cũng chỉ trích dữ dội H&M và một số thương hiệu thời trang nước ngoài vì tuyên bố "không sử dụng bông Tân Cương". Thời gian qua, chính phủ Mỹ và châu Âu trừng phạt một số quan chức Trung Quốc vì chính sách của Bắc Kinh đối với Tân Cương.

Sau đó, vị trí các cửa hàng H&M bị xóa khỏi bản đồ trực tuyến của Trung Quốc. Thậm chí, một số cửa hàng cũng bị yêu cầu đóng cửa. Cuối tháng 3, H&M tuyên bố "đang nỗ lực hết sức để lấy lại niềm tin của khách hàng, đồng nghiệp và đối tác kinh doanh ở Trung Quốc".

Đây không phải lần đầu tiên H&M "dính phốt", tạo làn sóng dư luận tiêu cực đối với người tiêu dùng. Đầu năm 2018, H&M đã sử dụng người mẫu nhí da đen mặc chiếc áo in dòng chữ “coolest monkey in the jungle" (chú khỉ ngầu nhất trong rừng), bên cạnh đó là 2 mẫu nhí da trắng, một mặc áo hình thú không in chữ, một mặc áo in hình hổ kèm dòng chữ “survival expert” (chuyên gia sinh tồn).

Những hình ảnh này khiến nhiều người phẫn nộ và cáo buộc hãng thời trang Thụy Điển phân biệt chủng tộc. H&M sau đó phải lên tiếng xin lỗi.

Không những vậy, H&M trong năm 2018 còn chứng kiến tồn kho quần áo kỷ lục lên tới 4,3 tỷ USD do không bán được hàng. Nhiều ý kiến cho rằng, các thiết kế của H&M lỗi thời và không cạnh tranh được với các đối thủ khác trên thị trường.

H&M khiến cộng đồng mạng Việt Nam phẫn nộ khi đăng tải bản đồ có đường lưỡi bò phi pháp

H&M kinh doanh thế nào tại Việt Nam?

H&M, hay Hennes & Mauritz, là hãng thời trang được thành lập tại Thụy Điển vào năm 1947. H&M sở hữu nhiều thương hiệu khác nhau, bao gồm: Monki, Weekday, Cheap Monday và COS.

Ở Việt Nam, thương hiệu H&M chính thức mở cửa hàng đầu tiên ở Vincom Đồng Khởi (quận 1, TP. HCM) vào ngày 9/9/2017. Khi đó, thương hiệu thời trang đến từ Thụy Điển ước tính đã đón gần 12.000 lượt khách hàng tới tham quan, mua sắm trong ngày đầu ra mắt.

Chỉ hai tháng sau, H&M mở tiếp cửa hàng thứ hai, đặt tại Hà Nội. Một lần nữa, H&M thu hút được không ít sự quan tâm của người tiêu dùng Việt Nam, khi đón khoảng 14.000 lượt khách ra vào trong ngày khai trương.

Đến nay, sau khi liên tiếp mở thêm các cửa hàng mới, H&M đã nâng tổng số cửa hàng tại Việt Nam lên con số 12, bao gồm 5 cửa hàng ở Hà Nội, 4 ở TP. HCM và 3 cửa hàng ở Cần Thơ, Đà Nẵng, Hạ Long.

Tương ứng với tốc độ gia tăng sự hiện diện tại thị trường Việt Nam, những năm qua, doanh thu của H&M cũng ghi nhận sự tăng trưởng rõ rệt.

Theo số liệu mà VietnamFinance có được, mặc dù chỉ đăng ký vốn điều lệ ở mức 22,75 tỷ đồng và mất chưa đến 4 tháng kể từ khi đặt chân đến Việt Nam, doanh số của H&M đã đạt 227 tỷ đồng, tính đến cuối năm 2017.

Ở năm kế tiếp, doanh thu của hãng thời trang đến từ Thụy Điển tăng hơn 3 lần cùng kỳ, vượt hơn 762 tỷ đồng; đến năm 2019, con số này đứng ở mức 1.116 tỷ đồng.

Như vậy, trung bình người tiêu dùng Việt Nam đã bỏ ra ít nhất 3 tỷ đồng mỗi ngày cho hoạt động mua sắm tại H&M (năm 2019).

Thế nhưng, báo cáo tài chính của H&M cho thấy, với các chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp đắt đỏ, hãng thời trang này chỉ có lãi vẻn vẹn hơn 10 tỷ đồng trong năm đầu đến Việt Nam. Đáng chú ý ở năm 2018, mặc dù doanh số nở ra gấp hơn 3 lần, H&M chỉ ghi nhận lợi nhuận tăng nhẹ gần 12%, tương ứng hơn 1 tỷ đồng lên mức 11,3 tỷ đồng.

Cuối năm 2019, nhờ tiết giảm các chi phí vận hành, H&M có lãi gần 57 tỷ đồng, tăng trưởng gấp 5 lần cùng kỳ. Cũng tại thời điểm này, nguồn vốn của H&M đạt 717 tỷ đồng, trong đó nợ phải trả chiếm 616 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu hơn 101 tỷ đồng.

Tin mới lên